Mặc dù lưu thông tại kênh đào Suez đã được khôi phục sau khi tàu chở container MV Ever Given được kéo đi khỏi vị trí bị mắc cạn, nhưng nhiều tàu trước đó đã chọn cách thay đổi hành trình vòng xuống phía cực Nam của châu Phi.
Việc này không chỉ làm kéo dài thời gian di chuyển thêm nhiều ngày mà còn làm gia tăng khả năng những con tàu chở hàng hóa trị giá hàng tỉ USD bị các nhóm cướp biển nhắm đến.
“Việc đó tiềm ẩn nguy cơ và đó có thể là lý do khiến các nhà vận tải đường biển nên cân nhắc trước khi đi vòng qua khu vực Sừng châu Phi”, giáo sư Genevieve Giuliano tại Trường chính sách công Sol Price thuộc Đại học Nam California nói với The Washington Post.
|
Trong khi đó, nhiều công ty vận tải hàng hải đã liên lạc với hải quân Mỹ về nguy cơ bị cướp biển tấn công khi đi vòng qua châu Phi để không phải di chuyển qua kênh đào Suez.
Quản lý họ Triệu thuộc Hiệp hội Chủ tàu Trung Quốc cho biết có nhiều nguy cơ gặp cướp biển khi di chuyển qua châu Phi, đặc biệt là tại Đông Phi và các chủ tàu có thể phải thuê thêm nhân viên an ninh.
Chủ tịch Hội đồng Các nhà vận tải đường biển Hồng Kông Lâm Tuyên Vũ (Willy Lin) cho biết có thể sẽ cần đến nhiều tàu chiến để hộ tống các tàu hàng đi qua khu vực.
Một người phát ngôn Hạm đội 5 của Mỹ xác nhận đã nhận được nhiều câu hỏi của các công ty vận tải đường biển toàn cầu về tình hình an ninh biển tại khu vực, sau sự cố tại kênh đào Suez. Việc ách tắc tại kênh đào Suez chưa gây tác động đến các hoạt động của hải quân Mỹ tại khu vực nhưng các công ty hàng hải đã bày tỏ lo ngại về những nguy cơ cho tàu hàng của họ, theo Financial Times. Cuối tuần trước, hải quân Mỹ thông báo đã đề nghị hỗ trợ giới chức Ai Cập trong việc giải cứu tàu Ever Given.
|
Theo dữ liệu của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), vùng biển quanh châu Phi là nơi nổi tiếng về hoạt động cướp biển và số vụ tấn công tăng lên trong năm 2020. Đặc biệt, khu vực vịnh Guinea ở ngoài khơi Tây Phi đã trở thành điểm nóng của nạn cướp biển, vượt qua khu vực vịnh Aden ngoài khơi Somalia ở phía đông châu Phi. Theo IMB, trong số 135 thủy thủ bị bắt cóc trên toàn cầu trong năm 2020, có 130 trường hợp là tại vịnh Guinea, con số kỷ lục tại vùng này.
Giám đốc IMB Michael Howlett nói rằng số vụ bắt cóc tăng lên cho thấy năng lực của cướp biển tại vịnh Guinea cũng đã cải thiện nhiều, với ngày càng nhiều vụ cướp biển diễn ra ở xa bờ. Trong khi đó, giới chuyên gia của IMB cho biết cướp biển đã chuyển chiến thuật từ vài năm gần đây, từ tấn công tàu chở dầu để lấy dầu sang việc bắt cóc thủy thủ để đòi tiền chuộc, có thể thu được nhiều tiền hơn.
Bình luận (0)