Mở then cài chốt các khái niệm quan trọng trong nghiên cứu giới

Đông Phong
Đông Phong
28/08/2022 21:04 GMT+7

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức buổi nói chuyện để bàn về quyển sách rất mới đó là Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Minh.

Nghiên cứu giới là một ngành đang "hot" và nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay. Sự ra đời của những tác phẩm về giới tại Việt Nam, mới đây nhất là việc chuyển ngữ và giới thiệu cuốn Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (tựa gốc: Key Concepts in Gender Studies) của 2 tác giả Jane Pilcher và Imelda Whelehan (TS. Nguyễn Thị Minh dịch), cho thấy rõ điều đó. Để bàn luận xa gần về quyển sách quan trọng này, ngày 27.8, tại Nam Thi House (Q.1, TP. HCM), NXB Phụ nữ Việt Nam mở ra buổi nói chuyện Phụ nữ tùng thư Talk với chủ đề "Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới".

Diễn giả ngồi từ trái qua của buổi nói chuyện "Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới" gồm có TS. Hồ Khánh Vân (công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM), TS. Nguyễn Thị Minh (Đại học Sư phạm TP. HCM), TS. Đào Lê Na (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM) và TS. Phạm Quốc Lộc (ĐH Thái Bình Dương)

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Vì sao Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới lại quan trọng?

TS. Nguyễn Thị Minh đã dành hơn một năm để dịch, hiệu đính Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới trước khi quyển sách rời nhà in. Tác phẩm "nặng đô" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này (nội dung chuyên sâu về học thuật; in khổ lớn) là sự cố gắng của dịch giả trong việc chuyển ngữ những khái niệm "đinh" trong nghiên cứu giới đó là tính liên tầng, dị tính luyến ái, lao động tình dục, bình đẳng, bạo lực...

TS. Đào Lê Na, hiện cũng đang nghiên cứu về giới và tìm hiểu mối tương quan giữa vấn đề này và cải biên học, cho rằng đồng nghiệp can đảm khi chuyển ngữ quyển sách. Cô cho biết, bản thân tốn nhiều năm để bảo vệ khái niệm "cải biên" (không phải là "chuyển thể") mà đôi khi còn bị vướng phải nhiều ý kiến trái chiều, trong khi đồng nghiệp lại chuyển ngữ tác phẩm chứa đựng hàng loạt khái niệm như thế.

TS. Nguyễn Thị Minh - dịch giả của quyển sách

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Chia sẻ về lý do chuyển ngữ Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, TS. Nguyễn Thị Minh nói: "Có một loại sách mà người ta gọi là sách công cụ để các bạn có thể đọc những khái niệm kinh điển (về giới). Với cuốn này, tôi chọn dịch mặc dù biết có rất nhiều sách công cụ, dạng phổ biến nhất là tự điển nghiên cứu về giới, về nữ quyền... Tôi lại thấy cuốn này hữu dụng vì tác phẩm đề cập từng khái niệm. Mỗi khái niệm các tác giả đều trình bày kỹ lưỡng và cho biết tình thế đương đại của chúng là như thế nào". Nữ dịch giả nói thêm, khi tìm hiểu về giới, một lĩnh vực mênh mông mà học thuật phương Tây đã cày những luống cày rất sâu, độc giả Việt Nam có thể tham khảo quyển này như là công cụ tóm lược những khái niệm một cách khúc chiết, gọn gàng và khá đầy đủ. Tuy nhiên, TS. Phạm Quốc Lộc lưu ý rằng, Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới không phải là quyển sách "toàn năng", bởi đằng sau những khái niệm này là kho tri thức về giới khổng lồ, mà muốn hiểu sâu, anh lưu ý, độc giả phải tìm đọc thật nhiều.

Sách Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Tác phẩm Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới của 2 tác giả Jane Pilcher (Phó giáo sư Xã hội học tại Đại học Leicester, Anh) và Imelda Whelehan (Giáo sư và Chủ nhiệm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc) ra mắt bạn đọc năm 2007. Tính đến nay, sách tái bản gần 10 lần, lần gần đây là năm 2017 có chỉnh sửa, bổ sung. Hai tác giả chọn lọc, tập hợp 50 khái niệm quan trọng trong nghiên cứu giới, trình bày lịch sử ra đời, quá trình phát triển, đồng thời dẫn thêm phần khái niệm liên quan... để cho thấy được sự sôi nổi của học thuật thế giới trong việc nghiên cứu vấn đề này. Văn phong chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Thị Minh dễ hiểu, rất trau chuốt trong việc chọn từ để dịch nên bản dịch rất có giá trị.

