Bà T. cho biết bà bắt đầu bị tê yếu 2 chân cách đây hơn 9 tháng. Đi khám, bác sĩ tại một bệnh viện ở tỉnh chẩn đoán bà mắc bệnh suy giảm tĩnh mạch. Bà tích cực điều trị theo toa thuốc và tập vật lý trị liệu nhưng khả năng đi đứng, vận động ngày càng giảm.
Ngày 21.11, Thầy thuốc ưu tú - thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà T. được người nhà đẩy xe lăn đưa đến khám trong tình trạng 2 chân rất yếu, không thể đứng vững và không thể bước đi. Sức cơ 2 chân giảm hơn 70%, cơ nhão, tăng phản xạ gân xương, có dấu đa động và dấu hiệu Babinski (dấu hiệu cho thấy có tổn thương hệ thần kinh trung ương).
Kết quả chụp MRI ghi nhận 1 khối u đường kính khoảng 3 cm tại vùng tủy sống ngực D10 - D11 - D12, gây chèn ép và đẩy toàn bộ tủy sống từ bên phải qua hẳn bên trái, lệch ra phía trước.
Nguy cơ liệt hoàn toàn nếu không điều trị kịp thời
Bác sĩ Tấn Sĩ nhận định, nếu tiếp tục kéo dài bà T. có nguy cơ bị liệt hoàn toàn. Khi đó, khối u phát triển lớn, gia tăng chèn ép lên tủy sống và các bó dẫn truyền thần kinh trung ương, khiến sức cơ của người bệnh suy giảm nghiêm trọng. Kéo theo là tình trạng rối loạn cơ vòng, không thể tự chủ đại tiện, tiểu tiện.
Khối u nằm ở vị trí nguy hiểm. Bên ngoài vỏ bao khối u có nhiều rễ thần kinh vùng ngực, nếu mổ không khéo sẽ làm tổn thương các rễ thần kinh. Người bệnh được tư vấn phẫu thuật với sự dẫn đường của robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ưu điểm của phương pháp này là bác sĩ có thể chủ động lên kế hoạch mổ và dự tính trước các tình huống xảy ra, giúp đảm bảo thành công và an toàn cho người bệnh.
Robot có khả năng phối hình giữa MRI, DTI, CT, DSA… giúp bác sĩ thấy rõ toàn diện tủy sống ngực, các bó sợi thần kinh và khối u trên cùng một hình ảnh để lựa chọn đường mổ phù hợp. Ngoài ra, robot cung cấp tính năng mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng, giúp bác sĩ lựa chọn đường tiếp cận khối u an toàn mà không làm tổn thương dây thần kinh và tủy sống, giảm tối đa rủi ro cho người bệnh.
Robot hỗ trợ mổ u tủy cứu người phụ nữ
Cuộc mổ thực tế dựa trên đường mổ đã xác lập từ mổ mô phỏng. Bác sĩ mở màng cứng ống sống, tiếp cận khối u. Sau đó, mở bao u và dùng hệ thống máy cắt hút siêu âm để phá vỡ và làm trống khối u từ bên trong. Qua đó, thể tích của khối u giảm xuống, tạo điều kiện cho việc bóc tách phần vỏ bao khối u thuận lợi, hạn chế tối đa nguy cơ gây tổn thương tủy sống, các bó sợi thần kinh và cấu trúc lành xung quanh.
Sau khi cắt bỏ phần gốc của khối u, ê kíp tiến tới cắt phần cuống u thì bắt đầu chảy máu. Việc này đã được tiên lượng trước, các bác sĩ kịp thời sử dụng kỹ thuật cầm máu. Sau đó, hoàn thành cắt bỏ toàn bộ khối u cho người bệnh.
Ca mổ kéo dài khoảng 90 phút, cả khối u màng tủy 3 cm và phần bám dính của khối u trên màng tủy khoảng 1 cm đều được loại bỏ. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn, người bệnh không bị mất xương đốt sống, không cần phải đặt nẹp vít.
Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe bà T. hồi phục. Các biểu hiện nặng, tê ở 2 chân và sức cơ được cải thiện đáng kể. Bà T. đi đứng dễ dàng hơn, đi cầu thang bộ được. Dự kiến, bà T. có thể xuất viện trong 3 ngày tới. Nếu tích cực tập vật lý trị liệu thêm một thời gian, khả năng hai chân hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết khối u màng tủy được tách bỏ là khối u lành tính và không có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bà T. vẫn cần tái khám sau 3 tháng nhằm đánh giá mức độ hồi phục của tủy sống và các bó dẫn truyền thần kinh.
"Những người có triệu chứng nặng chân, tê chân, đi lại khó khăn, rối loạn cảm giác,… nên được thăm khám kịp thời tại chuyên khoa thần kinh. Người bệnh cần được chụp chiếu, làm những xét nghiệm cần thiết để xác định đúng bệnh, loại bỏ tổn thương thực thể, sau đó điều trị các tổn thương cơ năng. Tránh chẩn đoán sai khiến tổn thương kéo dài gây nguy hiểm cho người bệnh", bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo.
Xem nhanh 12h ngày 21.11: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)