Tiền tỉ vẫn nằm trong kho
Theo phản ánh của một số chủ cơ sở chế biến hải sản tẩm ướp ở Hà Tĩnh, tháng 9.2020, UBND tỉnh này ban hành Kế hoạch số 218 để hỗ trợ thiệt hại hải sản là cá ướp, mắm hải sản các loại (trừ nước mắm) được thu mua, chế biến trước ngày 30.8.2016, đang tồn trong kho của các cơ sở tại các xã, phường, thị trấn ven biển, cửa sông (đã được hỗ trợ thiệt hại về lao động). Tiêu chí được hỗ trợ là phải có bằng chứng chứng minh nguồn gốc, được thu mua, tạm trữ trên địa bàn trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển.
Ngay sau khi Kế hoạch 218 được ban hành, ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn để vào cuộc thực hiện việc rà soát, thống kê đối tượng, kê khai và thẩm định tính xác thực. UBND huyện phải hoàn thành việc kê khai, đánh giá, xác nhận, áp giá, thẩm định, phê duyệt giá trị thiệt hại trước ngày 30.8.2020. Tuy nhiên, do hoạt động thu mua hải sản của các chủ cơ sở quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm, không có hóa đơn chứng từ, sổ sách ghi chép hoặc ghi chép không rõ ràng khiến việc xác định đối tượng và kiểm kê số lượng gặp khó khăn. Do đó, việc xác minh đối tượng nào đủ điều kiện hỗ trợ thiệt hại chưa biết đến khi nào sẽ thực hiện được.
Lộc Hà là huyện có số cơ sở chế biến kê khai thiệt hại lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, chủ của các cơ sở vẫn chưa được hỗ trợ thiệt hại khiến họ gặp muôn vàn khó khăn. Thậm chí, một số hộ phải bán đất đai, tài sản để trả nợ vì số lượng hải sản trị giá tiền tỉ không tiêu thụ được, bị thối rữa trong kho.
Ông Trần Văn Hoan (61 tuổi, ngụ tại tổ dân phố Trung Nghĩa, TT.Lộc Hà, H.Lộc Hà) cho biết vợ chồng ông mở cơ sở chế biến nước mắm, ruốc nhiều năm nay. Khi xảy ra sự cố môi trường biển, ông có gần 200 tấn mắm ruốc nguyên liệu trị giá khoảng 9 tỉ đồng không thể tiêu thụ. Số hải sản này để trong kho nhiều năm qua nên đã hư hỏng khoảng 30%. Ông Hoan phải bán đất đai để trả nợ ngân hàng và bạn hàng. Nhưng số gia sản ấy vẫn không đủ trả nợ vay để phục vụ cho việc kinh doanh.
“Sau khi xảy ra sự cố, khách hàng sợ mắm ruốc không đạt chất lượng nên không thu mua nữa. Mãi đến năm 2018, chính quyền mới đề nghị người dân kê khai để hỗ trợ thiệt hại. Hầu như các cơ sở đều không có hóa đơn, chứng từ nên tỉnh đã ban hành kế hoạch gỡ rối, nhưng vẫn chưa gỡ được. Tôi nghĩ tỉnh nên hủy Kế hoạch 218 và Chính phủ cần có phương án gì đó linh hoạt hơn để tiền hỗ trợ sớm về tay người dân”, ông Hoan nói.
Gia đình bà Đặng Thị Ánh Tuyết (50 tuổi, ở tổ dân phố Xuân Hải, TT.Lộc Hà) có 500 tấn hải sản nguyên liệu trị giá khoảng 10 tỉ đồng “nằm chết” trong kho hơn 5 năm qua. “Ngoài mong chờ được hỗ trợ, chúng tôi cũng yêu cầu huyện tiêu hủy số hàng tồn đọng để khỏi ô nhiễm, nhưng huyện vẫn chưa tiêu hủy”, bà Tuyết phàn nàn.
|
Chính quyền kêu khó (?!)
Ông Văn Thành Đô, Chủ tịch UBND TT.Lộc Hà, cho biết đến nay có hơn 100 hộ gửi hồ sơ thiệt hại nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa thống kê được. “Sau khi bà con kê khai, huyện có thành lập đoàn kiểm tra xác minh cụ thể từng đối tượng. Tuy nhiên đến thời điểm này, huyện vẫn chưa công bố kết quả những ai đủ điều kiện để được hỗ trợ”, ông Đô nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trung ương đã cho chủ trương nhưng về mặt thẩm quyền phê duyệt là do cấp huyện, nên hiện nay các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh lại các hồ sơ do người dân kê khai. Nếu không đáp ứng được điều kiện quy định thì không thể hỗ trợ được.
|
Theo một vị lãnh đạo UBND H.Lộc Hà, huyện đã giao công an điều tra, xác minh nhưng con số cụ thể chưa thể cung cấp được. “Để xác định đúng đối tượng, chúng tôi phải xác minh rất nhiều nơi do hải sản mua bán có cả ngoại tỉnh nên cần phải làm rất chặt chẽ. Còn vấn đề hải sản bị hư hỏng chưa tiêu hủy là do cần xác định số hàng này có phải bị ảnh hưởng do sự cố môi trường hay không”, vị này nói.
Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, nói rằng tỉnh muốn triển khai nhanh, tuy nhiên quá trình thực hiện lại chậm trễ do việc xác minh rà soát rất vất vả và mất thời gian vì người dân không có hóa đơn, chứng từ. Hiện số lượng hải sản do sự cố môi trường do 208 hộ ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX.Kỳ Anh và TP.Hà Tĩnh kê khai gửi lên là gần 10.000 tấn.
“Đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa hoàn tất việc xác minh để hoàn thiện hồ sơ trình lên tỉnh. Tỉnh cũng có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc với quan điểm rất quyết liệt. Tới đây, chúng tôi yêu cầu các huyện nếu đối tượng nào đủ điều kiện thì trình tỉnh để hỗ trợ thiệt hại, còn đối tượng nào không đủ điều kiện, các địa phương phải thông báo cho gia đình biết”, ông Nhân thông tin.
Bình luận (0)