Đây là thông tin ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết ngày 28.9.
Lao động ngừng việc từ năm 2020 đến nay vẫn được nhận hỗ trợ
Theo ông Lê Hùng Sơn, ngày 24.9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Cùng với các chính sách hỗ trợ từ các gói hỗ trợ khác của Chính phủ sẽ giúp cho NLĐ và cả NSDLĐ có điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, ổn định sản xuất và quan trọng là doanh nghiệp (DN) có cơ hội để tái tạo công ăn việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Về đối tượng thụ hưởng, ông Sơn cho hay hiện có khoảng gần 15 triệu người đang tham gia BHTN. Tuy nhiên, có khoảng gần 2 triệu NLĐ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên không được hưởng chính sách hỗ trợ, nên sẽ có khoảng gần 13 triệu NLĐ và 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách này.
Trong đó, NLĐ được hỗ trợ 30.000 tỉ và NSDLĐ được được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BHTN trong 12 tháng (số dự kiến sẽ giảm là trên 8.000 tỉ đồng).
Đặc biệt, NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.9.2021 (khoảng 2,5 triệu người) vẫn được hưởng chính sách.
Về quy trình thủ tục, BHXH Việt Nam cho biết, đối với 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó chúng tôi sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ BHTN của DN.
Đối với 13 triệu NLĐ, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin (CNTT) hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia BHTN và xác định thời gian tham gia BHTN. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dự liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam.
NLĐ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân
Một trong những vấn đề mà NLĐ quan tâm là cách thức chi trả hỗ trợ như thế nào. Ông Lê Hùng Sơn thông tin: “Đối với NLĐ hiện đang tham gia BHTN tại DN, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho NLĐ qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, tránh tiếp xúc trực tiếp”.
|
Theo ông Sơn, NLĐ đang làm việc tại DN chỉ cần cung cấp cho DN số tài khoản cá nhân; còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thời gian tham gia BHTN của NLĐ cơ quan BHXH sẽ in sẵn ra để NLĐ đối soát.
Đối với những trường hợp đặc biệt, NLĐ không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan BHXH sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.
Đối với NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 1.1.2020 đến nay, những NLĐ đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở DN, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH tỉnh, huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của NLĐ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Dự kiến hoàn thành chi trả trong tháng 11
Theo ông Sơn, đối với 1 chính sách hỗ trợ mà diện người được hưởng lớn như vậy (gần 13 triệu NLĐ, 38.000 DN), nếu không có nền tảng dữ liệu CNTT thì vừa khó đảm bảo về tiến độ và vừa khó đảm bảo về chất lượng. Tuy nhiên, với nền tảng của BHXH Việt Nam như hiện nay thì đây là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của việc chi trả các chính sách hỗ trợ này.
Để đảm bảo công khai, minh bạch, trong tổ chức thực sẽ sự giám sát công tác tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của cấp uỷ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị đại diện cho NLĐ, NSDLĐ và đông đảo nhân dân
Mặc dù Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng (từ 1.10-31.12.2021), song đại diện BHXH Việt Nam khẳng định với nền tảng CNTT của ngành, BHXH các địa phương sẵn sàng về nguồn dữ liệu, về lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ đảm bảo về đích sớm hơn.
“Bộ LĐ-TB-XH dự kiến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ trong 1,5 tháng, nhưng BHXH Việt Nam sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu như DN và NLĐ tích cực phối hợp với cơ quan BHXH. Về phía BHXH Việt Nam công tác triển khai đã sẵn sàng, nhưng có khó khăn nhất định là khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu BHTN hiện nay đang tản mạn về các địa phương. Chính vì thế, NLĐ thuộc đối tượng này cần chủ động liên hệ với cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện. Đây là nhân tố quyết định việc có hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ đúng tiến độ", ông Sơn nói.
Quỹ BHTN vẫn đảm bảo cân đối dài hạn Ông Lê Hùng Sơn cho biết, hiện kết dư của Quỹ BHTN là hơn 90.000 tỉ, khi trích ra 38.000 tỉ để triển khai gói hỗ trợ này, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối Quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ BHTN sẽ đảm bảo cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay.
Với số tiền giảm đóng này, DN sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch tại DN cho NLĐ, đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ. DN giống như một cây xanh, khi được chăm sóc tốt sẽ tạo ra quả ngọt để cả DN và NLĐ cùng được hưởng.
|
Bình luận (0)