Và cũng chỉ sâu sát thực tế, Bộ trưởng sẽ hiểu, một cây xăng đóng cửa sẽ kéo theo một loạt cây xăng bị ảnh hưởng. 100 cây xăng đóng cửa thì sẽ có vài trăm cây xăng khác phải gồng gánh số lượng xăng dầu bị thiếu hụt này. Từ đó dẫn đến quá tải, phải hoạt động cầm chừng. Rồi cái sự quá tải đó lại dồn lên các cây xăng còn lại và cứ thế lan rộng. Cộng thêm tâm lý thị trường, thấy có hiện tượng khan hiếm lại muốn tích trữ phòng thân, nên mới có chuyện dân cầm can, cầm chai nhựa đi mua xăng...
Thưa Bộ trưởng, đến trưa qua (11.10), chỉ riêng Bình Dương có tới 173 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nghỉ bán. Trước đó 1 ngày, TP.HCM dù huy động trong đêm thêm 80 xe bồn cung ứng xăng dầu nhưng số lượng cây xăng hết hàng vẫn tăng vùn vụt. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, con số này từ 54 lên 58 và đến tối 10.10 có tới 121 cửa hàng hết xăng. Một loạt tỉnh thành phía nam cũng trong tình trạng như vậy.
Nguyên nhân chính của việc khan hiếm xăng dầu lan rộng là do tính hệ thống của mặt hàng xăng dầu, một mặt hàng thiết yếu hàng đầu trong đời sống người dân cũng như hoạt động của nền kinh tế. Vì là thiết yếu nên không thể không sử dụng. Mua không được chỗ này thì buộc phải qua chỗ khác. Chỗ khác không được phải qua chỗ khác nữa, đến khi nào mua được thì thôi, để còn chở con đi học, chở bản thân mình đi làm, để vận hành hoạt động sản xuất, để tàu cá ra khơi... Nên chỉ cần 1 cây xăng đóng cửa là cả khu vực xung quanh đó nhốn nháo lên ngay.
Hệ thống phân phối nói chung được ví như huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống bán lẻ xăng dầu còn là an ninh năng lượng của một quốc gia. Thế nên khi một mắt xích (một cửa hàng) có vấn đề về nguồn cung, phải giải quyết nhanh nhất có thể để hệ thống vận hành thông suốt trở lại. Trong khi chúng ta luôn nhận định rằng thị trường chỉ thiếu hụt “cục bộ” mà không tính đến tính liên kết, hiệu ứng lan tỏa của nó. Kết cục là cái “cục bộ” diễn ra khắp nơi, gây rối loạn thị trường một cách rất đáng tiếc.
Quan trọng hơn, Bộ trưởng cần làm rõ, sự việc thiếu xăng dầu trên thị trường thời gian qua là vì sao. Do chiết khấu quá thấp, càng bán càng lỗ nên cửa hàng đóng cửa? Do thiếu nguồn cung? Do đầu mối giảm lượng nhập khẩu? Do găm hàng chờ giá lên hay vì lý do gì khác?... Thật ra đến lúc này, vẫn không ai hiểu vì sao thị trường xăng dầu lại nhốn nháo như vậy. Bộ trưởng thì vẫn khẳng định là nguồn cung không thiếu, nhưng thực tế khan hàng nhiều nơi là có thật. Cây xăng không có hàng để bán, nhưng chiều qua khi giá xăng, đặc biệt là giá dầu, tăng mạnh trở lại, thì nhiều cây xăng mở cửa bán trở lại. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Nếu không chẩn đúng bệnh thì không thể bốc thuốc chính xác để trị dứt điểm căn bệnh này.
Thưa Bộ trưởng, nếu Bộ trưởng chứng kiến cảnh có người phải chạy hơn 8 km mới mua được xăng; dòng người xếp hàng từ mờ sáng hay quá nửa đêm đợi đến lượt mình đổ đầy bình, sáng qua tại TP.HCM vẫn có cây xăng ghi rõ chỉ bán 30.000 đồng... chắc chắn Bộ trưởng sẽ không cho rằng, hơn 100 cây xăng ngưng bán là “không phổ biến”.
Tăng lên tới 137 cửa hàng hết xăng dầu, TP.HCM chỉ đạo khẩn |
Bình luận (0)