'Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời...'

06/03/2023 12:10 GMT+7

"Thúy đang làm sách cho nhạc sĩ Hồng Đăng chồng mình. Nếu còn sống, năm nay ông 87 tuổi. 31 năm nay bạn bè vẫn quen gọi thế: "Thúy" và "ông Đăng", "chị Thúy" và "chú Đăng". 31 năm nay chưa bao giờ thấy Thúy ra phố một mình. Thúy lúc nào cũng đi cùng ông Đăng. Rồi cũng có lúc Thúy đi một mình. Ngồi một mình. Trước kho di cảo của người chồng yêu quý đã mất".

Thúy (kỹ sư Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng) ngồi bần thần giữa đống giấy tờ ngổn ngang trên căn gác nhỏ, nơi ông hiện diện mười mấy gương mặt trên tường, trẻ trung, hóm hỉnh, già nua, suy tư, hạnh phúc, ốm đau, âu yếm...

Thúy đang làm sách cho ông. Lẽ ra phải làm sách sớm hơn, để ông được cầm trên tay trước khi ra đi, nhưng Thúy bận chăm chồng ốm, mà bản thảo của ông thì nhiều và tản mát. Giờ Thúy muốn đúng dịp sinh nhật chồng và ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh thì có sách, cho ông vui. "Giải thưởng thì ông ấy không cần nữa rồi, nhưng ra sách thì là cái cớ cho bạn bè tụ tập, để tiếp tục cười nói với nhau, với ông ấy. Ông ấy chỉ cần bạn", chị nói.

'Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời...' - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và bà Lê Anh Thuý

NVCC

* Chị vẫn chưa quen được với việc không phải chăm sóc ai, chở ai ra phố, nấu ăn cho ai, nhắc ai uống thuốc đúng không?

- Ừ, chưa quen được. Đi xe máy vẫn cẩn thận như có em bé đằng sau, nấu ăn vẫn ninh thật nhừ dù chỉ là canh rau suông, bậc cửa ra cầu thang vẫn có thanh chắn đề phòng xe lăn mất phanh lao xuống. Chả có xe nào mất phanh, chỉ có mình vấp ngón chân đau điếng. Bao nhiêu năm thế, tưởng như không phải các thói quen mình mới tập từ khi lấy ông ấy, mà có khi đấy mới chính là con người mình. Giờ lại phải tập sống một mình trở lại, khó đấy!

* Sao chị không bắt đầu bằng việc đi chơi, gặp gỡ bạn cũ, hay về quê ông, nghe lại nhạc ông trong các buổi biểu diễn mới, mà lại bắt đầu bằng việc làm sách? Sách là việc có thể làm từ từ, bản thân việc làm sách cũng cần thời gian mà?

'Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời...' - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách về nhạc sĩ Hồng Đăng sắp ra mắt

- Bạn bè vẫn đến, hằng tuần, như ngày xưa, khi ông còn sống. Tôi cũng có ra khỏi nhà, đến thăm các bạn, để cảm ơn mọi người đã ở bên ông suốt bao thời gian ốm đau, tuổi già không ra khỏi nhà được. Nhưng sách là việc cần làm gấp. Vì nhiều lý do: không làm ngay bản thảo sẽ hỏng hết. Hiện cũng đã hỏng rất nhiều, rất khó đọc, giấy mủn, mực mờ. Tôi phải gõ lại từng chữ, sau khi chụp để lưu.

Lý do nữa là trong các bài viết của ông có nhắc đến nhiều người cùng thế hệ, có người đã già, lẫn, nhiều người đã mất. Nói đến người khác thì ở dạng nhật ký mình đọc sao cũng được, nhưng in thành sách thì phải có nhân chứng, ít nhất có 1 - 2 người chứng kiến. Nên tôi phải làm gấp khi bạn bè ông còn sống, hoặc ít nhất cũng có vợ, con, cháu... chứng kiến. Ông sống thì nhẹ nhàng, vui vẻ, chuyện nặng hóa nhẹ, chuyện nhẹ thành không, nên đông bạn, rất đông. Nhưng viết lại quyết liệt, rành mạch, không xuê xoa, đãi bôi. Rất có thể sẽ đụng chạm (và thực tế đã có những vụ va chạm cực kỳ gay gắt, quyết liệt như Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam). Nên càng cần sự xác thực của các nhân chứng cùng thế hệ.

