Cùng Thanh Niên lắng nghe những mong mỏi, kỳ vọng, gửi gắm sau gần 5 năm đổi mới và trước những cơ hội, thách thức mới của ngành giáo dục.
ĐỔI MỚI CỦA THẦY CÔ ĐẾN ĐÂU, ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH ĐƯỢC ĐẾN ĐÓ
Ngành GD-ĐT đang triển khai công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, chưa từng có đối với tất cả cấp học từ mầm non tới ĐH, trong đó đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định.
Bộ GD-ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của GD-ĐT. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc để nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và chất.
Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức và kỹ năng mới tiến bộ hơn, triển khai thành công công việc dạy học. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Bởi thế, sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, thì sự đổi mới của ngành giáo dục đạt được đến đó.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
GIÁO DỤC ĐANG Ở THỜI ĐẠI MỌI KHOẢNG CÁCH ĐƯỢC THU HẸP
Người ta lo VN làm gì để đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu? Người ta lo việc tích hợp các công nghệ tiên tiến trong giáo dục với duy trì phương pháp học tập mang tính nhân văn và cá nhân hóa? Người ta lo làm thế nào để cân bằng giữa việc khai thác lợi ích của AI và đảm bảo phát triển các kỹ năng thiết yếu mà AI không thể thay thế? Người ta lo làm sao để tất cả học sinh đều có quyền tiếp cận bình đẳng các tài nguyên và cơ hội số? Người ta lo làm thế nào để khuyến khích và coi trọng việc học tập liên tục suốt đời? Giáo dục VN đang có nhiều thách thức.
Chúng ta không quá lo lắng vì VN có nhiều cơ hội: Chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0, mọi khoảng cách được thu hẹp, mọi biên giới trong khoa học và công nghệ được phá bỏ. Kinh tế toàn cầu hóa. Khoa học toàn cầu hóa. Giáo dục toàn cầu hóa. Người trẻ VN dễ dàng đi đến bất cứ nước nào để học tập. Có thể mời các nhà khoa học, các giáo sư giỏi đến VN giảng dạy. Các trường quốc tế, từ phổ thông đến ĐH, có thể mở ở VN. Người trẻ VN, gen Z, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh lịch sử đặt lên vai.
Một thế hệ rất năng động, dám làm và dám chịu, biết chấp nhận thất bại để đi đến thành công. Họ là công dân toàn cầu. Họ là thế hệ gánh vác trọng trách của đất nước trong 30 - 50 năm tới. Họ định vị được bản thân: biết làm gì và làm như thế nào? Tôi hoàn toàn tin tưởng vào người trẻ VN.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Chủ tịch Trường Marie Curie, Hà Nội)
MONG TRƯỜNG VÙNG KHÓ CÓ ĐỦ GIÁO VIÊN
Hiện nay H.Mù Cang Chải của chúng tôi chỉ có một trường tiểu học có GV dạy tiếng Anh trong khi quy định của Bộ GD-ĐT thì học sinh các lớp 3, 4, 5 sẽ phải học tối thiểu 4 tiết tiếng Anh/tuần. Hai năm học vừa qua chúng tôi đều phải trông chờ vào sự hỗ trợ, điều động của UBND tỉnh biệt phái GV ở TP lên đây để dạy tiếng Anh cho học sinh khối 3 và 4. Từ tháng 9.2024 thì sẽ thêm khối 5 cũng sẽ học tiếng Anh bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Như vậy, chúng tôi sẽ cần tới 2 - 3 GV tiếng Anh trong khi nguồn tuyển hiện nay là chưa nhìn thấy ở đâu.
Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ, hy sinh từ GV biệt phái trong tỉnh, các sở GD-ĐT tỉnh bạn, các tổ chức cũng dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho học sinh nhưng về lâu dài, để chủ động và đảm bảo chất lượng tốt nhất cho môn học này thì mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có thể tuyển dụng được GV. Do vậy, điều lý tưởng nhất là địa phương có thể đặt hàng đào tạo GV với các trường sư phạm, hỗ trợ kinh phí ăn học để sau một thời gian nhất định, các trường học còn "trắng" GV ngoại ngữ như ở Mù Cang Chải có nguồn tuyển. Hiện nay, năm nào chúng tôi cũng thông báo tuyển dụng nhưng không có người ứng tuyển.
Nhà giáo Phạm Thị Minh Hằng (Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang, H.Mù Cang Chải, Yên Bái)
CẦN TƯ DUY HỆ THỐNG TRONG VẬN HÀNH TRƯỜNG HỌC
Trong quá trình tự điều chỉnh để tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, GV gặp rất nhiều khó khăn. Họ có áp lực từ cuộc sống khi điều kiện làm việc, thu nhập… thiếu thốn, chưa giúp họ an tâm cho chuyên môn. Mặt khác, ở mỗi trường học có nhiều cản trở từ thực tế vận hành. Chưa tính đến những yếu tố về cơ sở vật chất, tài chính, môi trường thì chính yếu tố con người cũng tạo ra không ít rào cản. Bởi một số nhà quản lý giáo dục, một số vị trí việc làm, người lao động trong ngành giáo dục vẫn chưa có nhận thức đúng, đồng đều, chưa sẵn sàng tâm thế cho sự đồng lòng thay đổi.
