Mối nguy khi Covid-19 ‘mở đường’ vi khuẩn tấn công hệ hô hấp

21/04/2023 08:00 GMT+7

SARS-CoV-2 có thể đẩy nhanh quá trình xâm nhập và bám dính của vi khuẩn vào mô của cơ thể, gia tăng tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm gây tổn thương phổi nặng nề hơn.

Ngày 16.4 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Phan Thị Hồng (63 tuổi, quận Gò Vấp) trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, mạch đập nhanh, đường huyết tăng vọt. Bà Hoa mắc bệnh đái tháo đường đã 10 năm nay. Được biết, vào ngày 13.4, bà có biểu hiện sốt 38 độ, hắt hơi liên tục, sổ mũi, nghi bị cúm nên bà uống thuốc hạ sốt và tự điều trị ở nhà. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, bội nhiễm phế cầu khuẩn trên nền bệnh lý đái tháo đường dẫn đến nhiễm trùng và tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng, cần phải thở máy. Tình trạng viêm phổi cũng khiến cho đường huyết của bệnh nhân tăng cao, khó kiểm soát. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bà Hồng đã đỡ, cai máy thở, đường huyết ổn định hơn, nhưng sức khỏe còn khá yếu. Bệnh nhân cần phải tiếp tục điều trị và theo dõi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nhiều người mắc Covid-19 và tử vong không chỉ do vi rút SARS-CoV-2 mà còn do bội nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn khác như cúm, phế cầu khuẩn. Những tác nhân này tồn tại sẵn trong hầu họng và không khí sẽ chực chờ tấn công khi cơ thể suy yếu, đặc biệt là những người lớn tuổi, người có bệnh nền. Covid-19 có thể sẽ tồn tại lâu dài như các bệnh cúm mùa, đồng nghĩa tái nhiễm Covid-19 và đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm khác sẽ luôn hiện hữu, cần phải phòng ngừa từ sớm.

Mối nguy khi Covid-19 ‘mở đường’ vi khuẩn tấn công hệ hô hấp- Ảnh 1.

Khám hô hấp chuyên sâu bằng nội soi phế quản ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Tình trạng bệnh nhân bị nhiễm vi rút đường hô hấp cấp sau đó bị đồng nhiễm hoặc bội nhiễm thêm một tác nhân khác (vi rút, vi khuẩn…) là khá phổ biến khiến cho việc chẩn đoán, điều trị gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cũng tăng lên.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Dược phẩm Pfizer kết hợp với các trường Đại học và Viện Nghiên cứu tại Hàn Quốc tiến hành trong đại dịch Covid-19 cho thấy, có khoảng 45% người bị Covid-19 bị đồng nhiễm hoặc bội nhiễm với các tác nhân gây bệnh khác. Trong đó, bội nhiễm do vi khuẩn chiếm một nửa số ca tử vong. Bệnh nhân Covid-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn có nguy cơ tử vong gấp gần 6 lần so với bệnh nhân chỉ bị Covid-19. 24% bệnh nhân Covid-19 bị bội nhiễm mắc bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn.

Báo cáo của CDC Hoa Kỳ công bố tháng 12.2022 cho thấy trong mùa cúm 2021-2022 6% bệnh nhi cúm nhập viện bị đồng nhiễm SARS-CoV-2. Tỷ lệ bệnh nhân bị đồng nhiễm cần hỗ trợ hô hấp xâm lấn hoặc không xâm lấn cao hơn so với những bệnh nhân chỉ bị cúm. Trong số các ca tử vong ở trẻ em liên quan đến cúm, 16% bị đồng nhiễm SARS-CoV-2. Còn theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet ngày 26/3/2023, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời vi rút SARS-CoV-2 và vi rút cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại vi rút khác.

Hiện nay, tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang có dấu hiện gia tăng số ca mắc và cả số ca nhập viện. Trong khi đó, dịch cúm từ đầu năm cũng cho thấy sự khó lường khi xuất hiện nhiều ổ dịch lẻ tẻ ở nhiều nơi. Điều này đòi hỏi ngành y tế và mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, việc tiêm chủng sớm vắc xin phòng các bệnh hô hấp như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin ho gà ở giai đoạn trong và sau Covid-19 góp phần quan trọng bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, cũng như hạn chế mức độ lây lan, tỷ lệ mắc các biến chứng nặng của Covid-19, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, các vắc xin khác như 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vắc xin Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.

"Nhiều nghiên cứu cho thấy, vắc xin cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90% mà còn có khả năng giảm tỷ lệ tử vong khi đồng mắc Covid-19. Vắc xin phế cầu Prevenar 13 có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các vi rút hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả vi rút SARS-CoV-2 đồng thời giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19 ở người trên 65 tuổi. Đặc biệt, vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu - ho gà - uốn ván) được chứng minh có khả năng tạo "miễn dịch chéo" với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19", BS Chính khẳng định.

Nhiều người lớn tuổi đến VNVC khám và tư vấn để được các loại vắc xin bảo vệ hệ hô hấp

Nhiều người lớn tuổi đến VNVC khám và tư vấn để được các loại vắc xin bảo vệ hệ hô hấp

Ảnh: Nguyễn An

Vắc xin là tấm lá chắn hiệu quả, nhưng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người cần "khởi động lại" các biện pháp phòng dịch để hạn chế tối đa sự lưu hành của vi rút, vi khuẩn trong cộng đồng. Thực hành đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn ở nơi công cộng cũng như giữ vệ sinh, không gian thông thoáng ở nhà. Những người có các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi… nên hạn chế tiếp xúc với người khác và cần theo dõi sức khỏe sát sao. Duy trì một lối sống cân bằng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thể thao đều đặn cũng là cách giúp mỗi người bảo vệ sức khỏe, hạn chế bị vi rút, vi khuẩn tấn công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.