Môi trường giáo dục

09/05/2018 04:49 GMT+7

Chuyện cô giáo ở Hà Nội chửi học viên bằng ngôn từ chợ búa gây ra làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng xuất phát từ đâu?

Từ cái quy định thu tiền phạt 100.000 mà học viên cho là thu vô lối?
Hay từ cái triết lý dạy học kiểu trừng phạt thích đáng sai lỗi của học viên mà cô không ngại tuyên bố?
Những chuyện ấy mà đem ra bàn, chắc là phải bàn không ít khía cạnh, từ pháp lý cho đến phương pháp giáo dục. Nhưng ngay cả khi thừa nhận tính hợp pháp và hợp lý của hai thứ vừa nêu, thậm chí kể cả cái trung tâm của cô là đúng phép đi chăng nữa, thì điều quan trọng vẫn luôn là, tại sao cái quy định thu tiền phạt và kiểu triết lý dạy học khác người ấy lại được quyền đi kèm với quyền mắng chửi học viên tới mức sỉ nhục? Và bằng những ngôn từ chợ búa.
Cái căn nguyên xuất phát của vụ việc này là từ chính những con người cụ thể.
Là từ con người của cô giáo dạy tiếng Anh. Dù cô ấy không phải nhà giáo chuyên nghiệp, không phải là người được đào tạo từ trường sư phạm, không phải thuộc biên chế của một trường học nào đó, thì cô ấy thừa hiểu ở đất nước này, chỉ bằng việc đứng lớp dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoài giờ, mọi người sẽ gọi cô ấy là cô giáo. Học viên sẽ gọi cô ấy là cô giáo. Và trung tâm ngoại ngữ dù chưa có phép mà cô ấy mở ra là để thu nhận người học, tức là một địa chỉ giáo dục, dù là làm dịch vụ.
Vậy mà cô ấy trong khi cãi vã với học viên, buông lời rằng “tôi không cần cái tư cách giáo viên giẻ rách”. Một khi đã coi cái tư cách giáo viên là “giẻ rách” rồi, thì có gì đâu mà phải giữ gìn ứng xử. Thế là cứ ngang nhiên xưng mày tao, to tiếng chửi bới kiểu chợ búa với học viên ngay giữa lớp học. 
Nhưng một góc khác, làn sóng phẫn nộ ít nói đến chính là từ con người của học viên. Người học là một phần không thể thiếu trong tất cả mọi tính toán sư phạm của thầy cô. Đôi khi, chính người học cũng góp tay kích hoạt sự nguy hiểm từ người thầy.
Những cơn tức giận, thường được hiểu là bắt nguồn từ đâu đó trong bản năng sâu xa của tâm lý con người. Xét cho cùng, những cơn tức giận dẫn con người đến mất trí khôn cũng chẳng phải là chuyện lạ. Nhưng con người từ lâu đã học được cách thức để ngăn chặn và kiểm soát sự nguy hiểm đó của bản thân mỗi người.
Đó là cách ứng xử hòa nhã, “người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” như cha ông căn dặn. Đó là bản lĩnh kiểm soát cảm xúc như lời khuyên “cơm sôi bớt lửa” của dân gian. Đó là sự cân nhắc đầy nhân văn từ minh triết “một điều nhịn, chín điều lành”. Thầy cô thì càng phải nghiêm khắc thực hành những điều ấy.
Chưa kể, môi trường giáo dục phải là nơi truyền cảm hứng, khơi gợi năng lực của người học. Sẽ chẳng có thứ cảm hứng và năng lực nào được khơi ra nhờ những lời chửi bới, mà lại là những lời thô tục đáng xấu hổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.