Khởi sắc nơi ngôi làng từng bị lãng quên
Nằm sâu trong thung lũng giữa đại ngàn Trường Sơn, ngôi làng Pêtapot (xã Đắc Pring, H.Nam Giang, Quảng Nam) bình lặng nơi núi rừng biên giới Việt - Lào. Vì biệt lập với bên ngoài nên Pêtapot vẫn giữ được những nét đẹp nguyên thủy của một ngôi làng vùng sơn cước. Pêtapot cũng là một trong những bản làng được mệnh danh “cổng trời” nơi vùng biên giới.
Hành trình vào Pêtapot vô cùng gian nan, vất vả |
Cụm dân cư Pêtapot chỉ có 9 hộ dân (với 37 nhân khẩu) đồng bào Ve sinh sống từ lâu đời; hàng chục năm qua đều thuộc diện hộ nghèo. Do địa hình phức tạp, nằm biệt lập nên nơi đây không điện - đường - trường - trạm, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; cuộc sống vẫn dựa vào tự cung tự cấp: gạo lúa rẫy, cá dưới suối, măng rau trên rừng...
Bà Y Kiêng, Trưởng cụm dân cư Pêtapot, cho biết Pêtapot từng là “ngôi làng bị lãng quên”, nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng, các bạn đoàn viên, thanh niên mà hiện nay bộ mặt Pêtapot đã có nhiều chuyển biến.
“Cuộc sống cư dân Pêtapot nay đã bớt nhọc nhằn, nhiều người trẻ có cơ hội đi ra hòa nhập cuộc sống bên ngoài. Con chữ cũng đã tìm đến làng, dần len lỏi vào từng nhà. Pêtapot có được như hôm nay phần lớn nhờ công sức đóng góp của những người trẻ”, bà Y Kiêng bày tỏ.
Đoàn viên, thanh niên vận chuyển tôn vào làng Pêtapot để xây nhà cho dân |
Trở thành “người vận chuyển” cho công trình mái ấm vùng biên, chị Kring Thị Mười, Phó bí thư Đoàn xã Đắc Pring, cho biết con đường duy nhất vào làng Pêtapot là đường rừng hiểm trở, phải mất gần 1 ngày mới vào được làng nên quá trình vận chuyển gặp vô vàn khó khăn.
“Bà con rất mong có được ngôi nhà mới kiên cố trước mùa mưa bão. Vì vậy, dù khó khăn vất vả đến đâu chúng tôi vẫn luôn động viên, hỗ trợ nhau vận chuyển vật liệu để sớm hoàn thành nhà”, chị Mười bày tỏ.
Theo chị Mười, mới đây các đoàn viên, thanh niên cũng đã mang nhiều suất quà gồm nhu yếu phẩm, ống nước, vật dụng gia đình... giúp người dân làng Pêtapot có thêm điều kiện trong thời điểm giáp hạt. Tổng kinh phí chuyến thiện nguyện gần 20 triệu đồng. “Chuyến hành trình đến với Pêtapot lần này với cá nhân tôi vô cùng ý nghĩa. Áo xanh tình nguyện đã “phủ sóng” cả những vùng xa xôi, khó khăn nhất của Tổ quốc. Tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa những công trình mang tính nhân văn, ý nghĩa như thế này”, Mười tâm sự.
Hành trình ý nghĩa
Anh Kring Giống, người được tiếp nhận công trình mái ấm vùng biên, vui mừng chia sẻ: “Căn nhà hai cha con mình được các đoàn viên, thanh niên xây tặng là căn nhà bê tông, mái lợp tôn đầu tiên của làng. Mình rất vui và hạnh phúc khi được ở trong ngôi nhà mà chỉ nằm mơ mới có. Hai cha con mình biết ơn các bạn nhiều lắm!”.
Gạch được xếp vào bao tải để vận chuyển vào Pêtapot xây nhà cho cha con anh Kring Giống |
NAM THỊNH |
Theo anh Giống, trước đây cụm dân cư Pêtapot nằm ở cách vị trí hiện nay không xa. Ở đó vợ chồng anh có một căn nhà gỗ nhỏ. Không may trong làng có một người mất vì treo cổ, còn vợ anh thì mất do bị lũ cuối trôi vào cuối năm 2020 khi đi rẫy về. “Theo phong tục, nếu có người chết vì treo cổ và trôi sông thì là chết xấu nên buộc phải dời làng đi chỗ khác. Khi về ở nơi mới thì không cho dời những nhà có người chết xấu về theo nên khi đến nơi ở mới hai cha con tôi sống chen chúc trong một gian nhà tạm nhỏ như cái bếp. Cái ăn còn phải kiếm từng bữa, hai cha con không dám nghĩ tới chuyện làm lại nhà mới”, anh Giống chia sẻ.
Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho hay để hoàn thành nhà cho hai cha con anh Giống, Huyện đoàn Nam Giang đã huy động khoảng 70 đoàn viên, thanh niên trên toàn huyện vượt 18 km đường rừng, băng qua nhiều ngầm sông, suối nước chảy xiết để vận chuyển 40 tấm tôn, 2 tấn xi măng, 6.500 viên gạch, 2 thùng sơn và hơn 1 tấn thép.
“Trước khi vượt quãng đường dài vào cụm Pêtapot, ngoài vận chuyển vật liệu, các bạn trẻ còn gùi, cõng thêm lương thực, thực phẩm để nấu ăn. Chúng tôi biết rõ tình cảnh dân làng còn khốn khó, không muốn phiền hà nên chỉ xin nghỉ nhờ và có chỗ sinh hoạt…”, anh Thế Anh nói.
Chuyến hành trình xây dựng mái ấm vùng biên lần này mang ý nghĩa rất lớn, tạo nên câu chuyện, hình ảnh đẹp của người đoàn viên thanh niên. Đặc biệt là đã phát huy vai trò của tuổi trẻ vượt qua khó khăn, gian khổ để đến mọi miền xa xôi, khó khăn nhất giúp đỡ người dân.
“Tôi tin hành trình mái ấm vùng biên lần này sẽ để lại cho các bạn đoàn viên, thanh niên một kỷ niệm đẹp với nhiều ý nghĩa. Đồng thời sẽ để lại câu chuyện mang tính chất giáo dục cho thế hệ trẻ”, anh Thế Anh tâm sự.
Bình luận (0)