Mong kinh tế sớm hồi phục để có sinh kế lâu dài

Kim Lan
Kim Lan
04/10/2021 05:00 GMT+7

Nghị quyết số 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được bạn đọc Báo Thanh Niên đánh giá là nhân văn, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách hỗ trợ, người lao động đều mong có sinh kế lâu dài.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, gần 13 triệu người lao động (NLĐ) và 386.000 đơn vị sử dụng lao động bắt đầu được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc giải ngân gói hỗ trợ đang được đẩy nhanh, bắt đầu từ 1.10, dự kiến hoàn tất trong vòng 1,5 tháng.

Phát biểu trên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết gói hỗ trợ lần này tiếp tục khẳng định Quỹ BHTN được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch.

Sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN

Thu Hằng

Chính sách hỗ trợ kịp thời

Mặc dù chẳng ai muốn lâm vào cảnh thất nghiệp để phải nhận trợ cấp, hỗ trợ, nhưng nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên lưu ý đến thực tế là hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước đã phải đóng cửa vì dịch Covid-19, khiến hàng triệu NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy, trong bối cảnh dịch chỉ mới hạ nhiệt một phần, Nghị quyết 116 là một chính sách nhân văn, kịp thời. BĐ Khuất Tiến viết: “Trong 2 năm qua thực sự là một hoàn cảnh đặc biệt khiến NLĐ ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh, thành khác gặp nhiều khó khăn. Một nắm khi đói bằng một gói khi no. Đây là khoản hỗ trợ có thể chưa giải quyết được lâu dài những khó khăn trước mắt, nhưng sẽ động viên, giúp ích cho hàng triệu NLĐ đang thất nghiệp”.

Các trường hợp được thụ hưởng theo Nghị quyết số 116 là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30.9.2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; NLĐ đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 30.9.2021). Để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN, NLĐ có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc ứng dụng BHXH (VssID); thông qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Câu chuyện “một nắm khi đói bằng một gói khi no” được BĐ Minh Trần chia sẻ: “Tôi quê ở Nghệ An, vào TP.HCM sinh sống, tạm trú và làm công nhân trong một khu chế xuất. Tôi đã may mắn nhận được gói hỗ trợ của TP.HCM. Số tiền này gia đình tôi (hai vợ chồng, một con gái nhỏ 5 tuổi) dè sẻn cũng qua được trong khoảng 1 tháng, cùng với những hỗ trợ từ chính quyền địa phương”.

Cũng BĐ Minh Trần cho biết thêm: “Tôi đang cố gắng trụ lại ở TP.HCM. Tôi cũng đã được tiêm vắc xin. Mong thủ tục nhận gói hỗ trợ BHTN cũng đơn giản, nhanh gọn. Nhưng điều mong hơn cả là công ty sớm gọi đi làm lại”.

Mong sớm được đi làm trở lại

Không phải NLĐ nào cũng chờ được đến lúc “công ty gọi đi làm”. Như xóm trọ công nhân của BĐ Minh Trần giờ chỉ còn 3 gia đình trụ lại. Những người khác đã chọn cách về quê tự phát, vì họ không chờ được.

Tôi vào VssID đăng ký nhận BHTN. Điền hết thông tin, sau đó được báo nhập mã OTP để tạo tờ khai gửi về email. Tôi nhập OTP nhận từ số điện thoại, xong lại nhận thông báo là không tạo được tờ khai, thì tôi phải làm sao đây?

Lan

Một điểm quan trọng chưa được rõ lắm: NLĐ liên hệ với cơ quan BHXH ở địa phương hay BHXH nơi đang làm việc? Tự NLĐ liên hệ để cung cấp thông tin và được hỗ trợ hay cung cấp thông tin cho công ty nơi đang làm việc để thay mặt gửi thông tin?

Hthuvc

Tôi vẫn được nhận lương mà bị cắt giảm, thì có được nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN không?

Vuthingochanh

Tôi truy cập vào dịch vụ công trực tuyến của BHXH, tôi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần 2 năm. Nhưng khi vào đăng ký làm thủ tục bắt phải đăng ký tài khoản, rồi phải mang ra BHXH tỉnh để hoàn thành đăng ký. Không phải chỉ cần số BHXH là có thể nhận được ngay sao?

Tronglinha

Tuy nhiên, hầu hết người đã rời đi, về quê nhà, đều mong chờ một ngày quay trở lại. Vì mưu sinh từ bao năm nay ở các thành phố lớn vẫn đảm bảo cho họ cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng khi cơn bão Covid quét qua, sự bấp bênh trước mắt khiến họ phải đưa gia đình, con cái về lại mảnh vườn cũ, nơi ít nhất họ… không đói. BĐ Nguyễn Tiến nhận xét: “Câu chuyện đằng sau những gói cứu trợ vẫn phải là nhu cầu bức thiết về sự phục hồi của nền kinh tế, để cơ hội tìm kiếm một công việc ổn định với NLĐ trở nên rõ ràng và được đảm bảo. Có như vậy, họ sẽ ở lại hoặc quay lại cùng địa phương tham gia phục hồi kinh tế”.

“Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi lúc này là kinh tế sớm phục hồi, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân. Chúng tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn chưa thể quay lại nhà máy. Giờ chỉ muốn được làm việc để đời sống ổn định lâu dài”, BĐ Hồng Hoa viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.