Nhạc sĩ Cung Tiến xứng đáng trong trái tim hàng triệu người yêu mến âm nhạc

05/06/2022 20:05 GMT+7

Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên, mất mát lần này của nhạc sĩ Cung Tiến lại tạo ra những cảm xúc ngập tràn, nhất là với những người sinh ra và lớn lên từ những thập niên 1940-1950 trở đi.

Ít có nhạc sĩ nào viết nhạc ở tuổi 15-16 mà tác phẩm lại khắc sâu vào lòng người, âm vang mãi trong những tâm hồn đa cảm, yêu nghệ thuật như Cung Tiến. Cũng không có nghệ sĩ nào chỉ sáng tác một số nhạc phẩm ít ỏi mà tầm vóc và tiếng vang lại vút cao và lan rộng như thế.

Nhạc phẩm Thu vàng của Cung Tiến

T.L

Dù những năm sống ở Mỹ, Cung Tiến đã làm được nhiều việc đáng nhắc nhở, song với những người còn ở lại quê nhà, tác phẩm trước 1975 của ông vẫn là những giá trị trường tồn, vẫn luôn làm cho chúng ta chất ngất say sưa với từng giai điệu: nhẹ nhàng và sâu lắng như Hoài cảm, thanh nhã và sang trọng như Hương xưa, lâng lâng và lãng đãng như Thu vàng

Và còn nữa, những tác phẩm có giá trị của ông: Mắt biếc, Lệ đá xanh, Mùa hoa nở, Nguyệt cầm vẫn còn vang vọng… Vĩnh biệt và thương tiếc nhạc sĩ Cung Tiến, nhiều người đã kể rõ về những chặng đời của ông, song có một vài chi tiết mà người viết bài này chưa thấy nhắc đến.

Đó là trong hoạt động của nhiều thành phần xã hội ủng hộ Phật giáo và chống lại chính sách cứng rắn đối với tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, có tiến sĩ kinh tế Cung Thúc Tiến. Tháng 9.1965, Cung Tiến được gọi nhập ngũ khóa 21 trường Bộ binh Thủ Đức và được Bộ chỉ huy quân trường cử làm đại diện khóa.

Song giữa chừng khóa học, ông bị loại khỏi khóa và phải đi hạ sĩ quan. Việc này vẫn thường xảy ra với những sinh viên sĩ quan được khoác cho hai từ “ba gai” (pagaille), là một loại từ quen thuộc lúc bấy giờ dành cho những khóa sinh hay sinh viên sĩ quan bướng bỉnh, không phục tùng kỷ luật sắt của quân trường. Nghe đâu sau sự kiện này, ông được điều về làm văn phòng tại Tiểu khu Bình Định/ Qui Nhơn.

Nhạc sĩ Cung Tiến (1938-2022)

t.l

Trong đời sống nghệ thuật hôm nay, với rất nhiều người, sự ra đi của hai tài năng lớn Tô Thùy Yên và Cung Tiến đã làm sống lại trong lòng họ rất nhiều kỷ niệm của thuở thiếu thời. Tác phẩm của hai ông là nguồn cội của bao nhiêu hoài niệm, sau những thăng trầm dâu biển của một đời người. Cái đẹp trong tác phẩm của họ là cái đẹp không thể tái sinh, nó vĩnh viễn thuộc về một thế hệ vàng đã mất hút dần trong cõi nhân sinh, không tìm lại được nữa.

Một buổi chiều mưa, ngồi dưới mái hiên vắng lặng, lắng nghe giai điệu thiết tha của một Hoài cảm, chúng ta dễ dàng để cho những cảm xúc lôi cuốn ta đi đến một bến bờ nào xa lắc “Chờ nhau, hoài cố nhân ơi! Sương buồn che kín nguồn đời/ Hẹn nhau một kiếp xa xôi, nhớ nhau muôn đời mà thôi!”.

Nửa khuya giật mình dậy, lắng tiếng Hương xưa:Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi/ Buồn sớm đưa chân cuộc đời/ Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa/ Dù có bao giờ, lắng men đợi chờ…” đã có bao nhiêu tấm lòng ray rứt trước cái vô thường của kiếp nhân sinh?

Nhạc phẩm Hoài cảm của Cung Tiến

T.L

Đã đành cuộc đời là hữu hạn, song có những sự ra đi mang lại nỗi ngậm ngùi, tiếc nhớ cho hàng triệu trái tim. Cung Tiến là một người như thế, ông xứng đáng có một chỗ đứng trong trái tim hàng triệu người yêu mến âm nhạc của ông, trân trọng một cuộc đời nhiều thăng trầm và một nhân cách luôn biết yêu thương cuộc sống. Bài viết này như một nén tâm hương tưởng nhớ ông, hàm ơn ông, người đã mang đến cho nhiều thế hệ cái đẹp thanh thoát của âm nhạc và đời sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.