* Xin phép được hỏi rất thật và có thể hơi bị tế nhị nhé: Chị làm sách cho nhạc sĩ Hồng Đăng, có phải còn để tìm thấy mình trong đó? Và liệu trong quá trình tìm kiếm đó, có khi nào chị cảm thấy buồn hay hụt hẫng vì... hóa ra không phải thế: nhạc sĩ Hồng Đăng không phải tuyệt đối như chị nghĩ và "Thúy" trong di cảo của Hồng Đăng cũng không có một vị trí tuyệt đối như người ta (và bản thân chị) vẫn tin tưởng?

- Không! Không hề! Khi tôi làm vợ Hồng Đăng, ông ấy gần như đã sống trọn vẹn cuộc đời lãng du của một nghệ sĩ rồi.

'Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời...' - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Làm gì có ai chỉ để chạy trốn một sự truy đuổi của tình yêu mà mình không thể đáp lại, đã bỏ nhà bỏ cửa bỏ cả công việc sự nghiệp xách va li vào Nam hẳn 4 năm, chỉ khi chắc chắn không "bị yêu" nữa mới quay lại và... cười. Cũng làm gì có ai mỗi khi chia tay lại thõng tay đi người không, sau khi chạy qua nhà bạn ném vào đó một bọc thư từ, bản thảo, hẹn khi nào có nhà có vợ sẽ quay lại thu hồi. Tôi biết tất cả và chấp nhận tất cả. Chỉ vì một câu nói của ông ấy: "Ai cũng có quá khứ của mình. Nhưng từ nay trở đi, chỉ có mình em thôi. Em là duy nhất, là tất cả". Nên dù các trang bản thảo không có tôi, không bài hát nào có tôi, tôi vẫn có nguyên vẹn một Hồng Đăng nhạc sĩ, nhà văn hóa mà tôi kính nể; một ông chồng vừa hài hước vừa nhân hậu, vừa nhõng nhẽo vừa bao dung mà tôi yêu từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng.

* Không là nàng thơ của Hoa sữa, của Lênh đênh, của Thành phố tuổi thơ, của Vũng Tàu biển hát, cũng không thể giúp ông đưa tổng phổ của các bản giao hưởng thời hoa niên lên sân khấu, "Thúy" làm người đồng hành trong cuộc đời và âm nhạc của "Hồng Đăng" như thế nào?

- Chúng tôi đi cùng nhau đến những nơi ông ấy đã viết. Và ông ấy kể cho tôi nghe. Kỷ niệm thành phố tuổi thơ là ký ức của một cậu trai Yên Thành, Nghệ An, dù gia đình dòng dõi thư hương, cha theo bác (nhà cách mạng Phan Đăng Lưu) đi làm cộng sản, nhưng lại đầy bi thương sau cải cách ruộng đất, bỡ ngỡ ra Hà Nội đúng tuổi chớm yêu. Như Biển hát chiều nay là một lần chúng tôi đi dọc biển Việt Nam, ông ấy kể về thời ông ấy viết bài hát ấy. Đó là thời đất nước đói kém và buồn thảm, bị bao vây và cấm vận. Người đi di tản nhiều. Bờ biển là bãi tập kết của những cuộc trốn tránh. Cả một dải bờ biển xơ xác tiêu điều. Nhưng ông ấy vẫn viết: "Ơi biển Việt Nam, ôi sóng Việt Nam, qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng, biển xanh vẫn hát những lời yêu thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương...".

'Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời...' - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Những giai điệu và lời ca trong veo, yêu đời yêu người tha thiết thế, nghe thì nhẹ như gió như mây thế, không ai có thể tưởng tượng nổi được viết trong những hoàn cảnh bi thương như thế. Đó là cách ông ấy sống và sáng tác

Đó cũng là cách mà tôi hiểu về ông ấy, và yêu ông ấy. Yêu và làm người vợ cuối cùng của một lãng tử mỗi lần chia tay lại xách va li đi gửi mỗi nhà bạn bè một bọc sách vở áo quần. Rồi đến khi lấy tôi, bạn bè quẳng vào nhà từng bọc, hoặc tự tôi tìm đi xin lại, nát bét cả. Giờ tôi ngồi "xử lý" cái ký ức đấy, thành sách, cho bạn bè cùng nhớ ông ấy, thế thôi mà!...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.