Đó là tính toán của các ĐBQH trong buổi thảo luận về vấn đề quản lý đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 hôm qua (10.11).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhận khuyết điểm trước QH - Ảnh: Ngọc Thắng |
Báo cáo của Chính phủ cho hay tính đến tháng 12.2014, tổng diện tích đất do tất cả các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên quản lý còn hơn 7,9 triệu ha. Trong đó 7,4 triệu ha sử dụng để tự tổ chức sản xuất; 42.510 ha sử dụng để liên doanh, liên kết; 508 ha sử dụng để góp vốn sản xuất, kinh doanh; 14.629 ha đang cho thuê, cho mượn chưa thu hồi; 404.616 ha sử dụng vào mục đích khác hoặc chưa sử dụng; 50.485 ha đang bị tranh chấp, lấn chiếm.
|
Càng giám sát càng đau đầu
Báo cáo giám sát của QH do Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước trình bày cho thấy, hiện tại có hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích chưa làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của luật Đất đai. “Khi giám sát chúng tôi càng làm càng đau đầu vì các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp rất phức tạp. Chúng ta không thiếu luật và văn bản dưới luật, chỉ cần thực hiện đúng thì sẽ không để xảy ra tình trạng như ngày hôm nay. Công tác thanh tra, kiểm tra là yếu nhất, khi phát hiện thì lại xử lý không nghiêm minh”, ông Ksor Phước nói.
Dẫn số liệu báo cáo, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), cho biết có hơn 428.000 ha đất chưa sử dụng, để hoang hóa; các công ty nông, lâm trường còn nợ hơn 51% tiền sử dụng đất, nợ hơn 20% tiền thuế phải nộp. Quản lý 8 triệu ha đất trong đó hơn 2 triệu ha đất sản xuất, kinh doanh nhưng 10 năm chỉ nộp ngân sách được có 1.722 tỉ đồng. Tất cả nói lên rằng, các nông lâm trường quốc doanh dù sắp xếp lại, cổ phần hóa nhưng thực chất vẫn là “bình mới, rượu cũ” không thay đổi được cơ chế quản trị, hiệu quả kinh doanh.
Mổ xẻ thêm số thu 1.722 tỉ đồng, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) so sánh: “Như vậy ước tính 1 ha đất sản xuất, kê khai nghĩa vụ tài chính mỗi năm chỉ nộp ngân sách được 80.000 - 90.000 đồng, tương đương giá trị của vài gói kẹo. Hiệu quả sản xuất kinh doanh là không thể chấp nhận được”.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng tính toán, số thu trên chỉ tương đương với 5 kg gạo/năm/ha trong khi người dân thì thiếu đất ở, đất sản xuất rất khổ sở dẫn tới tranh chấp, mâu thuẫn gay gắt.
Làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành
Buông lỏng quản lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm, thanh tra kiểm toán theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) suốt thời gian qua gần như tê liệt. “Tôi đề nghị phải mổ xẻ làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Đối với ngành TN-MT cần làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, cấp không đo đạc, cấp chồng lấn; hồ sơ cấp theo kiểu buông tay? Có cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm hay không?”, ĐB Khá lên tiếng.
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng việc quản lý nông, lâm trường trong thời gian qua chưa hiệu quả là do kéo dài quá lâu mô hình quốc doanh theo kiểu cũ. ĐB Nam ủng hộ Nghị định 118 của Chính phủ đưa ra 6 mô hình để chuyển đổi mô hình tổ chức, sản xuất nông trường. Nhưng đề nghị đối với đất nông trường không nên duy trì mô hình công ty 100% vốn nhà nước, nên cổ phần hóa tổ chức thành các công ty cổ phần, khuyến khích các nông trường viên tham gia làm cổ đông của công ty, thu hút các nhà đầu tư trong khu vực tư nhân tham gia. Những nông trường không có đủ điều kiện cổ phần hóa nên mạnh dạn cho tư nhân thuê để đầu tư, phát triển thành những trang trại vi mô sản xuất với điều kiện chấp nhận thu hút các nông trường viên làm tại các doanh nghiệp.
Đề nghị giải thể 28 nông, lâm trường
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận khuyết điểm về việc Bộ chủ quản đã “tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả”. Bộ trưởng cho biết bản thân đã thấy điều đó rất rõ, cũng cố gắng để làm nhưng không đạt được như mong đợi. Theo ông Phát, trên cơ sở thẩm định 205 nông, lâm trường quốc doanh, các địa phương cùng các bộ thống nhất sẽ để lại 4 đơn vị là công ty 100% vốn sản xuất, 57 đơn vị sẽ là công ty 100% vốn nhà nước sản xuất và làm dịch vụ, cổ phần hóa 84 công ty và thành lập 26 công ty trách nhiệm hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 4 và giải thể 28 nông, lâm trường. Trong tổng số hơn 1,97 triệu ha của 205 nông, lâm trường sẽ bàn giao về cho địa phương 325.776 ha.
|
Bình luận (0)