Con tàu khổng lồ 220.000 tấn MV Ever Given gặp sự cố và bị mắc kẹt tại kênh đào Suez từ hôm 23.3 nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được giải cứu sớm. Con tàu dài 400 m nằm chắn ngang tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, là nơi 15% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu đi qua. Nhà chức trách Ai Cập đang nỗ lực để đưa con tàu ra khỏi vị trí bị mắc kẹt nhưng quá trình khơi thông được cho là có thể mất vài tuần.
Cắt đứt chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh đó, chiến lược gia của ngân hàng JP Morgan Marko Kolanovic cảnh báo nguy cơ con tàu bị thủng có thể khiến kênh đào Suez bị tắc nghẽn trong thời gian dài và gây ra một chuỗi tác động. “Điều này có thể gây gián đoạn lớn đối với thương mại toàn cầu, khiến phí vận chuyển đường biển tăng phi mã, gia tăng thêm mức tiêu thụ năng lượng và gia tăng lạm phát toàn cầu”, ông Kolanovic dự báo trên đài CNBC.
Các nhà phân tích của JP Morgan nhận định rằng vụ mắc kẹt tàu hiện nay có thể gia tăng thiệt hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch Covid-19. Các con tàu sẽ phải di chuyển bằng những tuyền đường biển khác xa hơn, mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Việc di chuyển bằng tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi có thể khiến hành trình kéo dài thêm 2 tuần và tiêu tốn thêm chi phí nhiên liệu.
|
Kinh tế gia cấp cao Joanna Konings của ngân hàng ING cho biết tuyến giao thương Á - Âu sẽ chịu tác động trực tiếp của việc trì trệ này. Kênh đào Suez dài 193 km, là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối châu Âu với châu Á và có khoảng 20.000 tàu hàng di chuyển qua mỗi năm. Theo hãng phân tích dữ liệu Kpler, trong số 39,2 triệu thùng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển mỗi ngày thì có 1,74 triệu thùng được vận chuyển qua kênh đào Suez.
Việc vận chuyển hàng hải bị chậm trễ sẽ tác động đến giá cả của mọi sản phẩm từ quần áo, giày dép, cho đến giá xăng dầu, linh kiện máy móc… Theo Reuters, giá dầu tăng hơn 3% trong ngày 26.3 trong khi hơn 30 tàu chở dầu đang xếp hàng hai bên cửa ngõ kênh đào Suez. Tác động của vụ việc đối với giá dầu được cho là chưa lớn vì nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ở thời điểm thấp. Tuy nhiên, theo một số ước tính, việc kênh đào Suez bị ách tắc gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 400 triệu USD mỗi giờ.
|
Nguy cơ an ninh
Ông Torbjorn Soltvedt, chuyên gia phân tích khu vực Trung Đông và Bắc Phi thuộc hãng tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft nhận định việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn làm gia tăng nguy cơ an ninh đối với các cơ sở dầu mỏ tại khu vực. “Vụ việc tạo ra thời cơ cho các nhân tố nhà nước và phi nhà nước tìm cách tối đa hóa tác động của các vụ tấn công nhắm vào các tàu dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng tại vùng Vịnh và biển Đỏ”, ông Soltvedt cảnh báo.
Theo Bank of America, hầu hết chuyên gia nhận định con tàu bị mắc kẹt sẽ được di dời trong tuần nhưng nếu phát sinh vấn đề như lủng thân tàu, việc ách tắc sẽ kéo dài thêm. Sau khi kênh đào Suez được khơi thông, tàu thuyền sẽ đến cảng chậm trễ, gây thêm tắc nghẽn.
Ông Peter Sutherland, Chủ tịch hãng đầu tư năng lượng Henrietta Resources nhận định toàn bộ những hệ lụy nói trên cho thấy mạng lưới giao thương mà thế giới dựa vào dễ gặp nguy cơ đến mức nào. “Cùng với những cuộc tấn công gần đây nhắm vào các cơ sở năng lượng tại Ả Rập Xê Út, vụ mắc cạn tàu tại kênh đào Suez là lời nhắc nhở về nhiều nguy cơ đối với chuỗi cung ứng dầu mỏ và khí đốt toàn cầu”, ông Sutherland nói.
Bình luận (0)