Mở visa, còn chờ bao lâu?

10/05/2023 06:42 GMT+7

Tỉnh Kiên Giang vừa tiếp tục đề xuất miễn thị thực 6 tháng để hút khách quốc tế tới Phú Quốc sau khi trải qua mùa du lịch 30.4 - 1.5 "bể show". Không chỉ Kiên Giang, cả ngành du lịch cùng đang mòn mỏi chờ mở cánh cửa visa để gỡ nút thắt cuối cùng vực dậy du lịch.

Khách quốc tế vẫn èo uột

Đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 80 của Chính phủ về miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) và lưu trú trong 30 ngày, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái nhận định chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế với thời gian dài đã và đang tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, kinh tế Phú Quốc phát triển xứng với tiềm năng của đảo ngọc. 

Để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế, tỉnh Kiên Giang đề xuất nâng thời hạn miễn thị thực lên 6 tháng với các đối tượng là người nước ngoài trực tiếp vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, hoặc đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam (bằng đường hàng không), lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc.

Mở visa,  còn chờ bao lâu ? - Ảnh 1.

Khách du lịch nước ngoài tại Phố đi bộ Bùi Viện

NHẬT THỊNH

Hiện nay, Phú Quốc là TP biển đảo đầu tiên cũng là điểm du lịch duy nhất ở Việt Nam được áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trong 30 ngày. Đây không phải lần đầu tiên Phú Quốc muốn được áp dụng chính sách miễn visa đặc biệt. Hồi tháng 5.2022 sau khi Việt Nam chính thức "mở toang" du lịch, đề xuất này cũng đã được tỉnh Kiên Giang kiến nghị T.Ư xem xét. Thời điểm đó, Phú Quốc nắm trong tay rất nhiều lợi thế để trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế: vừa có những công trình đẳng cấp thế giới, vừa là 1 trong 5 địa phương đầu tiên của Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. Thế nhưng trái ngược với bối cảnh hiện nay, điểm đến luôn nằm top danh sách "hot" nhất vừa trải qua một mùa lễ 30.4 - 1.5 "bể show".

Du lịch chờ mở nút thắt visa | Chuyển động Kinh tế

Khách nội chi tiêu chỉ bằng nửa khách ngoại

Mặc dù du lịch và dịch vụ của TP.HCM phục hồi khá nhanh, đóng góp rõ nét vào kinh tế của TP nhưng sự phục hồi không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa. Trong khi đó, du khách nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với khách quốc tế. Điều này khiến hệ thống nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn. Các nhà hàng đã thiết lập theo chuẩn quốc tế để phục vụ khách nước ngoài thì không phải điểm nào cũng chuyển đổi được để phục vụ khách nội địa. Hay tình trạng các khách sạn không có khách nên rao bán đang khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)

Trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh này giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, riêng TP.Phú Quốc giảm 11,5% lượng khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch giảm mạnh tới 24,3%. Đáng nói, lượng khách quốc tế đến Kiên Giang đang giảm dần. Đường bay kết nối đến Phú Quốc hiện chỉ còn Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan; đường bay từ Ấn Độ đến Phú Quốc đang tạm dừng do vắng khách; các chuyến bay thuê bao (charter) kết nối Đài Loan đến Phú Quốc cũng đang tạm dừng (chỉ bay được 10 chuyến); đường bay kết nối Hồng Kông đến Phú Quốc dự kiến bay vào ngày 27.4 đã không diễn ra theo kế hoạch.

Tình thế này khiến lãnh đạo TP.Phú Quốc cũng như tỉnh Kiên Giang xác định một đáp án chung có thể giải cả 2 bài toán, đó là chính sách visa.

Không chỉ Kiên Giang, trong đề xuất giải pháp thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới, rất nhiều địa phương cũng đã kiến nghị nới visa để phục hồi du lịch. Đó là Bà Rịa-Vũng Tàu muốn miễn thị thực nhập cảnh đối với thị trường trọng điểm khách lưu trú dài ngày, mức chi tiêu cao như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand nhằm thu hút, tái cơ cấu nguồn khách, tránh nguy cơ phát triển nền công nghiệp du lịch đại trà; TP.HCM kiến nghị Chính phủ nghiên cứu áp dụng chính sách "thị thực đặc biệt trong một giai đoạn nhất định" nhằm thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam ở các thời điểm cần thiết để thúc đẩy du lịch phát triển như kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho các thị trường trọng điểm.

Mở visa,  còn chờ bao lâu ? - Ảnh 3.

Nút thắt visa vẫn… chờ gỡ

Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi yêu cầu tăng số nước được miễn visa, kéo dài thời gian lưu trú mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", ngành du lịch vẫn đang mỏi mòn chờ đợi. Đầu tháng 4, Chính phủ chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất nhiều chính sách mới trong quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Theo đó, cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; thị thực điện tử sẽ được nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. 

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng ký được đánh giá như cú hích cực mạnh cho ngành du lịch nhưng vẫn phải chờ Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 5 sẽ diễn ra trong tháng 5 này. Trong thời gian chờ đợi, nút thắt thị thực mà ngành du lịch miệt mài kiến nghị suốt nhiều năm qua là mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam, thì vẫn chưa thấy "động tĩnh" gì từ phía Bộ Ngoại giao.

Chính phủ "hối" Bộ Ngoại giao trình danh sách các nước miễn thị thực

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 74 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao khẩn trương đề xuất việc mở rộng các nước miễn thị thực nhập cảnh VN để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng du lịch. Trước đó, việc Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5 các nội dung liên quan thời hạn thị thực được đánh giá là linh hoạt và kịp thời, khi chưa có đủ thời gian để sửa đổi luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN theo trình tự.

