Mới lạ và độc đáo với những biến tấu các bài hát xưa của thế hệ GenZ

05/03/2022 16:00 GMT+7

Humm là nhóm nhạc ở TP.HCM gồm các bạn trẻ thuộc thế hệ GenZ. Vừa qua, bản phối lại ca khúc nổi tiếng “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhóm đã giành chiến thắng hạng mục sáng tạo chương trình “Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương” do Yume Art Project tổ chức.

Phép thử trong âm nhạc

Humm hội tụ những người trẻ yêu nhạc và làm nhạc cùng nhau. Hầu hết các thành viên không học ra từ trường, lớp dạy nhạc nào mà đều tự học, mày mò sáng tác. Đến nay, nhóm đã ra mắt hơn một năm và “bỏ túi” vài bài hát như “Nắng”, “Gió hát lao xao”.

Bài hát Dạ cổ hoài lang phiên bản thể nghiệm do Humm trình bày
NVCC

Châu Nhi (22 tuổi, trưởng nhóm, hát chính) kể lại ngày trước tình yêu âm nhạc đến với cô rất tự nhiên. Nhi nghe nhiều nhạc cổ điển, nhạc xưa rồi dần thích cảm giác có dàn nhạc chơi cùng để hỗ trợ, đem lại cho sáng tác nhiều cảm xúc hơn. Cơ duyên sau đó đem Nhi đến gặp những người bạn yêu nhạc khác như Khánh Du, Trí An, Trung Hải và Nhật Minh rồi lập thành một nhóm.

Mới lạ và độc đáo với những biến tấu các bài hát xưa của thế hệ GenZ - Ảnh 1.

Humm mong muốn có thể làm mới âm nhạc truyền thống theo cách trẻ

NVCC

Âm nhạc của Humm là sự phối hợp giữa các loại nhạc cụ phương Đông và phương Tây. Humm chơi nhạc cùng nhau với sự ngẫu hứng. Đó là âm nhạc “mong muốn đem người nghe đi xa khỏi thành thị, đến những nơi có thiên nhiên bình yên” như lời Trí An (21 tuổi, chơi cello) nói.

Không phải thành viên nào cũng được gia đình ủng hộ theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng tình yêu chung cho âm nhạc đã dẫn Humm bước trên cùng một hành trình. Sự ủng hộ của khán giả hay cái nắm tay, chia sẻ từ cô, chú lớn tuổi trong những lần biểu diễn ở sân khấu nhỏ là niềm vui rất lớn với những người trẻ chập chững theo đuổi đam mê.

Để cải lương được sống thêm nhiều cuộc đời mới

Kể về quá trình bén duyên với tác phẩm “Dạ Cổ Hoài Lang”, nhóm cho biết luôn dành một tình cảm lớn với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thông qua âm thanh của strings, tiếng pizz từ nhạc khí bộ dây, nốt piano đơn lẻ hay tiếng sáo tây, bài hát đã được nhóm Humm biến tấu để mang lại màu sắc mới lạ nhưng không làm mất đi giá trị vốn có.

Mới lạ và độc đáo với những biến tấu các bài hát xưa của thế hệ GenZ - Ảnh 2.

Nhóm Humm làm mới lại tác phẩm Dạ cổ hoài lang theo phong cách thể nghiệm

Lý giải về việc dùng nhạc cụ phương Tây để trình diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam, Khánh Du (19 tuổi, chơi violin) cho biết: “Quan trọng vẫn là linh hồn và bản sắc dân tộc bắt buộc không được biến mất. Tuy nhiên, Humm luôn tin rằng bằng một cách kỳ diệu thì những nhạc cụ phương Tây vẫn có thể làm tốt được nhiệm vụ truyền tải thông điệp và bản sắc văn hóa của một quốc gia”.

Bằng thể loại thể nghiệm, người trẻ Việt đã biến tấu những bài hát xưa trở nên mới lạ và độc đáo. Châu Nhi chia sẻ: “Chúng ta không nên bảo thủ giữ lại những cái có sẵn một cách y nguyên mà hãy trao cho người trẻ quyền được làm mới tác phẩm theo cách riêng. Điều đó nhằm mang lại cơ hội để âm nhạc dân tộc được sống thêm nhiều cuộc đời hơn”.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đánh giá cao những đóng góp của thế hệ trẻ cho sự phát triển của cải lương. “Tôi dành sự trân trọng những thành quả mà thế hệ trẻ đã cố gắng giữ gìn bằng những cách thức sáng tạo, mới lạ. Điều này giúp bộ môn nghệ thuật cải lương được duy trì sự sống chứ không phải là mang trưng bày thì mới gọi là bảo tồn”, nữ nhà văn bày tỏ.

Nói về các tác phẩm cải lương được cải biên theo phong cách thể nghiệm, bà nhận định các bạn trẻ có quyền làm mới những tác phẩm cải lương kinh điển. Trong kho tàng nghệ thuật nước nhà, không thiếu các tác phẩm hay để các bạn trẻ có thể gạn lọc nhằm tìm thấy những viên ngọc quý trong đó. Điều quan trọng nhất là khi làm lại thì các bạn cần tìm ra được hạt nhân xúc cảm.

“Khi sáng tạo, người trẻ đừng biến mình thành bản sao của người khác. Bản sao thường khó đạt được cái hay của bản gốc. Các nghệ sĩ gạo cội đã để lại cho chúng ta những vai mẫu, việc cần làm là hãy đẩy mạnh sự sáng tạo vốn có. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ có tâm và có tài, tiên phong giúp cho bộ môn nghệ thuật này không những khởi sắc mà còn đưa ra những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống hiện tại. Điều mà các loại hình nghệ thuật khác vì nhiều yếu tố mà khó làm được trọn vẹn”, bà Ngọc chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.