Mong các doanh nghiệp chung tay để thực hiện giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô

Vân Hà
(thực hiện)
24/12/2024 06:18 GMT+7

"Có trực tiếp tham quan nhà máy mới thấy tỷ lệ hơn 60% nội địa hóa của VinFast thực sự thuyết phục. Mới 7 năm nhưng VinFast đã làm được điều hàng chục năm qua chưa hãng nào làm được cho nền công nghiệp ô tô Việt", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với Thanh Niên sau khi trực tiếp tham quan nhà máy VinFast tại Hải Phòng.

Mới đây VinFast đã công bố đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%. Được biết bà vừa có chuyến thăm trực tiếp nhà máy VinFast tại Hải Phòng, bà đánh giá thế nào về công bố trên?

Mong các doanh nghiệp chung tay để thực hiện giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô- Ảnh 1.

Bà Phạm Chi Lan

Ảnh: T.L

Cổ nhân có câu "trăm nghe không bằng một thấy". Có đi nhà máy, tận mắt thấy các chi tiết quan trọng nhất của ô tô được sản xuất ngay tại Cát Hải (Hải Phòng), ngay trên mảnh đất Việt Nam mới hiểu. Dù những dây chuyền, thiết bị cơ bản để sản xuất ra các cấu phần đó đều xuất phát từ các nước có nền công nghiệp hiện đại nhất như Đức, Nhật, Ý..., nhưng khi chứng kiến trực tiếp những thiết bị đó vận hành thì tỷ lệ hơn 60% nội địa hóa của VinFast là hoàn toàn thuyết phục. Chuyến đi thực tế vừa qua, vào từng xưởng của VinFast, đã củng cố niềm tin của tôi và các chuyên gia cùng đi về những gì VinFast làm được.

Sự thành công của VinFast và các đối tác sẽ chính là sự thành công của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở nên thịnh vượng, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Vậy bà lý giải thế nào về nhận định "Việt Nam không sản xuất nổi chiếc ốc vít" lâu nay?

Đó là một định kiến lạc hậu rồi. Thực ra, khi Vingroup quyết định làm ô tô, tôi cũng lo vì chúng ta hầu như chưa có công nghiệp phụ trợ gì, đồng thời sự cạnh tranh từ hàng ngoại quá lớn, không chỉ đến từ các nước tiên tiến, công nghiệp hóa cao trên thế giới mà cả nguồn cạnh tranh đến trực tiếp từ ASEAN, Trung Quốc, những nơi rất gần Việt Nam và có cơ chế hiệp định thương mại tự do (FTA) rất sớm với Việt Nam. Nhưng những gì VinFast làm được hơn 7 năm qua chứng tỏ chúng ta có thể làm được những điều mà nhiều hãng xe ngoại vào Việt Nam hàng chục năm nay không làm được về tỷ lệ nội địa hóa.

Mong các doanh nghiệp chung tay để thực hiện giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô- Ảnh 2.

Chiến lược của VinFast chuyển sang xe điện là rất đúng đắn, khôn ngoan, kịp thời, phù hợp xu thế chung trên thế giới và đòi hỏi mới của Việt Nam

Ảnh: VF

Thực ra chúng ta có mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khá cụ thể, chúng ta cũng đã kỳ vọng rất nhiều vào điều này...?

Đúng thế, từ những năm 1990, khi chúng ta đưa ra chiến lược công nghiệp hóa sau những năm đầu đổi mới thành công, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) quan tâm tới lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô ở nước ta. Từ Toyota, Mitsubishi, Daewoo, Hyundai, Kia tới Ford… đến giữa thập niên 1990 đã có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam xây dựng những dây chuyền lắp ráp đầu tiên. Lúc đó chúng ta tin và mong mỏi ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô sẽ phát triển, người Việt Nam làm việc cho các hãng nổi tiếng thế giới sẽ học hỏi được kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dần hình thành.