Cũng liên quan tới lĩnh vực du lịch, Bộ VH-TT-DL được giao phối hợp các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác hiệu quả các thị trường khách du lịch quốc tế có nhiều tiềm năng. Để thu hút du khách, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển bền vững.

Tại Hội nghị du lịch do Thủ tướng chủ trì từ hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Bộ đang đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như các nước Mỹ Latin, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives…; đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, danh sách cụ thể các nước đến nay vẫn chưa được trình.

"Chờ nhất là danh sách các nước được miễn visa nhưng chưa thấy. Đây mới chính là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam", TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), nêu quan điểm. 

Theo ông, đến nay, Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines (157 quốc gia), Nhật Bản (68 quốc gia), Hàn Quốc (66 quốc gia), Thái Lan (64 quốc gia)… Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Trong bối cảnh thị trường của Việt Nam vốn đã hẹp hơn các nước, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, cuộc cạnh tranh điểm đến đang "nóng" hơn bao giờ hết thì giới hạn visa càng đẩy du lịch Việt Nam vào thế khó. Thị trường quốc tế vì thế cứ ì ạch, mãi chưa có đột phá. Đặc biệt, Việt Nam đang chuyển đổi từ hình thức du lịch trải nghiệm sang du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Khách MICE là khách giàu, chi tiêu rất nhiều nhưng họ rất ít chọn các nước yêu cầu visa vì với số lượng lên tới hàng nghìn người, các thủ tục xin visa vừa phiền phức, vừa rủi ro cao.

"Vì thế, không chỉ mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực mà chúng ta còn phải tính tới mở theo nhiều đối tượng tiềm năng như miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang…", TS Lương Hoài Nam đề xuất.

Mở visa,  còn chờ bao lâu ? - Ảnh 5.

Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Chậm nữa, du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu

Tổng kết tháng 4 vừa qua, ngành du lịch rộn ràng trước kết quả đón gần 1 triệu khách quốc tế, đưa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đạt gần 3,7 triệu lượt người. Nếu so với mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, chúng ta đã đạt 46% chỉ trong 4 tháng đầu năm, mở ra tín hiệu lạc quan cho hành trình về đích từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist, lưu ý không nên quá tự tin vào khả năng đạt 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay bởi quý 1 là cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam. Sang đến quý 2 và quý 3 thị trường khách xa từ châu Âu, châu Mỹ sẽ rất ít, từ sau tháng 9 mới có xu hướng trở lại Việt Nam. Cao điểm hè, Việt Nam chỉ có thể trông chờ vào dòng khách Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng hiện nay, khách Trung Quốc vẫn chỉ giới hạn trong khách đoàn, chưa cho khách bay charter và khách du lịch tự túc. Trong khi đó, những đoàn charter mới là phương tiện đưa số lượng khách Trung Quốc lớn nhất đến Nha Trang, Đà Nẵng của Việt Nam. Thị trường Hàn Quốc cũng chưa hồi phục. Khách Hàn đã bắt đầu tăng tốc trở lại Đà Nẵng nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với trước dịch.

Bộ Tài chính yêu cầu Bộ GTVT sớm ý kiến việc bỏ giá trần vé máy bay

Trong Công văn số 168 vừa gửi Cục Hàng không VN, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng VN quy định "hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT". 

Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không VN, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của DN. 

Trước đó, khi xây dựng luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá nhận được kiến nghị của Hiệp hội DN hàng không VN, Vietnam Airlines và Bamboo Airways đề xuất bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không. Đồng thời, kiến nghị quy định việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu.

"Chúng ta thấy kết quả tăng trưởng đột biến là so với 2022, khi Việt Nam còn chưa mở cửa du lịch. Nếu so với cùng kỳ trước dịch hồi 2019 thì khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 50 - 60%, dù du lịch đã mở cửa hơn 1 năm. Nếu không có những chính sách tăng tốc, đột phá để mở đường cho cao điểm khách quốc tế vào quý 4 thì chưa chắc mục tiêu 8 triệu khách đã đạt được", ông Nguyễn Hữu Y Yên nêu.

Ở góc tiếp cận khác, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ lại cho rằng việc đặt mục tiêu 8 triệu khách là ngành du lịch chưa thể hiện quyết tâm muốn vực dậy và đột phá du lịch sau dịch. 4 tháng, Việt Nam đón 3,7 triệu/8 triệu khách nhưng Thái Lan đã đón đến 8,6 triệu trên mục tiêu 25 - 30 triệu khách quốc tế cho cả năm nay. Nếu chúng ta đạt 10 - 12 triệu khách trong năm 2023 thì đến năm 2024 mới có thể trở lại được mức tăng trưởng như 2019 và tiếp tục phát triển, tăng tốc cạnh tranh từ 2025.

"Hết khủng hoảng, thị trường trở về trạng thái chân không. Ai nhanh người đó thắng, ai nhanh người đó giành được thị trường. Chúng ta đặt chỉ tiêu thấp quá, không cần phấn đấu cũng đạt nên đến giờ vẫn chưa có chính sách đột phá nào để bứt tốc du lịch. Việt Nam mở cửa sớm nhưng hành động quá chậm, việc giải quyết nút thắt visa là điển hình của sự

chậm trễ. Rất nhiều cơ hội "vàng" đã bị bỏ lỡ. Nếu tiếp tục thế này, du lịch Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa", ông Nguyễn Quốc Kỳ lo ngại. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.