Như Thanh Niên đã thông tin, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh cử tri mong muốn sớm tăng lương từ 1.1.2023 và có đánh giá thấu đáo nguyên nhân tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghỉ việc đang lan rộng.
Sớm tăng lương cơ sở sẽ giúp tăng thu nhập của đội ngũ giáo viên |
Đ.N.T. |
Cho biết cử tri và người dân rất quan tâm phương án tăng lương được Chính phủ trình QH, theo ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu), mức lương cơ sở giữ nguyên từ tháng 7.2019 tới nay đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cán bộ công chức, người lao động.
Theo ông Thái, để tăng lương thì gánh nặng ngân sách rất lớn, ước tính lần tăng lương cơ sở tới đây lên 1,8 triệu đồng, mức tăng 20,8%, thì ngân sách phải chi thêm 44.000 tỉ đồng, song đây là việc “thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng chịu được của ngân sách”.
“Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, cũng như bù đắp trượt giá thị trường dưới sự eo hẹp của đồng lương bấy lâu nay, rất nhiều cử tri kiến nghị QH và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, ngay từ 1.1.2023 thay vì 1.7.2023. Chắc chắn đây là món quà vô cùng ý nghĩa cho người làm công ăn lương đang gồng mình chống chọi trong 3 năm qua và nguồn sống bị bào mòn”, ĐB Thái đề xuất.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đề nghị sớm tăng lương cơ sở để người lao động có "niềm vui trọn vẹn" |
ĐB đoàn Bạc Liêu cũng cho rằng lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương, không phản ánh đúng sức lao động, không bù đắp được để họ toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Vì thế, ĐB đề nghị trong trường hợp năm 2023 tăng trưởng vĩ mô ổn định, sớm thực hiện luôn đề án cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã rục rịch tăng. Nói như ĐB Thái, lương luôn bị rớt lại sau cuộc đua, giá thực phẩm tăng, phí đại học tăng... dồn vào gánh nặng trên vai người lao động, chen chân vào chi phối bữa cơm hằng ngày của họ. Do đó tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương chỉ thành công khi Chính phủ thực hiện đồng bộ với các giải pháp thị trường.
Tăng lương là việc cấp bách
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ mong muốn được tăng lương từ ngày 1.1.2023. BĐ Mai Nguyễn cho biết: “Việc cấp bách để giải quyết làn sóng bỏ việc của nhiều công chức, viên chức, người lao động khối nhà nước là nâng lương để cải thiện đời sống. Nếu kéo dài đến tháng 7.2023 nghĩa là 4 năm liền người làm công ăn lương nhà nước phải chịu nhiều thiệt thòi”.
Là một giáo viên mầm non, BĐ Quyen Pham Le chia sẻ: “Mình cũng mong tăng lương từ 1.1.2023 luôn. Mình là giáo viên mầm non, làm 15 năm mới được thu nhập 7 triệu, 1 tháng chỉ được nghỉ 4 chủ nhật. Thật sự đôi khi muốn bỏ nghề lắm, áp lực công việc cao, lương thấp”.
BĐ Dũng Dương Trí cho biết: “Tôi làm công nhân, hiện tại lương cơ bản tháng chỉ 6 triệu, có tăng ca thì được 8 triệu. Tiền nhà cộng tiền sinh hoạt hết 5 triệu. Nếu tháng nào mà không có tăng ca thì vừa đủ luôn, có khi còn thiếu hụt. Thật sự đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn”.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Văn Hương cho biết: “Nếu được QH chốt tăng lương cơ sở từ tháng 1.2023 thì công chức, viên chức rất phấn khởi. Vì thời gian tăng lương là lúc Tết Quý Mão gần đến, sẽ có thêm một khoản tiền mặc dù không nhiều lắm nhưng cũng đỡ phần nào để lo cho gia đình một cái tết đầm ấm hơn”.
Nghị trường nóng hổi chuyện ‘cán bộ đi lững thững’ và nỗi lo ‘giá chạy trước lương’ |
Tăng lương đi kèm kiềm chế tăng giá
Đó là ý kiến của nhiều BĐ, vì nếu tăng lương mà giá cả tăng thì người lao động sẽ gặp khó khăn. BĐ Tam Nguyen cho biết: “Để niềm vui của người lao động sau tăng lương được trọn vẹn hơn, rất mong Chính phủ và các bộ ngành có nhiều giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, kiềm chế giá cả... Lúc giá xăng tăng, giá cả đã có cớ để tăng, nhưng khi giá xăng giảm, giá cả không chịu xuống. Chỉ lo khi tăng lương, giá cả lại tăng lên…”.
BĐ Nguyễn Hoàng Vũ cũng cho biết: “Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến của nhiều ĐBQH: Bên cạnh việc tăng lương, phải có chính sách kiềm chế lạm phát”.
BĐ nguyendao050373 bày tỏ lo lắng: “Lương tăng nhưng nếu không kiềm chế được giá cả thực phẩm và mọi thứ lại tăng không kiểm soát, thì cuối cùng lương tăng vẫn không đủ để chi phí sinh hoạt cho người công nhân”.
* Không tăng lương gần tết giá cả vẫn tăng theo lệ “tết mà”. Vì vậy tăng lương vào 1.1.2023 người lao động đỡ vất vả hơn khi mua sắm tết. Bộ Tài chính có dám chắc tăng lương vào 1.7.2023 giá cả sẽ không tăng theo lương không?
Đoàn Hòa
* Mong là tăng lương càng sớm càng tốt. Khó khăn thì cũng khó khăn rồi. Việc hôm nay chớ để ngày mai.
Ngobatrang58
* Nếu được nên tăng lương hưu cho những người lãnh dưới 3 triệu/tháng.
N.V.H
Bình luận (0)