Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: “Loạn đầu bào” ở Quảng Nam

05/06/2022 07:30 GMT+7

Sau sự thu hồi giấy phép hoạt động của Trường Đông Kinh nghĩa thục, năm 1908 là năm sôi sục những cuộc đấu tranh để phản đối chính sách khắc nghiệt của thực dân Pháp, tiêu biểu là gánh nặng thuế khóa ngày càng đè nặng lên đôi vai còm cõi của người dân nghèo.

Tay không không thể chống lại súng đạn và dùi cui, những cuộc vùng lên đòi quyền sống bị giặc Pháp bóp nghẹt, song cảnh máy chém, tù đày diễn ra vẫn không làm chùn bước các nhân sĩ yêu nước, đồng thời cũng không làm mất đi lòng tin yêu của quần chúng dành cho họ.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897 - 1902)

Trong quá trình thực dân Pháp thuộc địa hóa toàn bộ VN, Paul Doumer là một trong những viên toàn quyền có công lớn nhất đối với chính quốc. Ngay khi vừa nhậm chức (1897), ông ta giải tán Cơ mật viện của triều đình và đặt Hội đồng thượng thư dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ Huế. Năm sau, ông ta tước đoạt luôn quyền hành thu thuế của triều đình, buộc nơi đây phải sống bằng nguồn tiền do ngân sách thuộc địa cung cấp. Khi vua Thành Thái thực hiện cuộc Bắc tuần vào năm 1907, kinh phí chuyến đi phải do Tòa Khâm sứ Huế duyệt cấp.

Về phần công chúng, các công tác to lớn, tiêu biểu là việc làm đường xe lửa Đông Dương, đòi hỏi những khoản kinh phí khổng lồ, gánh nặng sưu thuế đè lên vai dân nghèo. Ngoài việc thay đổi thể thức thu thuế bằng tiền thay vì bằng lúa làm xáo trộn tập quán xã hội sẵn có, việc làm xâu (công sưu) bộc lộ rõ nét những mặt trái của một xã hội đầy áp bức bất công. Người đi làm xâu phải đem gạo nhà theo ăn, người giàu hay có quyền thế được bỏ qua, người nghèo có khi phải đi làm xâu đến 15 lần trong một năm (Marr David G.- Vietnamese Anticolonialism 1885-1925 -NXB Berkeley-1971, trang 186).

Trong tình hình đó, các phong trào dân tộc do giới nhân sĩ trí thức phát động đã bùng lên sôi nổi. Cuối năm 1907, nhiều buổi diễn thuyết bỏ túi được tổ chức tại các xóm làng, kêu gọi đấu tranh đòi giảm bớt gánh nặng thuế khóa và công bằng hóa việc công sưu.

Tháng 3.1908, cuộc kháng sưu, kháng thuế bắt đầu nổ ra tại H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vì nơi đây là trung tâm của gánh nặng công sưu nhằm phục vụ cho nhu cầu hoạt động của mỏ than Nông Sơn. Ngày 9.3.1908, hơn 300 người kéo lên huyện yêu cầu giảm sưu. Không đuợc giải quyết, họ kéo về Hội An gặp thẳng viên công sứ Pháp. Viên chức này ra lệnh cho đoàn biểu tình giải tán, đồng thời chịu tiếp 6 đại biểu, nhận đơn khiếu nại và hứa giải quyết thỏa đáng.

Tin tức về phong trào kháng thuế nhanh chóng loan đi, các huyện khác của tỉnh Quảng Nam hưởng ứng ngay. Họ cũng ồ ạt kéo về Hội An, thủ sẵn kéo trong người và chặn đường cúp (cắt) tóc những ai họ gặp. Các thân chủ bất đắc dĩ này phải trốn biệt trong nhà nhiều tháng, phần vì xấu hổ, phần vì sợ bị chính quyền bắt giữ. Cụm từ “loạn đầu bào” được khai sinh từ đó.

Hai cụ Huỳnh Thúc Kháng (phải) và Ngô Đức Kế cùng bị đày đi Côn Đảo sau vụ kháng thuế Trung kỳ năm 1908

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Tại Hội An, trước làn sóng người biểu tình không dứt, công sứ Quảng Nam ra lệnh đối phó bằng dùi cui và báng súng. Nhưng chỉ được chốc lát, khi lính rút đi, người dân quần tụ lại như cũ. Ngày 13.3.1908, người biểu tình trải chiếu ở luôn quanh dinh công sứ, nấu ăn tại chỗ và cứ mỗi ba ngày, một toán người mới đến thay thế cho toán cũ về nhà.

Ngày 21.3.1908, một nhóm biểu tình đến phủ đường Điện Bàn, cưỡng bách viên tri phủ đi với họ về Hội An để nộp đơn khiếu nại. Trên đường đi, lính Pháp đã xả súng bắn vào đoàn người làm 3 người chết.

Đến tháng 4.1908, phong trào kháng thuế, cự sưu nhanh chóng lan ra từ Quảng Ngãi vào đến Bình Định, Phú Yên. Tại Bồng Sơn (Bình Định), đoàn biểu tình túm lấy viên tri phủ và cúp tóc y. Từ đó, đoàn biểu tình đi đến đâu, quan phủ huyện nơi đó đều trốn cả. Sự đàn áp của Pháp ngày càng dữ dội hơn, Đến tháng 5.1908, phong trào lần hồi tan rã sau khi một số lãnh tụ cách mạng trong phong trào Duy Tân hay tổ chức Đông Kinh nghĩa thục bị bắt giữ, bị lưu đày hay xử tử.

Kể từ biến động này, triều đình Huế trở thành công cụ hợp thức hóa mọi quyết định của thực dân Pháp. Vua Duy Tân còn quá nhỏ (8 tuổi), mọi việc do phủ Phụ chánh thực hiện. Các đại thần trong phủ như Trương Như Cương (Lại bộ Thượng thư), Lê Trinh (Lễ bộ Thượng thư), Tôn Thất Hân ( Binh bộ Thượng thư), Nguyễn Hữu Bài (Công bộ Thượng thư), Huỳnh Côn (Hộ bộ Thượng thư) đã ban hành hàng loạt quyết định bắt giữ, lưu đày, xử tử những lãnh tụ cách mạng có dính líu ít nhiều đến phong trào kháng thuế. Ngoài cụ Trần Quý Cáp bị xử chém ngang lưng tại Nha Trang, nhiều nhà cách mạng bị lưu đày Côn Lôn (Côn Đảo) như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Duyện...

Riêng cụ Phan Châu Trinh, trong suốt thời gian diễn ra cuộc kháng sưu thuế, cụ đang có mặt tại Hà Nội, song sau đó vẫn bị bắt giải về Huế. Một vài người trong triều không ưa tính khảng khái của cụ, ban án trảm quyết dành cho cụ, sau nhờ sự can thiệp của một vài viên chức ở phủ Toàn quyền Đông Dương, bản án chuyển thành “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên” (đày Côn Đảo không được hưởng ân xá). (còn tiếp)

Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20

Đông Kinh Nghĩa Thục

Các nhà cách mạng Việt Nam và hạm đội Sa Hoàng

Cuộc chiến Nga - Nhật

Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.