Ngành ô tô Việt Nam: Cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ

10/06/2019 07:15 GMT+7

Theo các chuyên gia, để xây dựng thành công một nền công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ, từ giải pháp tài chính cho đến chính sách thuế...

Hỗ trợ tư nhân, tiến tới xuất khẩu ô tô

Nói về giải pháp chính trong phát triển ngành công nghiệp ô tô VN giai đoạn đến năm 2025, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trong báo cáo thực hiện giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn gửi đến Quốc hội giữa tháng 5 vừa qua cho biết, định hướng tới đây là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và các DN lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng. Trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao (động cơ - hộp số - bộ truyền động) để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Bộ Công thương đã thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô VN theo chỉ đạo của Chính phủ và đã làm việc với các DN ngành ô tô VN, qua đó sẽ xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng DN trong giai đoạn 2018 - 2020; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN theo hướng: điều chỉnh các chính sách về thuế, thị trường, hình thành hệ thống nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng; hỗ trợ DN tiếp tục sản xuất ô tô trong nước để cắt giảm chi phí, hạ giá thành, cải tiến chất lượng; nâng cao năng lực quản trị DN.
Trong đó, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Tập đoàn Thành Công và các dự án khác bởi đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, cho rằng: “Thực ra VN nên xóa bỏ dần khái niệm DN nhà nước và DN tư nhân để xóa bỏ chuyện ưu đãi anh này, bỏ anh kia. VinFast đang làm được điều mà rất hiếm DN tư nhân trong nước, DN đầu tư nước ngoài và tất nhiên là DN nhà nước đều chưa làm được. Ở Mỹ, các DN tư nhân làm tốt thế này thường được chính quyền bang ưu đãi lớn về thuế nếu đạt được các chỉ số bắt buộc như sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội... Thứ hai là ưu đãi vay vốn và thứ ba là ưu đãi phát triển đào tạo nhân sự”. Ông Robert Trần lấy ví dụ tại quốc gia gần VN là Malaysia, cứ một DN tư nhân bỏ ra một đồng đào tạo nhân viên thì chính phủ cho thêm một đồng nữa. Đó là chưa tính DN này còn được ưu đãi thuế trong nhập khẩu máy móc thiết bị khi trong nước chưa sản xuất được để phục vụ chiến lược phát triển của DN.

Xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ

Thực tế, sau hơn 20 năm hoạt động, sự tồn tại của ngành sản xuất ô tô VN đã bị đe dọa khi Hiệp định Thương mại ASEAN xóa bỏ thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước trong khối. Nền công nghiệp ô tô VN trước năm 2017 vẫn luôn được nhìn nhận là yếu kém và lúng túng trong chiến lược phát triển. Đặc biệt, một trong những lý do được nói đến nhiều nhất là VN mãi loay hoay không có nền công nghiệp phụ trợ. Nhiều hãng xe lớn quốc tế đã vào VN nhập linh kiện, lắp ráp và hầu như bỏ quên việc hợp tác với ngành cơ khí trong nước để phát triển nền công nghiệp phụ trợ.
Đây cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại VinFast. Ông James DeLuca, Tổng giám đốc VinFast, nhấn mạnh: Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải, Hải Phòng không phải là một nhà máy lắp ráp CKD nhỏ lẻ. Chúng tôi có đầy đủ các xưởng dập, thân vỏ, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp trong cùng một nhà máy. Ngoài các hoạt động vận hành của VinFast, tổ hợp cũng có một khu công nghiệp phụ trợ phức hợp ngay trong trụ sở. Hiện tại đang có 8 nhà cung cấp đang đặt nhà máy tại đây với những cái tên như ZF, Lear, Faurecia và AAPICO. “Hai đối tác nữa cũng đang lên kế hoạch để tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang trao đổi với 10 bên quan tâm khác. Chúng tôi đã đi từ một vùng biển nước đến một khu tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh, hội nhập theo chiều dọc chỉ trong khoảng một năm" - ông James DeLuca thông tin.
Tháng 3 vừa rồi, Trường Hải cũng khởi công khu công nghiệp nông - lâm nghiệp, khu công nghiệp cơ khí và ô tô THACO - Chu Lai mở rộng, với tổng vốn đầu tư hai dự án gần 10.000 tỉ đồng. Dự án khu công nghiệp cơ khí và ô tô mở rộng có diện tích 115 ha, với tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng, nhằm thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020. Phát triển cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí thiết bị công nghiệp dựa trên nền tảng cơ khí ô tô để hướng đến sự hình thành trung tâm cơ khí đa dụng tập trung có quy mô lớn tại miền Trung VN.
Chuyên gia ô tô Khương Quang Đồng nói: Nền công nghiệp ô tô thế giới từ nửa thế kỷ qua chỉ có 2 quốc gia làm thành công là Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía chính phủ. Sứ mệnh của các DN tư nhân VN sẽ khó khăn hơn nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thế nên, nếu VN không có rào cản thuế để bảo vệ cũng như nuôi dưỡng phát triển, rất khó cho các DN này.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM, hiện là Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM cũng cùng nhận xét, "VinFast sẽ đi xa hơn với sứ mệnh xuất khẩu xe hơi Việt ra thế giới. Tuy nhiên, họ cần có chỗ đứng ngay trong nước và các nước trong khu vực trước. Họ cần có những hàng rào ưu đãi đặc biệt của Chính phủ về thuế quan, chính sách đào tạo nhân sự. Không chỉ họ làm được thương hiệu ô tô Việt mà còn có thể xây dựng nền công nghiệp ô tô có tiềm năng. Thế nên, ủng hộ họ là ủng hộ cho nền công nghiệp ô tô nội địa”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.