Mòn mỏi 36 năm chờ bồi thường oan sai: Đình chỉ giải quyết vụ án là 'có căn cứ'

Phan Thương
Phan Thương
06/11/2023 08:30 GMT+7

TAND TP.HCM có quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Dân Cường (67 tuổi), cho rằng TAND Q.6 (TP.HCM) đình chỉ giải quyết vụ án "tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự" giữa ông Cường và bị đơn Viện KSND Q.6, là có căn cứ.

Theo TAND TP.HCM, căn cứ điều 91 luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại điều 18 của luật này, bao gồm: bản án của tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; quyết định của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 điều 3 của luật này.

Ông Trịnh Dân Cường đã bị bắt giữ trái pháp luật vào năm 1985Ảnh: S.M

Ông Trịnh Dân Cường đã bị bắt giữ trái pháp luật vào năm 1985

S.M

TAND TP.HCM cho rằng ông Cường không có một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật như đã viện dẫn, nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án, do chưa đủ điều kiện khởi kiện là đúng quy định.

Bị bắt giữ trái pháp luật

Như Thanh Niên phản ánh qua bài viết Mòn mỏi 36 năm chờ bồi thường oan sai (số báo ra ngày 13.11.2022) và bài Mòn mỏi 36 năm chờ bồi thường oan sai: Đang báo cáo và chờ ý kiến của cấp trên (ngày 18.12.2022), ông Trịnh Dân Cường gửi đơn lên Công an Q.6 và Viện KSND Q.6, yêu cầu được nhận các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can; yêu cầu bồi thường, phục hồi danh dự đối với ông nhưng chỉ nhận câu trả lời "đã hết thời hiệu giải quyết". Không đồng ý, sau đó, ông Cường khởi kiện Viện KSND Q.6 ra TAND Q.6.

Theo nội dung đơn khởi kiện, năm 1985, tại một căn nhà trên đường Bãi Sậy (Q.6) xảy ra vụ trộm vàng. Ngày 28.2.1985, ông Trịnh Dân Cường bị Công an Q.6 bắt tạm giam. Ngày 3.12.1986, ông Cường được trả tự do theo quyết định của Công an TP.HCM, xác định ông không liên quan đến vụ án. Trong đơn khởi kiện, ông Cường cho rằng bị bắt giữ trái pháp luật và những người bắt giữ ông đã bị xử lý trách nhiệm. Diễn biến vụ việc được chứng minh qua 2 bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 1989 và phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM năm 1990 xác định ông Cường là người bị hại. Bản án đã tuyên án đối với các cựu cán bộ là Công an Q.6 và Viện KSND Q.6 về tội "bắt, giam người trái pháp luật", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bên cạnh đó, bản án nhận định rằng do không đủ chứng cứ buộc tội ông Cường, các bị cáo là cán bộ điều tra đã nhất trí, hợp thức hóa các thủ tục như lệnh phê chuẩn của Viện KSND Q.6, ghi lùi ngày trong quyết định khởi tố…

Theo ông Cường, Viện KSND Q.6 là cơ quan phê chuẩn lệnh bắt, quyết định khởi tố… đối với ông. Thời gian 21 tháng 4 ngày bị bắt giam oan (từ ngày 28.2.1985 - 3.12.1986), ông đã chịu tủi nhục, đắng cay, sức khỏe suy yếu, mất khả năng lao động. Việc ông bị bắt giam oan là nguyên nhân khiến gia đình tan nát, vợ con bỏ đi.

Trên cơ sở đó, căn cứ điều 35 luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017, ông Cường yêu cầu Viện KSND Q.6 xin lỗi công khai, phục hồi danh dự; bồi thường thiệt hại thu nhập thực tế bị mất, sức khỏe, tinh thần… tổng cộng hơn 3 tỉ đồng.

Chưa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can

Để giải quyết khiếu nại của ông Trịnh Dân Cường, Viện KSND TP.HCM đã liên hệ TAND tối cao để sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ trộm vàng năm 1985 trên.

Theo đó, hồ sơ vụ án chỉ có lệnh tạm giữ ngày 2 - 5.3.1985 đối với ông Trịnh Dân Cường; không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, tạm giam đối với ông Trịnh Dân Cường về tội "trộm cắp tài sản".

