'Mổ xẻ' nguyên nhân tân sinh viên không học dù trúng tuyển

Kim Lan
Kim Lan
08/11/2022 05:05 GMT+7

Thông tin hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển trên Thanh Niên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, với rất nhiều tranh luận cũng như phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp cho thực trạng này.

Cụ thể, bài báo cho biết năm học 2022 - 2023 đã qua gần một học kỳ nhưng ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy không ít sinh viên (SV) không tham gia đăng ký học phần. Hàng ngàn SV khác dự kiến rơi vào tình trạng bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học. Đáng chú ý là nhiều trường hợp SV của khóa 2021 mới trải qua 1 - 2 học kỳ đầu tiên sau khi trúng tuyển ĐH.

Không trúng tuyển nguyện vọng yêu thích được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc tự ý bỏ học của nhiều sinh viên

Đào Ngọc Thạch

Lý giải một phần nguyên nhân tình trạng nhiều SV năm nhất tự ý bỏ học, không đăng ký học phần, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đa số SV trúng tuyển vào trường nhưng không thích nên đã tạm dừng việc học. Nguyên nhân chính của việc bỏ học dẫn đến kết quả học tập yếu kém hầu hết xuất phát từ việc chưa trúng tuyển đúng ngành học yêu thích...

Nhiều áp lực bủa vây sinh viên

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng thực trạng SV trúng tuyển nhưng không đến trường học cần được phân tích thấu đáo, tìm giải pháp để tránh lãng phí nguồn lao động trẻ. BĐ Võ Xuân Bằng nhận xét: “Lên ĐH, cách học và thi khác hẳn so với bậc học phổ thông nên nhiều SV không chuẩn bị kịp tâm thế, hụt kiến thức cơ bản, vừa thấy sóng cả đã ngã tay chèo”. Trong khi đó, BĐ minhtien1193 thêm góc nhìn: “Gánh nặng học phí, chi phí sinh hoạt cũng cao. Đây có thể cũng là nguyên nhân”.

Đa số BĐ cho rằng áp lực của các SV năm nhất không hề nhỏ, nhất là khi yêu cầu tự học đối với cấp học ĐH hoàn toàn khác biệt, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các tân SV. Nhưng liệu sự “chán chường” trong học tập chỉ đơn thuần đến từ “tâm lý tân SV”?

BĐ Chính Lương nêu ý kiến: “Tôi thấy nhiều môn học lặp lại, gây ra sự chán chường cho SV. Trong tình huống SV coi ngành học mình trúng tuyển hiện tại không phải là sở thích mà chỉ là “chữa cháy” hoặc “lấp chỗ trống” thì sự chán chường càng dễ lộ ra”.

BĐ Thiên đưa ra một nhận xét: “Các trường cũng cần đặt ngược lại câu hỏi, liệu có phải do chương trình học không sát thực tế, có nhiều môn học không thực sự cần thiết?”.

“Có thể một số trường hợp do gia đình khó khăn, không đủ tiền đóng học phí và các chi phí khác nên SV phải nghỉ, tìm nghề khác sinh sống. Không phải con đường vào ĐH là duy nhất để mưu sinh”, BĐ Huỳnh Đức Á nêu góc nhìn.

Cân đối lại cung - cầu

BĐ Manh Ngo đề cập đến một thực tế: “Tôi thấy các trường ĐH nhiều quá, lại dễ vào, xét học bạ cũng đủ đậu. Chúng ta nên tập trung vào các trường nghề chất lượng cao, đào tạo nhân lực trong 2 năm để cung cấp lực lượng tay nghề cao cho xã hội, có ích hơn”. Tán thành, BĐ Hoàng QC nêu: “Đào tạo ĐH hiện nay tôi có cảm giác học tràn lan các môn, nhưng rất thiếu kỹ năng thực chiến. Trừ những SV chịu khó đọc thêm tài liệu, tự nghiên cứu chuyên sâu thì may ra, còn nếu học vừa đủ điểm để tốt nghiệp thì… khó lắm”.

BĐ Nguyen Manh Cuong lại có một góc nhìn khá riêng biệt khi cho rằng tình trạng “vội ngã tay chèo” của hàng ngàn SV lại là “tín hiệu chính xác của thị trường”. “Cân đối theo nhu cầu thị trường là điều đáng để các trường ĐH phải nghiên cứu, theo đuổi. Bởi chương trình học so với nhu cầu thực tế; học phí cao; nhiều môn đào tạo chỉ để đào tạo; chất lượng đầu vào… là những yếu tố dẫn đến một thực tế trước sau gì cũng sẽ xảy ra”, BĐ này ý kiến.

* Tâm lý lứa tuổi, sự tiếp cận ở môi trường mới, ý thức và nhận thức chưa làm chủ bản thân tác động bởi khách quan, ngành nghề chưa phù hợp trong chương trình học tập môn học đại cương các năm đầu ảnh hưởng nhiều đến tân SV.

lethihoa1965tv

* Có nguyên nhân cũng cần nghĩ đến: Phải chăng tuyển đầu vào quá dễ dãi?

Px Ngoc

* Lý do có thể là học phí. Sau dịch Covid-19 không chỉ các doanh nghiệp mà người dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực tài chính. Các trường ĐH nên có biện pháp giãn đóng học phí từ 1 - 6 tháng để phụ huynh còn kịp tính toán.

Son Nguyen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.