Mối lo đầu ra các tuyển thủ quốc gia

17/04/2021 08:17 GMT+7

Ngoài quan tâm phong độ, một trong những mối bận tâm nhất của HLV Park Hang-seo là tương lai điểm đến của các tuyển thủ Việt Nam mùa tới, khi rất nhiều ngôi sao hết hoặc sắp hết hợp đồng sau V-League 2021.

HLV Park Hang-seo đề cao sự ổn định

Dấu ấn lớn nhất của HLV Park Hang-seo trong năm 2021 là đề cao sự ổn định. Đó không phải là cảm xúc cá nhân, mà từ thực tế đặc thù bóng đá châu Á trong đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động bị đảo lộn. Đội tuyển quốc gia là hình ảnh của cả nền bóng đá, vì thế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Khi từ AFC Champions League đến vòng loại World Cup 2022 đều phải thực hiện thi đấu tập trung, đồng nghĩa phong độ các tuyển thủ quốc gia ở giải quốc nội sẽ cực kỳ quan trọng. Nhất là những nhân tố mới sẽ rất khó chen chân vào, không chỉ Việt Nam mà hầu như mọi đối thủ của chúng ta ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đều như thế vì quá ít cơ hội cọ xát chứng tỏ. Thực ra, Việt Nam đã nhận lợi thế rất lớn nhờ công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 toàn dân, giúp V-League 2020 diễn ra trọn vẹn. HLV Park Hang-seo nhờ vậy chủ động hơn rất nhiều, hướng tới 3 trận quyết định sắp tới ở UAE gặp Indonesia (7.6), Malaysia (11.6) và UAE (15.6) với mục tiêu số 1 của bóng đá Việt Nam là lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup.
Danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam - thông qua kế hoạch chích ngừa Covid-19, vì thế thể hiện rõ nét điều này. Do vậy, sự ổn định của bộ khung chính và những tuyển thủ thường xuyên góp mặt trong những đợt chinh chiến của tuyển Việt Nam 2 năm qua sẽ là ưu tiên hàng đầu. Vấn đề ở chỗ, Việt Nam hay bất kỳ nền bóng đá nào luôn phải đối mặt, là những ngôi sao hàng đầu sẽ bị phân tâm trước các kỳ chuyển nhượng. Việt Nam chúng ta chưa có thị trường chuyển nhượng, nhưng danh sách các ngôi sao sắp hết hợp đồng rất dài. Có thể kể tên đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải cùng Trọng Hoàng ở Viettel. Ngoài ra là Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức, Văn Hoàng ở SLNA hay trung vệ có thể lên tuyển Lê Văn Đại sẽ hết hợp đồng Thanh Hóa mùa mày. Ngoài ra, Đình Trọng còn 1 năm hợp đồng với CLB Hà Nội (HN) cũng là một cái tên đang được săn đón. Đây gần như là một nửa bộ khung của đội tuyển Việt Nam. Làm sao để họ an tâm đá bóng và giữ được sự tập trung trước khi chốt hợp đồng mới sẽ là mối bận tâm rất lớn của HLV Park Hang-seo.
Mối lo đầu ra các tuyển thủ quốc gia1

Quế Ngọc Hải tuyển thủ quốc gia sắp hết hợp đồng

ẢNH: KHẢ HÒA

Mối lo đầu ra các tuyển thủ quốc gia2

Nguyễn Trọng Hoàng tuyển thủ quốc gia sắp hết hợp đồng

ẢNH: ĐÔNG NGHI

Việt Nam sẽ có trường hợp xuất ngoại ?

Lò SLNA suốt bao năm qua vẫn là trung tâm xuất khẩu cầu thủ hàng đầu Việt Nam. Từ Lê Công Vinh sang Nhật Bản đến sau này hầu như mọi đội bóng có tham vọng cần tuyển tinh binh đều cần chuyên môn và tính chiến đấu của những tuyển thủ quốc gia Việt Nam. Điều này đã từng đúng với CLB Hà Nội T&T, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Sài Gòn Xuân Thành... Một trong những lý do quan trọng là việc những ngôi sao sáng của Việt Nam thường tập trung lò HAGL và Hà Nội, trong khi đây là 2 CLB sẽ ưu tiên tối đa giữ quân bằng mọi giá. Do vậy, không phải vô cớ rất nhiều ngôi sao hết hợp đồng lại tập trung nhiều ở lò SLNA, nơi rất nhiều tuyển thủ Việt Nam giỏi nhưng CLB chủ quản không đủ tiềm lực và cơ chế để giữ chân họ. Trói chân trung vệ tuyển thủ Hoàng Văn Khánh và Văn Hoàng (1 năm) đầu mùa là chiến thắng quan trọng của SLNA. Lúc này đã rất nhiều đội bóng có tham vọng và tiềm lực như Thanh Hóa, TP.HCM, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Bình Định... bắn tin cho Văn Đức, Xuân Mạnh hay Văn Hoàng với những khoản lót tay nhiều tỉ đồng/năm và lương khủng SLNA không dễ theo được. Một nét văn hóa từ nhiều năm nay, cầu thủ SLNA luôn chờ lời chốt từ đội bóng quê hương. Chỉ khi nào SLNA cảm thấy không đáp ứng được thì họ mới ra đi. SLNA từng giữ chân được Văn Khánh, nhưng cũng từng mất Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Trọng Hoàng, Khắc Ngọc... theo cách tôn trọng nhau như thế.
Nhìn lại, việc đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng, 2 trụ cột hàng đầu của tuyển Việt Nam, hết hợp đồng vào cuối mùa sẽ tạo ra sức hút lớn. Nhiệt càng tăng trong cảnh tính cạnh tranh của V-League ngày càng cao, nơi những cái tên mới nổi như Bình Định, Hà Tĩnh... sẵn sàng chi mạnh trong khi sự lựa chọn quá ít. HLV Lê Huỳnh Đức từng chia sẻ: "Đừng nói với tôi về cuộc cách mạng lối chơi nếu không có đủ con người. Đà Nẵng mùa này ngay cả khi có rất nhiều tiền cũng không dễ làm ra cuộc cách mạng vì con người giỏi trên thị trường chuyển nhượng ở Việt Nam lúc này rất ít. Có khi, có tiền mà không mua được người là bình thường".
Chính sự chênh lệch cung - cầu sẽ đeo bám các ngôi sao từ nay đến cuối mùa. Rất may là nét văn hóa tích cực của tuyển Việt Nam vài năm gần đây đã giúp tạo ra một nếp là các tuyển thủ sẽ tập trung thi đấu đến cuối mùa, trước khi chốt tương lai của mình. Quế Ngọc Hải từng chốt với Viettel sau khi cống hiến hết mình cho SLNA và thành công của đội tuyển tại AFF Cup 2018. Còn mùa bóng này, cuộc "săn đầu người" sẽ nóng sau khi kết thúc lượt đi. Mà tại sao chỉ là Việt Nam? Trong khi dấu ấn Đặng Văn Lâm đã tạo ra sự thừa nhận mạnh ở Thai League - giải đấu số 1 Đông Nam Á. Việc xuất ngoại có ích cho tầm nhìn và tư duy của các tuyển thủ là điều không phải bàn cãi, nhất là sau khi giải nghệ, họ tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Thai League từng theo sát Văn Toàn, Quang Hải, Đức Huy, Văn Thanh... Hãy chờ xem liệu có bất ngờ cuối mùa giải này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.