'Mổ xẻ' bí quyết làm phim bom tấn của Hollywood

08/06/2014 09:30 GMT+7

(TNO) Mùa hè cũng là mùa Hollywood công chiếu hàng loạt phim bom tấn. Hàng ngàn khán giả đổ xô ra rạp để tận hưởng những thước phim ngoạn mục và tự hỏi, đâu là bí quyết làm nên một bom tấn của kinh đô điện ảnh?

(TNO) Mùa hè cũng là mùa Hollywood công chiếu hàng loạt phim bom tấn. Hàng ngàn khán giả đổ xô ra rạp để tận hưởng những thước phim ngoạn mục và tự hỏi, đâu là bí quyết làm nên một bom tấn của kinh đô điện ảnh?

Thần tiên hay quái vật là khái niệm thần thoại quen thuộc ở nhiều quốc gia. Trong ảnh, nữ diễn viên Angelina Jolie hóa thân thành bà tiên hắc ám Maleficent trong bộ phim cùng tên - Ảnh: Reuters
Thần tiên hay quái vật là khái niệm thần thoại quen thuộc ở nhiều quốc gia. Trong ảnh, nữ diễn viên Angelina Jolie hóa thân thành bà tiên hắc ám Maleficent trong bộ phim cùng tên - Ảnh: Reuters

Linh hồn của phim bom tấn

Trong lịch sử, Hollywood tin rằng diễn viên ngôi sao chính là lực hút khán giả mạnh mẽ. Nhưng theo Deadline, rất nhiều phim bom tấn giờ không chú trọng chọn minh tinh nữa. Thay vào đó, những nhà làm phim hàng đầu Hollywood tin “linh hồn” của phim bom tấn hiện nay chính là kịch bản.

John Truby, một chuyên gia tư vấn cho Disney Studios, Sony Pictures, Fox và HBO, cho rằng có một số “từ khóa” trong kịch bản phim Hollywood những năm gần đây.

Thứ nhất là “thần thoại”, thể loại được khai thác nhiều nhất khi các nhà làm phim muốn cho ra đời một bom tấn. Bởi những câu chuyện thần thoại hầu như rất quen thuộc ở mọi nền văn hóa.

Những phim theo thể loại này như Chúa tể những chiếc nhẫn, Harry Potter, Nữ hoàng băng giá, gần đây nhất là Tiên hắc ám, nhờ đó có thể vượt qua biên giới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Joker (do Heath Ledger thủ vai) trong siêu phẩm The Dark Knight được xem là kẻ ác quyến rũ nhất lịch sử điện ảnh - Ảnh: AFP
Joker (do Heath Ledger thủ vai) trong siêu phẩm The Dark Knight được xem là kẻ ác quyến rũ nhất lịch sử điện ảnh - Ảnh: AFP

Từ khóa thứ hai là “siêu anh hùng”, vì những pha hành động nghẹt thở của các “đấng cứu thế” như Superman, Batman, Spider man... chưa bao giờ thôi thu hút khán giả. Và trái ngược với anh hùng là “kẻ ác”, từ khóa thứ ba theo ông Truby.

Sẽ không ngoa khi nói nếu không có kẻ ác thì thế giới cũng chẳng cần anh hùng! Vì vậy, một kịch bản gay cấn, kịch tính là khi nó tạo được một hoặc vài đối thủ đáng gờm so tài cùng các siêu anh hùng.

Người làm sống dậy kịch bản

Một kịch bản chắc tay sẽ mãi mãi nằm trên trang giấy nếu không có “bàn tay ma thuật” của người ngồi ghế đạo diễn.

Đạo diễn James Cameron cho rằng khả năng quan trọng nhất của người ngồi “ghế nóng” là cảm hứng sáng tạo. Và bí quyết khơi dậy cảm hứng của ông là đắm mình trong các môn nghệ thuật khác như nhiếp ảnh hay âm nhạc.

Đạo diễn James Cameron, người tạo nên “cơn sốt 3D” từ Avatar, bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại - Ảnh: Reuters
Đạo diễn James Cameron, người tạo nên “cơn sốt 3D” từ Avatar, bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại - Ảnh: Reuters

“Cha đẻ” của Titanic cũng tin kỹ thuật làm phim mới mẻ, như kỹ thuật 3D mà ông đưa vào Avatar, thật sự là mấu chốt gây tiếng vang cho một bộ phim.