Viện KSND TP.HCM đánh giá ông Cường bị tạm giữ 3 ngày theo lệnh tạm giữ của Công an Q.6 ký, theo pháp luật về bồi thường nhà nước thì ông Cường được bồi thường 3 ngày tạm giữ này. Và trách nhiệm bồi thường là của Công an Q.6 nhưng đến nay, thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết.

Hết thời gian tạm giữ, ông Cường bị giam, đưa đi tập trung cải tạo khi không có bất kỳ quyết định nào, nên ngày 3.12.1986, UBND TP.HCM ra quyết định trả tự do. Đối với trường hợp này, Viện KSND TP.HCM cho rằng ông Cường bị giam, đưa đi tập trung cải tạo không đúng thủ tục tố tụng đã được xác định là trách nhiệm của các cá nhân: Nguyễn Hữu Đô (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.6), Võ Tấn Sĩ (cựu Phó trưởng Công an Q.6), Nguyễn Kiên Trung (cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), Nguyễn Tấn Đồng (cựu Viện trưởng Viện KSND Q.6). Đồng thời những cá nhân này đã bị khởi tố, truy tố, xét xử bằng bản án có hiệu lực về tội "bắt, giữ, giam người trái pháp luật", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó xác định ông Trịnh Dân Cường là người bị hại và các yêu cầu về bồi thường thiệt hại đã được giải quyết.

Cụ thể, bản án hình sự về các cựu cán bộ trên, về trách nhiệm bồi thường, đã ghi nhận Công an Q.6 hỗ trợ gạo, muối, cấp một xích lô cho ông Trịnh Dân Cường làm ăn sinh sống. Đồng thời, tại phiên tòa này, ông Cường đề nghị được trợ cấp một số tiền để gia đình vượt qua khó khăn. Tòa cũng buộc Công an Q.6 có trách nhiệm giải quyết, vì theo Thông tư 173/HĐTP của TAND tối cao hướng dẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì khi các bị cáo phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm bồi thường, sau này cơ quan chủ quản buộc các bị cáo bồi hoàn lại cho mình nếu thấy cần thiết.

Ông Cường cũng có mặt tại phiên tòa sơ thẩm này và không kháng cáo. "Hơn nữa cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại cho ông Trịnh Dân Cường là Công an Q.6, và Công an TP.HCM, không phải viện kiểm sát", Viện KSND TP.HCM nêu quan điểm.

Cũng theo Viện KSND TP.HCM, thực tế không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, tạm giam đối với ông Trịnh Dân Cường về tội "trộm cắp tài sản", nên cũng không có các quyết định đình chỉ liên quan; do đó ông Cường yêu cầu cung cấp tài liệu này là không có căn cứ.

Cựu cán bộ vi phạm hợp thức hóa hồ sơ

Theo bản án sơ thẩm và hình sự liên quan các cựu cán bộ phạm tội, nêu rõ Nguyễn Kiên Trung (cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) chỉ nghe báo cáo miệng của Đô, chưa có hồ sơ của viện kiểm sát phê chuẩn, nhưng Trung đã ký lệnh tạm giữ ông Trịnh Dân Cường và 2 người khác, tạo điều kiện cho Đô dẫn sâu vào vi phạm pháp luật.

Hơn nữa trong hồ sơ có các quyết định tố tụng đã được bản án sơ thẩm, phúc thẩm xác định là tài liệu hợp thức hóa, gồm: quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Trịnh Dân Cường do thiếu tá Nguyễn Văn Ngẫu - Phó trưởng Công an Q.6 ký, phía góc trái bên dưới có phê chuẩn của Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện KSND Q.6 Nguyễn Tấn Đồng ký.

Trong bản án liên quan, xác định ông Nguyễn Tấn Đồng là viện trưởng, với chức năng quan trọng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra. Bị cáo không kiên quyết ngăn chặn hành vi trái pháp luật của phía cơ quan điều tra, mà khi hậu quả xảy ra lại còn hợp thức hóa các lệnh khởi tố, giam giữ trái phép. Vì vậy, ông Đồng bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.