Ngày xưa, nơi này là hồ nước tự nhiên, đầu thế kỷ 20 người Pháp xây dựng thành hồ chứa nước rồi đặt tên Lacdes Soupirs, nghĩa là tiếng rì rào hay than thở. Ngoài ra, người địa phương có một thời kỳ còn nhắc đến hồ với tên gọi Sương Mai có hàm ý những hạt sương buổi sớm tinh mơ. Tuy nhiên, Than Thở vẫn là tên gọi mà người bản địa và du khách nhớ nhiều nhất.
Từ trung tâm thành phố về hướng đông nam khoảng 6 km là đến nơi. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt là một hồ nước rộng nằm bên phải con đường quanh co dẫn vào khu đồi thông cao vời vợi. Khi vào cổng chính, đứng trên đồi thông, phóng tầm mắt về phía mặt hồ sẽ thấy nước in bóng ngàn thông trông như một chiếc gương phẳng chiếu. Xung quanh tứ phía toàn là thông. E chừng những rừng thông này đã hàng trăm năm tuổi. Dưới thông là những thảm cỏ xanh mượt và ẩn hiện trên từng triền dốc cao thấp mấp mô là những khóm hoa tú cầu, hoa mimosa, hoa penseé… đủ màu, làm không gian rợp sắc nước hương trời.
Cùng với cảnh đẹp, không gian nội cảnh hồ Than Thở cũng rất sống động. Thi thoảng, bên bờ hồ, trên những con đường quanh co trong rừng thông là những chiếc xe ngựa bên cạnh người xà ích làm du lịch nhiệt tình đưa khách đi tham quan. Dưới lòng hồ là những chiếc xe đạp nước chở từng đôi bạn nói cười rộn rã. Có thể nói, cùng với những câu chuyện tình dân gian được lưu truyền như chuyện của Hoàng Tùng và Mai Hương ở thế kỷ 18, chuyện đồi thông hai mộ… hợp cảnh hồ Than Thở có được những nét hài hòa đặc sắc nên nơi này ngày càng có nhiều du khách đến tham quan như một điểm hẹn hằng năm.
Đẹp, hay và hài hòa như thế nên khi du khách đến thưởng ngoạn và rời khu du lịch hồ Than Thở đều thuộc lòng hai câu thơ: Đà Lạt có thác Cam Ly/Có hồ Than Thở người đi sao đành.
Đào Tấn Trực
>> Hồ than thở" đã có người tử nạn
>> Người chân voi" về tới Đà Lạt
>> Đến châu Âu nhớ Đà Lạt
>> Đà Lạt dưới mắt họa sĩ Mexico
>> Thưởng lãm Festival Hoa Đà Lạt
Bình luận (0)