Đối với những nhà đầu tư đó, chúng ta cho họ ưu đãi cao trên cơ sở cam kết tạo việc làm, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định, khoảng 10 - 30% tùy hãng sau 10 - 15 năm, cùng với cam kết xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Chính phủ ta đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ô tô và coi như đấy là một trong những cú hích đầu tiên để đặt nền móng cho ngành ô tô và quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Mong các doanh nghiệp chung tay để thực hiện giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô- Ảnh 3.

VinFast không chỉ dẫn đầu về thị phần ô tô trong nước mà còn có tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 60%, điều mà nhiều hãng xe ngoại vào Việt Nam hàng chục năm nay không làm được

Ảnh: VF

Nhưng thực tế thì sao, thưa bà?

Tất cả nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ô tô tại Việt Nam ban đầu nhập toàn bộ các bộ phận, linh kiện... phụ trợ, chỉ lắp ráp ở Việt Nam, phần vì chúng ta chưa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho họ, phần vì quy mô thị trường còn quá nhỏ, mỗi năm mỗi hãng chỉ lắp ráp vài nghìn xe thì cũng khó xây dựng các cơ sở phụ trợ. Nhưng rồi sau dăm bảy năm, khi ta thúc giục sản xuất hàng phụ trợ thì họ quay sang dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ đưa từ bên ngoài vào và được hưởng ưu đãi đối với FDI như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển, khi chúng ta vừa khó tiếp cận các nguồn lực hơn họ, vừa phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao tới 17 - 22% trong khi doanh nghiệp FDI được ưu đãi chỉ chịu mức thuế 10%.

Điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay cũng chỉ khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, trong đó lĩnh vực ô tô chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, các nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ ô tô của Thái Lan phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được Nhật Bản chọn làm nơi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô, như một Detroit (thành phố chủ chốt về các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô ở Mỹ) tại Đông Nam Á. Và vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa.

Như vậy ngay từ đầu chúng ta đã không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô?

Đúng vậy, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô ở Việt Nam thực sự là bài toán quá khó. Thật ra, đối với nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác của ta cũng vậy, ngay cả dệt may, da giày... đến nay tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất khiêm nhường. Và đó cũng là một phần lý do khiến mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam không đạt được theo tiến độ. Chúng ta đã từng có chiến lược trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, sau đó phải lui mục tiêu này tới năm 2030.

Vì vậy thực sự tôi thấy rất nhẹ nhõm khi biết tin tháng 10 - 11.2024, VinFast dẫn đầu về thị phần ô tô trên thị trường trong nước, cũng như có tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 60%. Tôi hoàn toàn tin VinFast sẽ đạt được mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 84% trong 2 năm nữa, khi nhà máy sản xuất pin cho ô tô điện ở Hà Tĩnh cho ra sản phẩm. Xin chúc mừng VinFast về thành tựu này, xin cảm ơn VinFast đã phát triển ngoạn mục, góp phần đáng kể cho ngành ô tô và sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam.

Bà nghĩ thế nào về chiến lược chuyển sang xe điện hoàn toàn của VinFast?

Chiến lược chuyển sang xe điện thực sự rất táo bạo, nhưng cũng rất đúng đắn, khôn ngoan, kịp thời, phù hợp xu thế chung trên thế giới và đòi hỏi mới của Việt Nam khi chúng ta chủ trương phát triển bền vững. Công nghiệp hóa của nước ta ngày nay và tương lai phải là công nghiệp hóa theo hướng xanh, chứ không thể "nâu". Tôi mừng khi VinFast đã tiên phong đi theo hướng đó và làm được việc đó, đóng góp thêm giá trị cho cộng đồng và đất nước với nhân tố Xanh, với việc bảo vệ môi trường.

Tôi cũng mong các nhà cung cấp Việt và đối tác từ các nước tiên tiến sẽ chung tay với VinFast để thực hiện giấc mơ nội địa hóa của Việt Nam. Sự thành công của VinFast và các đối tác sẽ chính là sự thành công của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở nên thịnh vượng, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.