Trong dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2024) năm nay, bà Cù Thị Minh, Phó giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, người có 30 năm công tác tại đây, đã chia sẻ với Thanh Niên về những ấn tượng của mình khi được tham gia gìn giữ những kỷ vật của Bác Hồ.
Cái rễ đa và bài học về lòng kiên trì
Bà Cù Thị Minh cho biết, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc 15 năm cuối cùng. Sau khi Bác qua đời, Ban Bí thư T.Ư Đảng quyết định gìn giữ nguyên trạng toàn bộ khu di tích này. "Khu di tích được giữ nguyên trạng, mở cửa gần như toàn bộ để khách tham quan hiểu hơn về Bác cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Người", bà Minh nói.
Theo bà Minh, mỗi di tích, mỗi cảnh vật, cảnh quan nơi đây đều thấm đẫm những giá trị phi vật thể, mỗi kỷ vật đều là một bài học, gắn liền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nhân sinh quan sâu sắc, đặc biệt là gắn với những lời dạy của Người.
Kể về cây đa mang tên Kiên trì ngay lối vào khu nhà sàn Bác Hồ, bà Minh cho biết, khoảng tháng 9.1965, những người làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa. Vì lo hai rễ phụ này lớn dần và dài xuống làm vướng lối đi lại, nên anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp.
Bác đã hướng dẫn mọi người đưa rễ vào trồng trong ống bương và chôn xuống đất. Sau 3 năm chăm sóc, những rễ này bén đất.
"Sau khi công việc hoàn thành thì các đồng chí đến gặp Bác xin người đặt tên cho cây nhưng Bác chỉ nói đây là "rễ nhưng việc làm không dễ", một cách chơi chữ mà Bác hàm ý làm gì cũng phải làm kiên trì thì mới thành công", bà Minh chia sẻ.
Từ đó, cây đa này được đặt tên là Kiên trì. Bà Minh cho biết, trên con đường từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn của Bác, hình ảnh các rễ đa nối cành xuống đất như một cổng chào luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác đã dạy.
Tiết kiệm công sức của nhân dân
Bà Minh chia sẻ, trong những năm tháng làm việc ở khu di tích, bà ấn tượng với những câu chuyện về việc tiết kiệm của Bác Hồ. Bác đã đi đầu thực hành tiết kiệm và bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho mọi thời đại.
"Bác Hồ nói, nếu chúng ta làm ra mà không tiết kiệm thì không khác gì gió vào nhà trống. Bác tiết kiệm ăn, mặc, ở, đi lại và tiết kiệm vật chất, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm sức lực của nhân dân. Năm 1955, Bác đã viết bài Bảo vệ tài sản công cộng có nội dung là ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa...", bà Minh chia sẻ.
Kể về ngôi nhà sàn, bà Minh cũng nhắc lại những câu chuyện tiết kiệm của Bác Hồ. Tháng 10.1954, Bác từ chiến khu trở về thủ đô. Với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Người trên cương vị là người đứng đầu đất nước và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi đón tiếp khách trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị cùng T.Ư Đảng đã trân trọng mời Bác về ở và làm việc trong tòa nhà vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương nhưng Bác từ chối.
Cuối tháng 12.1954, Bác quyết định về ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền phía góc vườn. Trong 4 năm Bác sống ở đó, nhiều lần T.Ư Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc tốt hơn, nhưng Bác đều từ chối vì miền Bắc vừa được giải phóng còn nhiều khó khăn, trong khi miền Nam đang đấu tranh chống Mỹ.
"Đến năm 1958, Bộ Chính trị xin phép làm một ngôi nhà mới để Bác ở và làm việc rộng rãi, thoáng mát hơn. Nhưng Bác đề nghị làm ngôi nhà sàn nhỏ giống nhà của đồng bào dân tộc thiểu số, để Bác bày tỏ tình cảm đối với đồng bào trong kháng chiến gian khổ. Ngôi nhà sàn đó đã gắn liền với cuộc sống đời thường của Bác và trở thành biểu tượng cho đạo đức Hồ Chí Minh", bà Minh kể.
Chia sẻ về những kỷ vật của Bác được lưu giữ tại khu di tích, bà Minh cho biết: "Bác nói rằng nếu mỗi ngày, mỗi người tiết kiệm được mẩu giấy hay là cái ngòi bút thì góp lại là rất lớn, đó cũng chính là tiết kiệm công sức của nhân dân. Thế nên, những bài viết soạn thảo, Bác tiết kiệm từ phong bì hay là tờ lịch cũ. Bản di chúc của Bác cũng được soạn thảo trên tờ tin của UBND xã".
Bà Minh cũng chia sẻ bài học về việc tiết kiệm thời gian. "Bác dạy ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại. Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân. Tất cả những câu chuyện của Bác đều có ý nghĩa giáo dục và là những bài học vô cùng sâu sắc", bà Minh nói.
Bình luận (0)