Thị trường thiếu sách âm nhạc, vì sao?

Nguyên Vân
Nguyên Vân
06/06/2022 06:45 GMT+7

'Viết sách, làm sách về âm nhạc phải chấp nhận từ huề đến lỗ. Nếu huề là huề tiền in, còn lỗ thì đương nhiên là lỗ công viết và các chi phí xuất bản. Do đó, rất hiếm người còn đủ tâm huyết để đầu tư cho sách âm nhạc'.

Đó là nhìn nhận của ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty nghệ thuật Đồng Hành (đơn vị phối hợp ấn hành Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc cùng NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ra mắt và đang thực hiện các đầu sách của nhạc sư Tiến Dũng: Tôi viết ca khúc tiếng Việt, Ca trưởng, Những điều cần biết cho người dạy và học piano…). Hoạt động âm nhạc ở cả lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy (sáng lập và điều hành Vietnam Harmonica Orchestra, giảng viên Trường Âm nhạc B.A.C.H), ông Hà cho rằng sách âm nhạc nói chung do tác giả Việt Nam viết hiện rất thiếu; trên thị trường chủ yếu là sách dịch có từ lâu đời. Chưa kể, dễ thấy nhất ở các sách dạy về nhạc cụ là thiếu phần âm thanh (audio files), mà học nhạc, nhất là các môn đàn, là học bằng tai, học bằng âm thanh.

Một số sách âm nhạc được đề xuất tìm đọc trên thị trường hiện nay

NXB

Theo một số nhạc sĩ và giảng viên âm nhạc, thị trường sách âm nhạc đang thiếu những đầu sách nâng cao, học chuyên sâu về kỹ thuật nhạc cụ, học ngẫu hứng, các tác phẩm chọn lọc…; các mảng sách về hòa âm, tìm hiểu về kiến thức âm nhạc (dành cho công chúng) cũng thiếu. Trong khi đó, ở các nước khu vực như Hàn Quốc, Singapore, họ phát hành những đầu sách rất chuyên biệt, dành cho nhiều đối tượng.

“Thật ra các thầy cô ở những nhạc viện, trường nhạc vẫn biên soạn nhiều giáo trình giảng dạy. Nhưng hầu hết đó là những sách gắn mác “lưu hành nội bộ”. Một số nhạc sĩ ở ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng viết các đầu sách rất giá trị, dù được xuất bản chính thức nhưng các kênh phát hành rất hạn chế - gần như chỉ sinh viên trường đó tiếp cận được. Người ngoài phải săn lùng qua các bản photocopy”, ông Hà cho biết. Nguyên nhân, theo ông có thể là do kênh phát hành và chuyện tác quyền sách âm nhạc còn hạn chế. “Hiện nay các đầu sách này nếu đưa ra những kênh phát hành chính thức, mức chiết khấu phát hành cao ngất ngưởng, khoảng 50%. Ngược lại nếu tính toán giá bìa theo mức sinh viên, rồi sau đó đưa ra kênh phát hành ngoài thì không chịu nổi”, ông Hà nói.

Trong buổi ra mắt sách âm nhạc mới đây tại Đường sách TP.HCM, một độc giả thường xuyên đưa gia đình đến nhà sách cho biết: “Tìm được đến khu vực trưng bày sách âm nhạc thì nhìn cũng rất “hẻo”, tìm hiểu thì một số nhà sách cho biết có thể sẽ dẹp luôn vì chiếm chỗ quá mà không hiệu quả”. Trước “nỗi niềm” này, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM, giải thích: “Số lượng đầu sách âm nhạc ở Việt Nam ít, nên việc tạo cho nó không gian thật trang trọng hơi khó. Để trưng bày có điểm nhấn ở các nhà sách thì phải có số lượng đủ. Do đó cũng khó nói rằng các nhà sách có sự thiên vị đối với âm nhạc hay văn hóa nghệ thuật nói chung. Về trách nhiệm của NXB, đặc biệt với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, khi tiếp cận những tác phẩm có giá trị, chúng tôi luôn nhận thức rằng mình sẽ không chỉ dành cho nó không gian mà làm sao để quảng bá tốt nhất đến công chúng”.

Để dân ta hiểu biết nhạc ta

Ngoài những nguyên nhân được đề cập, ở góc độ khác, nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp (Trưởng khoa Kiến thức âm nhạc tổng hợp, Trường Nhạc MPU, TP.HCM) cho rằng: “Việc đổi mới phương pháp dạy nhạc của Bộ GD-ĐT là một nhu cầu có thực và rất cần thiết. Ví dụ, với một chương trình dạy nhạc - 5 bộ sách do nhiều ê kíp biên soạn cho tiểu học hiện nay có nội dung gần giống nhau, chỉ khác về cách trình bày… thì là một sự lãng phí, phải mất nhiều thời gian để tập huấn cho giáo viên dạy nhạc các cấp với nhiều bất cập như hiện nay”.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, nên chăng ở cấp tiểu học, chúng ta cho các em học về “âm nhạc Việt Nam” để “dân ta phải biết nhạc ta, phải biết về cội nguồn” từ dân ca đến các loại nhạc cụ tiêu biểu của Việt Nam. Từ bậc THCS, đặc biệt ở bậc THPT, âm nhạc nên là môn bắt buộc và học sinh sẽ học về “âm nhạc các nước” với tác giả - tác phẩm phù hợp với thời kỳ hội nhập”, bà Điệp chia sẻ thêm và bày tỏ: “Nếu từ trong nhà trường, người học được biết tới âm nhạc đúng nghĩa, họ sẽ tìm đến các tài liệu về âm nhạc một cách tự nhiên. Nếu âm nhạc được quan tâm như một môn nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách con người thì Bộ GD-ĐT và nhà nước phải có đầu tư đúng mực, thỏa đáng, thu hút được các nhà chuyên môn có uy tín trong giáo dục âm nhạc, họ là những người có tâm, có tầm với nghề để có thể cho ra những bộ sách hay, lan tỏa tốt về âm nhạc Việt Nam và quốc tế”.

Việt Nam không thiếu nhân tài trong việc sưu tầm - dịch thuật - biên soạn các loại sách về âm nhạc. Do thời kinh tế thị trường, mọi thứ đều “quy ra thóc” nên cả 3 việc trên đều vướng phải những “vấn đề nhạy cảm”. Một là các đề tài chuyên sâu về âm nhạc tại đơn vị nhà nước thì ít được đầu tư, hoặc có đầu tư nhưng rẻ mạt, không cân xứng với công sức của những người tham gia ê kíp biên soạn các công trình từ cấp cơ sở đến cấp bộ nên không có động lực… Hai là các loại sách dạy và học nhạc được bán tại các nhà sách lâu nay, ngoài những tài liệu cũ, có nhiều sách dạy các loại đàn sau nhiều lần tái bản với nội dung giống nhau, chỉ thay đổi bìa và cách trình bày cũng khiến khách hàng mau chán. Hiếm lắm mới có sách mới về âm nhạc được dịch với nội dung hay. Có nhiều tổ chức tư nhân đã nhập từ nước ngoài về các loại sách dạy nhạc với nội dung và hình thức bắt mắt hơn, cập nhật hơn nhưng lại gặp vấn đề về bản quyền khi giá sách gốc khá đắt khiến họ phải làm “bản fake” và nhiều hệ lụy xảy ra…

Nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.