Ví dụ, về kỹ năng số, dù GV được đào tạo cơ bản, nhưng họ không có thói quen sử dụng thường xuyên, không có hạ tầng, dữ liệu và yêu cầu bắt buộc để thực thi một cách hệ thống. Do đó, phần lớn GV chưa thể làm chủ việc dạy học, đánh giá người học trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, bối cảnh ngày nay cần thực hiện các nội dung công việc một cách tích hợp, đồng bộ. Nếu làm rời rạc, sẽ dẫn đến quá tải công việc của GV và không giải quyết được đúng vấn đề, làm hiểu sai bản chất.
Từ nghiên cứu và thực tiễn triển khai ở một số địa phương, nhà trường, chúng tôi nhận thấy cần tư duy hệ thống và điều chỉnh mô hình vận hành trường học, cơ cấu lại các mảng công việc, bộ máy trong nhà trường. Nhất thiết phải có nền tảng công nghệ tích hợp các dữ liệu cho dạy, học; đánh giá thường xuyên và coi công nghệ là phần tất yếu tham gia vào mọi khâu của quá trình giáo dục.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN)
QUAN NIỆM VỀ MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA "CHUẨN" KHÔNG CÒN PHÙ HỢP
Việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bắt đầu từ đổi mới mục tiêu giáo dục, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Để đạt được mục tiêu đó, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa chỉ là bước khởi đầu. Nếu các yếu tố còn lại của hệ thống như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cách thức quản lý, vận hành hệ thống; điều kiện làm việc, chất lượng của đội ngũ giáo viên (GV); quan niệm của phụ huynh và rộng hơn là của xã hội về giáo dục… không kịp thay đổi thì những đổi mới về chương trình và sách giáo khoa sẽ có nguy cơ "trật đường ray".
Giáo dục thường gắn với trải nghiệm quá khứ của số đông, nên đổi mới cách nghĩ, cách làm trong giáo dục là rất khó khăn. Nhiều người quen với hệ thống giáo dục "một chương trình, một sách giáo khoa" nên thường yêu cầu có một bộ sách giáo khoa "chuẩn", thậm chí là duy nhất. Xin nói rằng quan điểm này không còn phù hợp với giáo dục ngày nay. Nó dẫn đến nguy cơ về một nền giáo dục "đồng phục", xơ cứng, có tác hại đối với việc giáo dục, đào tạo nên những con người sáng tạo trong thời đại mới.
PGS Bùi Mạnh Hùng (nguyên điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018)
CẦN THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN VIỆC HỌC - THI
Ở các cơ sở giáo dục hiện nay chúng ta đang thực hiện một cuộc cách mạng mà thời điểm này đang là lúc chuyển giao, giao thời của sách giáo khoa 2006.
Chúng tôi thường nói vui với nhau, đứng trước cuộc đổi mới, nếu có thiện chí thì khó mấy cũng có thể làm được. Còn không có thiện chí sẽ tìm lý do. Nếu cuộc cách mạng mà đòi hỏi việc tiến hành sẽ dễ dàng thì khó có cuộc cách mạng triệt để. Nếu ở đâu đó có những GV, nhà trường chỉ làm cho đúng nhiệm vụ của mình thì kết quả sẽ rất hạn chế. Nhiều thầy cô lâu nay đã quen đi theo lối mòn về tư duy, tư liệu, phương pháp giảng dạy.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần thời gian để GV hiểu được sứ mệnh của mình trong quá trình đổi mới. Chính tư duy nhìn vào giáo dục là nghĩ đến thi cử tạo ra tầm nhìn hạn hẹp. Chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận đối với việc học. Tư duy thi gì học nấy tạo ra áp lực cho thầy cô ngay từ lớp học đầu cấp là đào tạo học sinh như những vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đấu trí trong tương lai. Tập trung vào đánh giá năng lực học sinh sau khi kết thúc một cấp học và sẽ căn cứ vào năng lực đó để chọn ra hướng đi phù hợp đó mới là quan trọng.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội)
MONG TIẾT HỌC THÚ VỊ, KHƠI GỢI ĐƯỢC SỰ TÒ MÒ THÍCH THÚ
GV ngày nay dù đã đầu tư rất nhiều vào năng lực chuyên môn và trình độ nhưng mà có lẽ những kiến thức ấy đối với chúng em còn hơi khô khan và có lẽ chưa tạo được sự hứng thú và thu hút học sinh dẫu những bài học đều rất hay. Chúng em mong muốn một cách truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn là những từ ngữ chuyên môn cao. Mong muốn một tiết học thú vị, khơi gợi được sự tò mò thích thú và sự hợp tác của học sinh hơn là những tiết học quá khô khan và áp lực.
Em mong muốn thầy cô nên mở lòng tạo sự gần gũi, tình cảm với học sinh nhiều hơn, tạo ra được sợi dây liên kết giữa học trò và GV, có sự gắn kết hơn, từ đó chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao hơn và tình cảm giữa GV và học sinh cũng gắn bó hơn.
Lương Thị Hà Vi (lớp 10 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Bình luận (0)