Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15.4 - 15.5) và Ngày an toàn thực phẩm thế giới (7.6), hôm nay 16.4, tại TP.HCM, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Dự án bảo vệ người tiêu dùng ASEAN do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực thi, đồng tổ chức hội thảo "Nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam".
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 420.000 người tử vong do ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Tổ chức quốc tế người tiêu dùng cho rằng, chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
|
Tại Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được cải thiện hơn, tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, kể cả ngộ độc tập thể vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.
Những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, đó là: tình trạng sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng (trong trồng trọt); chất tăng trọng, tạo nạc... (trong chăn nuôi); việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm không được phép dùng trong thực phẩm...
Các chuyên gia cho rằng, không phải người tiêu dùng nào cũng có kiến thức nhận biết được thực phẩm không an toàn. Do vậy, việc tư vấn, nâng cao kiến thức phổ thông cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm - nhằm giúp họ có khả năng lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ăn gỏi, tái dễ bị nhiễm vi sinh
Báo cáo tham luận tại hội nghị của PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), cho biết: ngộ độc thực phẩm cấp tính thường do dùng thức ăn nhiễm vi sinh vật hay các hóa chất với lượng lớn; còn ngộ độc mạn tính khi dùng thực phẩm chứa các chất hóa học trong thời gian dài.
Những vi sinh vật thường gây ngộ độc thực phẩm, gồm: vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc.
PGS-TS Phan Thị Sửu, những đường vi sinh vật gây bệnh nhiễm vào thực phẩm, đó là: môi trường bị ô nhiễm (đất, nước, không khí...); gia súc, gia cầm bị bệnh trước khi giết mổ; quá trình giết mổ, vận chuyển bảo quản thịt...; thức ăn nấu không kỹ, dùng món ăn còn sống (gỏi, tái); không đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến; bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021. Với chủ đề chính của năm 2021 là “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Ban tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm (phổ biến kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức về an toàn thực phẩm...); Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm...
|
Bình luận (0)