Khi đạo diễn Peter Jackson tiên phong làm phim 48 hình/giây (thay vì 24 hình/giây truyền thống) với siêu phẩm The Hobbit, ông bị nhiều nhà phê bình chê bai không thương tiếc. Tuy nhiên, Cameron lại bênh vực Jackson.

Tại buổi ra mắt The Hobbit phần 1 ở Wellington (New Zealand), đạo diễn Cameron nói: “Tôi cũng phải đối mặt với những hoài nghi tương tự khi dùng 3D cho Avatar. Cá nhân tôi tin 48 hình/giây là một điều tuyệt vời”. Cameron còn tuyên bố nếu 48 hình/giây của Jackson thành công, ông sẽ đem nó vào Avatar những phần tiếp theo.

Bản thân Peter Jackson cũng có một “tuyệt chiêu” tưởng đơn giản nhưng đã giúp ông được tôn vinh là “vua dựng phim”, đó là thấu hiểu máy quay và những hạn chế của nó. “Khi làm Chúa tể những chiếc nhẫn, chúng tôi phải xây những mô hình thu nhỏ, như núi non và hẻm vực. Vì chúng được thu nhỏ nên khó quay. Bạn phải hiểu rõ đặc tính máy quay, xa và gần, những cảnh lướt nhanh hay bay nhảy… để có được những hình ảnh y như thật”, Jackson cho biết trong một bài phỏng vấn.

Kỹ xảo và kinh phí

Những cảnh cháy nổ, quân đoàn hùng hậu, núi non hùng vĩ hay thành phố đổ nát thường thấy trong phim Hollywood thực tế đều được các nhà làm kỹ xảo dựng lên.

Nhân vật Gollum (Chúa tể những chiếc nhẫn) sẽ không thể sống động đến từng ánh mắt nếu thiếu kỹ xảo điện ảnh - Ảnh: Reuters
Nhân vật Gollum (Chúa tể những chiếc nhẫn) sẽ không thể sống động đến từng ánh mắt nếu thiếu kỹ xảo điện ảnh - Ảnh: Reuters

Tất nhiên, kỹ xảo hoành tráng luôn đi kèm với kinh phí khổng lồ. Trong Công viên Kỷ Zura, đạo diễn Steven Spielberg cho biết: “Phải mất 80.000 USD để một con khủng long đi bộ một mình trên màn hình trong 8 giây (thời gian trung bình cho một cảnh phim). Và nếu có bốn con khủng long xuất hiện thì phải mất 150.000 USD”.

Dù vậy, những nhà đầu tư vẫn sẵn sàng “rót” tiền cho các nhà làm phim, bởi lợi nhuận thu về thường cao ngất ngưỡng. Theo Reuters, bộ phim Tiên hắc ám “ngốn” khoảng 180-200 triệu USD kinh phí, nhưng chỉ trong ba ngày đầu ra mắt đã gần như hòa vốn khi thu về 170 triệu USD doanh thu phòng vé.

Ngoài những yếu tố trên, việc tạo ra một trailer không thể hấp dẫn hơn cùng kỹ năng quảng bá, tiếp thị cho bộ phim cũng góp phần không nhỏ kéo khán giả ùn ùn đến rạp và thu về lợi nhuận khổng lồ.

Thùy Dung

>> Chuyên gia gốc Việt “lật tẩy” bí mật phim bom tấn 3D Hollywood
>> Phim "bom tấn" của Thành Long đến Việt Nam
>> Phim “bom tấn” Mỹ dành cho thiếu nhi dịp hè
>> Chiến hạm xứng đáng phim “bom tấn”
>> Hãng Disney đặt cược vào phim bom tấn
>> Sao Việt cùng fan đi xem phim “bom tấn”
>> Trung Quốc sẽ nhập thêm phim bom tấn của Mỹ
>> Warner Bros. mang phim “bom tấn” trở lại VN
>> Năm bộ phim bom tấn Hàn Quốc được mong đợi nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.