Những trận đòn tàn ác bằng roi mây, bằng gậy gỗ, bằng cây lau nhà, bằng những cú đạp đoạt mạng.
Nhiều lần cháu gào khóc, hàng xóm đều nghe thấy. Kết quả phục hồi camera trong ngôi nhà “địa ngục” của cháu V.A tố cáo thêm sự thật khủng khiếp của tội ác này. Trước khi chết, cháu đã chịu đựng một trận đánh đập dã man của mẹ kế kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ. Trên cơ thể cháu, những vết lằn roi rách da rách thịt, những vết tím bầm khắp cơ thể, những vết sẹo may vài mũi trên đầu…
Ai cũng muốn bật khóc, cũng muốn hét lên vì uất giận trước một thứ tội ác dã man không thể tưởng tượng gieo lên đầu một bé gái 8 tuổi.
Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành sẽ thành án điểm, xét xử nghiêm minh |
Sau cơn tức giận đầy trắc ẩn ấy, tôi đã tự hỏi mình rằng bản thân có thể làm được gì nhiều hơn để bảo vệ trẻ em không ngoài bày tỏ sự tức giận vô biên mỗi khi nghe chuyện một đứa trẻ bị bạo hành? Tôi có thể làm gì hơn ngoài việc buông lời tức giận lên không gian mạng để nguyền rủa những kẻ độc ác với con trẻ?
Tôi giật mình, hóa ra mình đã quen với việc bỏ qua những điều có thể làm để giúp trẻ em được an toàn hơn. Tôi vẫn chưa thấy mình cần hành động gì khi nghe cháu bé hàng xóm khóc thét mỗi ngày vì bị đánh đập, vì trong đầu tôi vẫn hiện hữu mệnh đề “con nhà người ta thì người ta có quyền dạy”.
Tôi chưa chắc đã báo công an, vì nghĩ rằng có báo công an thì có khi câu trả lời cũng chỉ là “người ta có quyền dạy con”. Tôi cũng không chắc mình sẽ gõ cửa nhà cháu bé đang khóc thét để chí ít cũng có thể phán đoán được điều gì đang xảy ra với cháu. Tôi chắc nhiều người cũng sẽ nghĩ giống tôi, sẽ có phản ứng giống tôi.
Nói cho cùng, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể gặp rủi ro bị người lớn bạo hành, kể cả “người lớn” ấy chính là người thân của các cháu. Chúng ta dường như chỉ mới có ý thức bảo vệ trẻ em ở cấp độ vị kỷ cá nhân, tức là chỉ lo bảo vệ đứa trẻ của mình. Con mình cháu mình thì mình bảo vệ, bé nào quen mình thì mình bảo vệ. Chúng ta chưa có ý thức bảo vệ trẻ em đạt đến cấp độ trách nhiệm xã hội. Mọi đứa trẻ đều phải được bảo vệ, và mọi người đều có trách nhiệm và có quyền bảo vệ trẻ em.
Và cứ thế, mỗi người lớn chúng ta trở thành người có lỗi với trẻ em mà mình không biết. Có lỗi vì đã dễ dàng bỏ qua tiếng khóc thét của một đứa trẻ hàng xóm bị đánh đập chỉ vì nghĩ “người ta dạy con”. Có lỗi vì đã không nghĩ đến chuyện báo công an khi thấy có hiện tượng khả nghi bạo hành trẻ em. Có lỗi vì không thấy việc báo cáo một vết tím bầm trên cơ thể trẻ em là điều cần thiết. Có lỗi vì vẫn tự dung dưỡng trong đầu mình thứ triết lý “đánh để dạy” trẻ em.
Có lỗi vì đã không biết hành động cần thiết để tạo ra một thế giới thật sự an toàn cho trẻ em.
Bình luận (0)