Mỏ vàng mới của các ngân hàng châu Á

22/04/2018 15:29 GMT+7

Người tiêu dùng trực tuyến hiện là “con cưng” của các ngân hàng ở châu Á do chi tiêu gấp 3 lần so với khách hàng truyền thống.

Theo khảo sát mới của Công ty nghiên cứu thị trường McKinsey (Mỹ), mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (internet banking) trung bình mua 1,6 sản phẩm trong vòng 12 tháng qua ở châu Á, trong khi đối với người tiêu dùng truyền thống thích đến tận điểm giao dịch chỉ khoảng 0,5 sản phẩm. McKinsey đã tiến hành thu thập ý kiến từ 17.000 người tại 15 thị trường châu Á, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và VN.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm và dịch vụ rao bán trên mạng ngày càng bùng nổ cùng sự phổ biến của điện thoại thông minh góp phần hướng người tiêu dùng châu Á đến với internet banking. Tỷ lệ thâm nhập thanh toán trực tuyến tăng từ 92% trong năm 2015 lên 97% vào năm 2017 tại các thị trường phát triển trong khu vực, theo McKinsey. Đối với thị trường đang nổi, tỷ lệ này tăng từ 33% lên 52% trong cùng giai đoạn. “Kết quả này cho thấy giá trị của khách hàng mê công nghệ đối với các nhà băng. Hai lợi thế người mua sắm trực tuyến mang lại cho ngân hàng là chi nhiều hơn nhưng lại không mất nhiều chi phí để phục vụ vì họ tự thực hiện giao dịch trên mạng”, bà Nicole Zhou, đại diện của McKinsey ở châu Á, nói với tờ South China Morning Post. Theo bà, các ngân hàng trong khu vực, nhất là nhóm tập trung vào mảng tín dụng tiêu dùng, cần nhanh chóng hành động để tăng lợi nhuận từ thương mại điện tử.
Song song đó, Bloomberg dự đoán mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục bùng nổ, tăng trưởng từ 37,7 tỉ USD (858.000 tỉ đồng) năm 2017 lên đến 64,8 tỉ USD vào năm 2021 tại 6 nền kinh tế lớn trong khu vực tính theo GDP, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và VN. Công ty nghiên cứu thị trường Maybank Kim Eng ước tính thương mại điện tử ở Singapore chiếm 5,4% tổng doanh thu bán lẻ, cao nhất trong nền kinh tế này và tiếp theo là Malaysia. Về hành vi người tiêu dùng, Hãng UPS công bố khảo sát cho thấy sử dụng smartphone để mua sắm ngày càng trở nên phổ biến với 77% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặt hàng bằng điện thoại (cao nhất toàn cầu), so với năm 2015 chỉ có 55%. “Họ không chỉ mua hàng trong nước mà cả quốc tế, từ nhà bán lẻ nhỏ cho đến lớn. Đây là cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ra quốc tế đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thương mại điện tử”, bà Sylvie Van den Kerkhof, Phó giám đốc marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UPS, cho biết.
Bên cạnh đó, khách hàng ở châu Á có xu hướng kỳ vọng dịch vụ giao sản phẩm miễn phí, chính sách đổi trả phải thuận tiện và dễ dàng hơn, theo UPS. Gần 2/3 người tham gia khảo sát trong khu vực này khẳng định giao hàng miễn phí là yếu tố quan trọng để họ quyết định mua sản phẩm trên mạng hay không. “Ngoài đa dạng hình thức thanh toán và đẩy mạnh internet banking, khối thương mại điện tử phải tập trung phát triển tốt dịch vụ hậu mãi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng”, bà Kerkhof lưu ý. Mặt khác, McKinsey khuyến cáo các ngân hàng cần tăng cường hơn nữa những kênh thanh toán trực tuyến hiệu quả, ít trục trặc và đáng tin cậy. Chẳng hạn, mức độ hài lòng của người tiêu dùng ở Hồng Kông đối với internet banking vẫn ở mức thấp (30 - 40%). Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Hãng UPS cho thấy trên toàn châu Á, chỉ có 57% khách hàng hài lòng với dịch vụ mua sắm trực tuyến vào năm 2017, thấp nhất trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.