Nên đọc quyển sách với đầu óc "tỉnh" nhất có thể

Sách chuyên về học thuật, đặc biệt là dạng sách công cụ như Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, cần phải đọc kỹ, nghiền ngẫm sâu bởi bên trong những văn bản lại chứa đựng lớp lớp những lý thuyết khác, điều mà các diễn giả nói vui với nhau rằng có thêm 3.000 Nguyễn Thị Minh nữa thì cơ may mới có thể dịch nổi lý thuyết về giới đang rất thịnh ở phương Tây.

3 diễn giả là TS. Hồ Khánh Vân, TS. Đào Lê Na và TS. Phạm Quốc Lộc có những phần trình bày rất lý thú và sâu sắc, và những kiến thức này châu tuần xung quanh để làm rõ thêm những khái niệm mà TS. Nguyễn Thị Minh cố công chuyển ngữ.

TS. Đào Lê Na chia sẻ về cải biên và queer

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

TS. Phạm Quốc Lộc gợi mở những cách hiểu, cách "đọc" Foucault trong nghiên cứu giới

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Là một người đang nghiên cứu về giới, TS. Đào Lê Na nhận thấy mối quan hệ đặc biệt, vừa đồng nhất mà có phần dị biệt giữa lý thuyết queer và cải biên học. Queer ban đầu bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Sau đó, nó trở nên "xịn" hơn khi trở thành một "ca" đặc biệt trong nghiên cứu giới, vì chúng ta có queer study và queer theory. Các diễn giả đưa ra những cách dịch khác nhau về từ này bao gồm "lệch chuẩn", "lệch pha" (tức có một cái chuẩn rồi thì có cái để khác đi). Và chính vì điều này, TS. Đào Lê Na nhìn thấy lý thuyết queer có sự tương đồng với cải biên vì cải biên là việc sáng tạo nên một tác phẩm kịch, phim ảnh dựa trên một nguyên tác đã có trước đó.

TS. Đào Lê Na đã lấy một hình ảnh rất xúc động trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà văn trẻ Ocean Vương đó là đoạn người con trai dạy cho người mẹ mù chữ của mình học để nói rõ hơn về sự chuyển tiếp quyền lực (power) về giới. Và đây cũng là phần mà TS. Phạm Quốc Lộc đã chia sẻ rất thú vị trong buổi nói chuyện vì anh đồng thời nói về thuyết quyền lực của Foucault lẫn tính trình diện... Đặc biệt, sự chia sẻ của thầy Phạm Quốc Lộc đã gợi mở cho người tham dự có nhiều "chìa khóa" để có thể áp dụng vào lý giải sự tác động của quyền lực về giới.

TS. Hồ Khánh Vân cho biết trước đây, có nhiều tác phẩm, buổi diễn thuyết về nữ quyền

NXB PHỤ NỮ việt nam

Buổi nói chuyện có nhiều thầy cô, sinh viên đến tham dự

NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM

Hơn 2 tiếng rưỡi của buổi nói chuyện hầu như không đủ để nói thêm nhiều vấn đề thú vị nữa xoay quanh quyển sách Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới. Điều đó cho thấy, đây là chủ đề tuy "hot" nhưng người say mê không nên học vội mà phải học với tâm thế cầu tiến, "tỉnh" nhất có thể trước muôn vàn lý thuyết về giới.

TS. Hồ Khánh Vân cho biết, những sự chất vấn, phản kháng hay ý thức nữ quyền thể hiện dày đặc trong các tác phẩm văn học. Cô tâm sự: "Có rất nhiều buổi nói chuyện như thế với một loạt gương mặt người nữ trong thời kỳ cận đại như Phan Thị Bạch Vân, Manh Manh nữ sĩ. Đặc biệt là bà Manh Manh, bà đi diễn thuyết khắp nơi, có khi thính giả lên tới hàng nghìn khi bà nói về vấn đề nữ quyền. Mình đã từng có một thời sôi động như vậy khi ý thức nữ quyền thâm nhập vào Việt Nam. Đến thập niên 60, 70, ngay tại miền Nam, chúng ta có ý thức nữ quyền vô cùng rực rỡ. Tôi thích sáng tác của Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng... Thật may là tác phẩm của họ đã được tái bản, và chúng ta hôm nay bàn luận sâu hơn với một tinh thần bình đẳng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.