Mối nguy khủng bố bằng drone

07/08/2018 08:00 GMT+7

Những vụ tấn công bằng thiết bị bay điều khiển từ xa cho thấy thời đại của chủ nghĩa khủng bố mới đang bắt đầu, trong khi thế giới vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó.

Âm mưu ám sát nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 4.8 đã được thực hiện bằng thiết bị bay không người lái (drone) mang theo chất nổ. Hơn một tuần trước đó, lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen tuyên bố đã sử dụng drone tấn công phi trường quốc tế tại Abu Dhabi, thủ đô Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Không ai thiệt mạng trong cả hai vụ việc và các thông tin liên quan vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu manh nha cho thấy phương thức khủng bố mới đầy nguy hiểm có thể dễ dàng được thực hiện mà không cần đến sự tài trợ của một thế lực hùng mạnh, theo tờ The Washington Post.
[VIDEO] Đây có phải thiết bị bay mang chất nổ dùng trong mưu toan ám sát tổng thống Venezuela?
Sự xuất hiện của các thiết bị không người lái trước đây được nhiều người hoan nghênh vì nhiều lý do, trong đó có ngành nhiếp ảnh và dịch vụ giao hàng tận nhà. Tuy nhiên, hai trường hợp xảy ra ở Venezuela và UAE vừa qua có thể dẫn đến những mối nguy hại khó lường với mục tiêu phá hoại. Nếu vụ mưu sát Tổng thống Maduro tại thủ đô Caracas gây chấn động thì âm mưu tấn công phi trường ở Abu Dhabi lại đặc biệt đáng lo vì có thể gây ra mức độ thương vong trên diện rộng nếu máy bay thương mại bị trúng đòn.
Xu hướng vũ khí hóa drone được bắt đầu với một lợi ích chiến thuật, đó là đa số thiết bị có thể bay thấp hơn tầm phát hiện của công nghệ radar hiện nay. Dù chỉ mang theo một lượng chất nổ nhỏ, nhưng chúng có thể hạ gục một máy bay dân sự trên không. Đặc biệt, các máy bay chở khách rất dễ bị tấn công trong giai đoạn cất - hạ cánh vì phi hành đoàn khó có thể kịp thời phản ứng trước những vật thể xuất hiện không báo trước do thời gian quá ngắn. Theo giới phân tích, một thiết bị bay đơn giản cũng đủ để hạ gục phi cơ cỡ lớn nếu nó được điều khiển đi vào đường bay của đối phương.
Các drone được vũ khí hóa, như loại mà lực lượng Houthi đang sử dụng, nhờ tải trọng lớn hơn nên đủ sức mang theo vài kilogam chất nổ với tốc độ bay tối đa 160 km/giờ và hoạt động trong phạm vi 650 km. Chúng được lập trình để phá hủy mà không cần con người phải trực tiếp điều khiển trong toàn quá trình. Trong vụ ám sát hụt lãnh đạo Venezuela, giới điều tra cho hay những kẻ tấn công đã sử dụng hai thiết bị bay DJI M600, mỗi chiếc mang theo 1 kg chất nổ C-4, đủ sức gây sát thương trong bán kính 50 m, theo tạp chí Wired. DJI M600 là dòng drone dành cho người dùng chuyên nghiệp, chủ yếu là các nhà quay phim và nhiếp ảnh, nhưng có kết cấu chắc chắn và mạnh mẽ, có tải trọng đáng kể.
[VIDEO] Bùng nổ giải pháp chống máy bay không người lái
Theo tờ The Washington Post, hiện chưa có quốc gia nào thực sự sẵn sàng đối phó loại hình tấn công mới bằng drone. Tại các sân bay, hoạt động an ninh chủ yếu tập trung xử lý các mối đe dọa từ những cá nhân ra vào nơi này, như hành khách, nhân viên và hành lý trung chuyển qua các khu vực. Sân bay không được thiết kế để chống lại các vụ tấn công từ trên không, và tầm bay quá thấp của drone cũng mang đến thách thức không nhỏ cho công tác an ninh tại các đầu mối giao thông. Trong khi đó, việc bảo vệ các nhà lãnh đạo quốc gia trước những vụ tấn công bằng thiết bị bay càng phức tạp hơn, vì họ có lịch làm việc dày đặc và thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng.
Trong bản tường trình trước quốc hội Mỹ hồi tháng 6, Thứ trưởng Bộ An ninh nội địa David Glawe nhấn mạnh: “Tình trạng vũ khí hóa drone là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng mà chúng ta hiện chưa được chuẩn bị để đối phó”.
[VIDEO] Mỹ bắn hạ máy bay không người lái của Syria
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.