MoMo và con đường xây nền tảng thanh toán cho người Việt

11/10/2021 08:40 GMT+7

Nếu như cách đây hơn 10 năm, ví điện tử là khái niệm xa lạ với nhiều người thì trong vài năm trở lại đây, nó đã trở thành kênh thanh toán nhanh chóng và tiện lợi gắn với nhiều tiện ích. Những tay chơi lớn như MoMo góp phần định hình sự phát triển như vũ bão của thị trường thanh toán Việt Nam.

MoMo là siêu ứng dụng được biết đến rộng rãi với hơn 25 triệu người dùng

Ảnh: MoMo

Thanh toán không tiền mặt: Tương lai nền kinh tế

Theo hãng nghiên cứu của Anh - Merchant Machine, năm 2020 Việt Nam nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu về sử dụng tiền mặt. Một khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế VN (IDG) cũng chỉ ra 79% giao dịch bán lẻ trong nước bằng tiền mặt. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến năm 2020, mới có khoảng 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Thanh toán không tiền mặt vì vậy còn dư địa tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Hiện nay thanh toán không tiền mặt (TTKTM) đã phát triển sang nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, ví điện tử là một trong những phương thức đang ngày càng trở nên phổ biến bởi tính tiện lợi, nhanh gọn và dễ tiếp cận.

Cũng theo NHNN, trong nửa đầu năm 2021, giao dịch bằng ví điện tử đạt hơn 802 triệu đơn vị với giá trị trên 302.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 85,4% và 91,6% so với cùng kỳ năm 2020. Những ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM, ví điện tử được đa số người dân lựa chọn, vừa đảm bảo an toàn, vừa dễ dàng thanh toán đơn hàng với giá trị từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng. Sự trỗi dậy của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt trong giai đoạn giãn cách một lần nữa thúc đẩy thanh toán không tiền mặt nói chung, ví điện tử nói riêng.

Sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại “theo một cách rất khác” - ông Nguyễn Bá Diệp (đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo) nhận định. “Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành nhu cầu tự nhiên khi người dân đã trải nghiệm thanh toán điện tử suốt hơn 3 tháng giãn cách xã hội vừa qua. Khi đã cảm nhận được sự tiện dụng và đơn giản của thanh toán điện tử, thì khó có thể quay lại với hình thức thanh toán truyền thống”, ông Diệp bổ sung.

Ví MoMo định hình cuộc chơi thanh toán di động

Ngay từ đầu, MoMo định hướng phát triển ứng dụng trên di động, trong khi phần lớn các công ty khác chọn phát triển thanh toán trên nền web. Giai đoạn 2013-2014, MoMo tập trung toàn bộ nguồn lực phát triển phiên bản ứng dụng trên smartphone, khi đó smartphone chưa phổ biến và ví điện tử còn xa lạ. Đây là lần thay đổi “bước ngoặt” cho sự phát triển của doanh nghiệp, theo lãnh đạo Ví MoMo.

Sự xuất hiện của ứng dụng MoMo đã thắp ngọn lửa đầu tiên cho thị trường thanh toán di động Việt Nam, là động lực thu hút nhiều tên tuổi trong và ngoài nước nhảy vào thị trường non trẻ và nhiều tiềm năng này.

Từ ứng dụng xoay quanh tính năng là nạp tiền điện thoại, chuyển tiền... MoMo mở rộng sản phẩm, dịch vụ thông qua hợp tác với nhiều đối tác hướng đến một nền tảng Siêu ứng dụng lấy thanh toán làm cốt lõi.

Tính đến hiện tại, MoMo đã kết nối với 27 ngân hàng, hầu hết các thẻ quốc tế và cổng NAPAS, 60.000 đối tác cùng 120.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Sở hữu hệ sinh thái hoàn chỉnh, MoMo có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng, từ thanh toán, chuyển tiền, mua sắm, thương mại điện tử, vận tải, du lịch, giải trí, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ công, từ thiện,... Các tính năng của MoMo không ngừng được phát triển sâu, rộng, bám sát vào những nhu cầu thường nhật của người dùng.

Với lượng người dùng trên 25 triệu người, MoMo là ví điện tử được nhận biết rộng rãi nhất (94% số người được hỏi đều biết đến MoMo), và có số lượng người dùng thường xuyên lớn nhất (61%), theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành. Năm 2019, MoMo là đại diện đầu tiên của Việt Nam góp mặt trong Top 50 fintech lớn nhất thế giới, theo công bố của KPMG và H2 Ventures.

MoMo hiện là nền tảng lớn nhất liên kết với các sàn TMĐT (Lazada, Tiki và Sendo), rạp xem phim, hàng không, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm. Người dùng Ví MoMo có thể dễ dàng mua hàng và thanh toán trên các sàn thương mại điện tử lớn chỉ với vài lượt chạm cùng trải nghiệm mượt mà, tiện lợi.

Với nền tảng công nghệ mở, MoMo không chỉ sẵn sàng kết nối với các đối tác khác nhau, mà còn dễ dàng tích hợp nhiều tính năng mới trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Tính năng “Có gì bán nấy” ra mắt đầu tháng 9 là một trong số đó. Tính năng này giúp tiểu thương, cá nhân kinh doanh có thể “họp chợ online” và thanh toán ngay trên ứng dụng MoMo, giải quyết nhu cầu đi chợ hộ/mua chung phát sinh trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội.

Nguồn: Báo cáo Ứng dụng di động 2021 - Appota

Ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, MoMo nỗ lực triển khai tính năng này nhằm giải quyết nỗi lo lắng mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch. “Đây là một trong những giải pháp bán lẻ dành cho đối tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ mà MoMo đang và sẽ tiếp tục hướng tới”, ông Diệp nói.

Dẫn dắt xu hướng Dùng trước - Trả sau tại Việt Nam, tháng 8 này, MoMo phối hợp cùng TPBank ra mắt sản phẩm Ví Trả Sau. Không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng, sản phẩm tài chính này góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ, dịch vụ - một trong những động lực thúc đẩy kinh tế hồi phục sau dịch. MoMo đang cùng với các ứng dụng thanh toán không tiền mặt mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực fintech - mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính bình đẳng cho mọi người.

Gắn bó từ ngày đầu và đi qua những thăng trầm của thị trường, đến nay, MoMo đã khẳng định vị thế trên thị trường thanh toán. Kết quả MoMo đạt được hơn thập kỷ qua không chỉ là niềm tự hào về sản phẩm của người Việt dành cho người Việt mà còn là nền tảng giúp thị trường thanh toán di động Việt Nam cất cánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.