Mô tả vị trí việc làm khó, áp lực rất cao

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/04/2024 18:01 GMT+7

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, người phụ trách việc xây dựng đề án vị trí việc làm khối Quốc hội, nói khi còn là Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông cũng từng 'hết sức điên đầu với việc mô tả vị trí việc làm'.

Chiều 1.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở T.Ư, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 25.1, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Ban Tổ chức T.Ư danh mục 11 vị trí việc làm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở T.Ư và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mô tả vị trí việc làm khó, áp lực rất cao- Ảnh 1.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tờ trình về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GIA HÂN

Cụ thể là: Chủ tịch Quốc hội; Phó chủ tịch Quốc hội; Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; trưởng các cơ quan của Quốc hội (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban); trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phó trưởng các cơ quan Quốc hội; phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; phó trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội, ban thư ký; ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc, các ủy ban; trợ lý (trợ lý chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội).

Đối với các chức danh Chủ tịch Quốc hội tới trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Thanh cho biết, cơ quan này không xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực mà thực hiện theo Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2.1.2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

“Thực tế hiện nay, Chính phủ không xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực đối với bộ trưởng và tương đương trở lên”, bà Thanh cho hay.

Đối với các vị trí việc làm còn lại, Ban Công tác đại biểu đã xây dựng dự thảo trên cơ sở văn bản, quy định liên quan. Bà Thanh cũng cho biết, các cơ quan gồm TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đã có dự thảo tờ trình và danh mục vị trí việc làm của các cơ quan nói trên.

Mô tả vị trí việc làm khó, áp lực rất cao- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến thêm một lần nữa

GIA HÂN

Ban Công tác đại biểu đã chủ động trao đổi, làm việc với Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ, các cơ quan đều thống nhất với quan điểm giao các cơ quan tự phê duyệt danh mục vị trí việc làm sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, do Ban Chỉ đạo đề án vị trí việc làm, biên chế, tiền lương, dự kiến sẽ họp vào trung tuần tháng 4, nên thời điểm này Ban Tổ chức T.Ư chưa có văn bản hướng dẫn.

Từ đó, bà Thanh đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở T.Ư và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, giao TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm của cơ quan mình trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ sở để quy định thang, bảng lương mới

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, việc xây dựng vị trí việc làm rất quan trọng vì cải cách tiền lương từ 1.7 tới đây sẽ trả lương căn cứ trên vị trí việc làm. Theo Chủ tịch Quốc hội, một số nội dung trong tờ trình còn chưa rõ, trong khi sau khi có đề án vị trí việc làm này thì còn phải quy định chế độ, thang bảng lương cụ thể.

Mô tả vị trí việc làm khó, áp lực rất cao- Ảnh 3.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp thêm một phiên nữa để cho ý kiến vấn đề này. Ông cũng đề nghị các cơ quan tham gia thẩm tra các nội dung trong tờ trình đề án vị trí việc làm do Ban Công tác đại biểu chuẩn bị.

Cũng nêu ý kiến, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, trong quá trình xây dựng vị trí việc làm nói trên đã nhiều lần làm việc với Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ, song “ba lần, bảy lượt” chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ thì tới hết 31.3, các cơ quan phải nộp đề án vị trí việc làm, do đó, Ban Công tác đại biểu mới trình nội dung này tại phiên họp hôm nay.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, cái khó nhất là mô tả khung vị trí việc làm, từ đó mô tả vị trí việc làm cụ thể. Đây là công việc áp lực rất lớn, đòi hỏi tập trung cao độ, sự nỗ lực chủ động mới đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

“Tôi thấy hiện nay vị trí việc làm được xây dựng khái quát. Thường cái gì khái quát thì rất là chung chung, trừu tượng. Lúc ở Mặt trận Tổ quốc tôi cũng hết sức điên đầu với việc mô tả vị trí việc làm”, ông Mẫn nói.

Ông Mẫn đề nghị thống nhất phương án Chủ tịch Quốc hội đề nghị là giao thêm các cơ quan của Quốc hội thẩm tra tờ trình vị trí việc làm do Ban Công tác đại biểu chuẩn bị. Ông cũng nhấn mạnh, vị trí việc làm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, song các cơ quan cần chịu trách nhiệm trước pháp luật về vị trí việc làm được mô tả. 

“Thường vụ Quốc hội đâu có đứng đếm từng vị trí việc làm, làm công việc gì, bao nhiêu người ra vào được, như thế hết sức khó khăn”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.