Mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm bị khỉ tấn công gây thương tích

23/02/2024 17:30 GMT+7

Thời gian qua, một con khỉ xuất hiện trên địa bàn P.Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) tấn công nhiều người khiến cư dân vô cùng lo lắng.

Ngày 23.2, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đang phối hợp chính quyền địa phương P.Thạnh Lộc (Q.12) tìm bắt con khỉ cắn người dân.

Tìm bắt con khỉ hung dữ cắn người

Theo người dân sống ở P.Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM), từ trước tết đến nay, tại khu vực xuất hiện một con khỉ khá to, hung dữ. Con khỉ quậy phá leo trèo trên mái tôn gây ồn ào, vào nhà dân lấy trộm đồ ăn... Khi người dân xua đuổi thì con khỉ lao vào tấn công cả người dân; có ít nhất 4 người bị con khỉ này cắn, cào gây thương tích.

Mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm bị khỉ tấn công gây thương tích- Ảnh 1.

Vết thương ở chân của bà Nguyễn Thị Thoan (58 tuổi, ngụ Q.12) do khỉ cắn

T.K

Bà Nguyễn Thị Thoan (58 tuổi, ngụ Q.12) chia sẻ, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại giây phút bị khỉ tấn công. Ngày 17.2 (tức mùng 8 tết), bà Thoan mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm. Lúc bà Thoan dọn hàng bày trái cây ra trước nhà thuê trên đường T.L 29 (Q.12), ít phút sau con khỉ xuất hiện, đi lại trên nóc nhà.

Thấy con khỉ có vẻ đang đói, bà Thoan cầm một quả táo để xuống đường, nhưng con khỉ đi vòng quanh không lại gần nên bà đến nhặt quả táo lên thì con khỉ lao đến cắn bà Thoan.

Vết cắn sâu ở chân khiến máu chảy nhiều, quá lo lắng, bà Thoan phải đi tiêm ngừa sau đó. "Tôi tiêm ngừa được 3 mũi, hiện vẫn còn rất sợ. Mong kiểm lâm sớm bắt được khỉ, để vầy nguy hiểm quá. Ngoài tôi thì có 3 người khác sống gần đây cũng bị khỉ cắn, cào gây thương tích", bà Thoan nói.

Gia đình ông Hoàng Nghĩa Cảnh (45 tuổi) sống trên đường T.L 29 (P.Thạnh Lộc, Q.12) cũng bị con khỉ trên liên tục vào nhà quấy phá. Trong ngày 28, 29 tết, con khỉ này vào nhà ông lấy trộm thức ăn rồi dí mọi người.

Theo ông Cảnh, vừa qua, người dân đã bắt được con khỉ trên, nhưng nó sổng ra và tiếp tục quậy phá nhiều nơi. Trên cổ con khỉ vẫn còn một sợi dây xích.

"Mùng 3 tết, con khỉ quay lại vào nhà lấy trộm đồ ăn vợ tôi xua đuổi thì nó cắn luôn", ông Cảnh lo lắng.

Mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm bị khỉ tấn công gây thương tích- Ảnh 2.

Con khỉ do người dân trên địa bàn Q.12 nuôi bàn giao cho kiểm lâm

T.K

Cũng theo ông Cảnh, do gia đình khó khăn dù vợ bị khỉ cào, cắn bị thương vẫn chưa đi tiêm ngừa... Sự xuất hiện của con khỉ hung dữ này tại khu vực khiến người dân vô cùng lo lắng, nhất là các trẻ nhỏ.

Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với kiểm lâm tìm bắt con khỉ này nhưng chưa được.

Nuôi động vật hoang dã không giấy tờ là vi phạm pháp luật

Trước đó, sáng 29.1, một con khỉ người dân nuôi sổng chuồng vào quán nước trên đường Vườn Lài (gần cầu Rạch Gia, Q.12) cắn chị T.T.A.T (20 tuổi, nhân viên quán nước). Chị T. phải đi tiêm ngừa chi phí hết hơn 1 triệu đồng. Kiểm lâm đã phối hợp chính quyền địa phương bắt con khỉ này đưa về cứu hộ chăm sóc theo quy định.

Mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm bị khỉ tấn công gây thương tích- Ảnh 3.

Kiêm lâm gây mê khỉ đưa về cứu hộ chăm sóc

T.K

Đây là một trong nhiều trường hợp khác, người dân nuôi khỉ để sổng ra ngoài dẫn đến cắn người. Thời gian qua thông qua báo đài, công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng người dân bắt đầu nhận thức và bàn giao nhiều động vật như khỉ, rùa, trăn, tê tê... để kiểm lâm cứu hộ chăm sóc sau đó thả về tự nhiên.

Cụ thể, trong sáng 23.2, kiểm lâm đã tiếp nhận 2 con khỉ đực (khỉ đuôi lợn), thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do hai hộ dân (ngụ Q.12) tự nguyện bàn giao.

Trong đó, có con khỉ nặng 11,5 kg do ông Phùng Văn Nghĩa (P.Thạnh Xuân, Q.12) nuôi. Theo ông Nghĩa, con khỉ này được một người bạn nuôi từ nhỏ gần đây tặng cho ông. Thấy con khỉ ngày càng lớn, một phần sợ khỉ sổng chuồng, cắn người nên ông cũng lo lắng.

Mở sạp trái cây bán khai trương đầu năm bị con khỉ tấn công gây thương tích

Theo kiểm lâm, động vật hoang dã có bản năng tự nhiên có thể tấn công người. Việc nuôi nhốt, tàng trữ, mua bán động vật hoang dã không khai báo với cơ quan kiểm lâm và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là vi phạm pháp luật.

Tùy theo loài động vật hoang dã quý hiếm cũng như tùy vào tính chất mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện những động vật hoang dã quý hiếm, động vật nguy hiểm sổng chuồng người dân nên báo ngay cho chính quyền địa phương. Người nuôi động vật hoang dã muốn giao con vật đang nuôi cho cơ quan chức năng thì liên hệ với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.