Mối nguy từ tàu dân binh Trung Quốc ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
07/06/2022 16:20 GMT+7

Một số báo cáo cảnh báo rằng tàu dân binh Trung Quốc được huấn luyện, nhận nguồn trợ cấp lớn để phục vụ ý đồ của Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông.

Cuối tháng 5, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài nghiên cứu đã nêu vụ tàu hải cảnh và tàu dân binh Trung Quốc cản trở tàu Philippines M/V DA BFAR thực hiện nghiên cứu ở Biển Đông.

Theo đó, khi đang tiếp cận bãi Cỏ Mây vào ngày 21.4, tàu M/V DA BFAR bị một tàu hải cảnh bám theo chỉ cách xa khoảng 100 m. Cùng lúc, một tàu hải cảnh khác và 2 tàu dân binh tiến dần từ phía bắc. Với sức ép như thế, tàu DA BFAR buộc phải quay đầu và rút khỏi khu vực.

Tụ tập ở vùng biển Trường Sa

Vụ tàu Philippines buộc phải quay đầu như trên có thể khiến những người quan tâm tình hình Biển Đông nhớ lại vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines gần bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trước khi họ được một tàu Việt Nam cứu vào tối 9.6.2019. Khi đó, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), nhận định tàu cá Trung Quốc đâm tàu Gem-Ver 1 có thiết kế theo chuẩn của tàu dân binh nước này, theo Đài ABS-CBN News.

Giám đốc AMTI Gregory Poling thì cho rằng vụ đâm tàu Gem-Ver 1 là “hệ quả tất yếu của việc Bắc Kinh điều hàng trăm tàu cá làm lực lượng dân binh”. Ông Poling còn cảnh báo vụ đâm tàu tương tự sẽ tái diễn vì có hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hình ảnh được cho là tàu dân binh Trung Quốc tại đá Ba Đầu vào ngày 25.3.2021

AMTI

Theo một báo cáo được đăng trên website của AMTI vào tháng 11.2021, từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, số lượng tàu có khả năng là tàu dân binh Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Trường Sa tăng lên khoảng 300 chiếc vào bất kỳ thời điểm nào.

Phần lớn trong số đó thả neo trong nhiều tuần liên tục tại các bến cảng ở đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Đến đầu năm 2020, lực lượng dân quân biển Trung Quốc bắt đầu tụ tập với số lượng lớn hơn quanh cụm Sinh Tồn và đặc biệt là đá Ba Đầu. Trong tháng 4.2021, sự hiện diện của lực lượng này ở Trường Sa trở nên linh hoạt hơn chứ không giảm quy mô, với nhiều tàu từ đá Ba Đầu di chuyển đến đá Tư Nghĩa gần đó và một số thực thể khác.

Hình ảnh được cho là tàu dân binh Trung Quốc tại đá Ba Đầu trong vào ngày 7.3.2021

REuters

Trước đó, trang Defense News dẫn lời chuyên gia về hàng hải Trung Quốc Andrew Erickson tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc liên quan trực tiếp hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam năm 2014.

“Liều lĩnh gây nguy cơ va chạm”

Trong báo cáo Diễn biến an ninh và quân sự liên quan CHND Trung Hoa năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo lực lượng dân quân biển Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu chính trị mà không phải gây ra xung đột vũ trang.

Trong đó, đơn vị dân binh biển của tỉnh Hải Nam được tổ chức chuyên nghiệp nhất và thường xuyên nhận được nguồn trợ cấp lớn để mở rộng hoạt động tới khu vực Trường Sa. Thậm chí, nhiều phân tích cho rằng có thể xem tàu dân binh là một lực lượng bán vũ trang của Trung Quốc nhằm phục vụ chiến lược hàng hải của nước này.

Báo cáo khi đó của Lầu Năm Góc chỉ ra chính quyền Hải Nam đã ra lệnh đóng 84 tàu dân binh cỡ lớn với thân tàu được gia cố và hầm chứa đạn. Báo cáo còn khẳng định nhiều tàu dân binh được huấn luyện và hỗ trợ hải quân cùng hải cảnh Trung Quốc trong nhiều nhiệm vụ, gồm cả giám sát và do thám.

Nghiên cứu của Mỹ là cơ sở phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong thập niên qua, lực lượng dân quân biển đã trở thành đội ngũ đi đầu trong hầu hết các ý đồ của Trung Quốc kiểm soát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và ngăn chặn hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, theo báo cáo nói trên của AMTI.

“Để đạt được mục tiêu này, các tàu dân binh hoạt động theo cách thức rõ ràng là vi phạm luật hàng hải quốc tế. Các tàu dân binh cùng với các tàu hải cảnh cố tình di chuyển liều lĩnh, tạo ra nguy cơ va chạm để cưỡng chế tàu nước ngoài”, báo cáo viết.

Cách nhận dạng tàu dân binh Trung Quốc

Cách nhận dạng tàu dân binh chính xác nhất là dựa vào các nguồn tin chính thức của Trung Quốc hoặc phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng không phải hầu hết các tàu dân binh đều có thể được nhận dạng theo cách này, theo báo cáo của AMTI. Chụp ảnh, quay video tại chỗ, cũng như thu thập dữ liệu qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) là phương pháp hữu ích nhất để nhận dạng trực tiếp các tàu dân binh Trung Quốc. Ngoài ra, các tàu dài hơn 50 m, hoạt động trong vùng biển đang tranh chấp và đặc biệt là các tàu có dưới 10 thuyền viên đáng được xem xét kỹ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.