Chương cho biết Tiến và Chương cùng học tại lớp 12A7 Trường THPT Hùng Vương (TT.Buôn Trấp, H.Krông Ana, Đắk Lắk). Tiến là lớp phó học tập. Ở lớp, Tiến và Chương luôn giữ vị trí nhất, nhì trong lớp; họ rất thân và hiểu hoàn cảnh của nhau. “Nhà bạn ấy nghèo lắm, nhưng lúc nào bạn ấy cũng nỗ lực học tập”, Chương nói.
Mẹ Tiến là chị Nguyễn Thị Cúc (trú tại đội 4, thôn 10/3 xã EA Bông, H.Krông Ana, Đắk Lắk), làm công nhân ở lò gạch. Hai mẹ con sống ở lò gạch hơn chục năm. “Cách đây vài ba năm, mẹ được người thân cho mượn khoảnh đất chừng vài chục mét vuông, rồi vay mượn của bà con để dựng căn nhà nhỏ, tới giờ vẫn chưa trả xong nợ. Nên ngay cuối năm học lớp 12, mẹ nói muốn cho em đi học, nhưng không có điều kiện chu cấp”, Tiến rơm rớm nước mắt kể.
tin liên quan
'Thôi, có 4.000 đồng em cũng không giàu được' - Kỳ 1: Xúc động sống đẹpCâu chuyện về chàng sinh viên chạy xe ôm mang một chiếc ba lô đã rách gần hết với câu nói: “Có 4.000 đồng em cũng không giàu thêm được” đã được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ chia sẻ chóng mặt những ngày qua, lan tỏa thông điệp sống đẹp trong thời đại “chạy theo đồng tiền” hiện nay.
Kỳ nghỉ hè nào Tiến cũng tranh thủ ra lò gạch để phụ mẹ làm thêm, kiếm tiền mua dụng cụ học tập, quần áo cho năm học kế tiếp. Hè vừa rồi, Chương đến thăm chơi thấy bạn đang khiêng vác cả xe gạch giữa trưa nắng mà thương. Nghĩ rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống khổ cực, Chương ra sức động viên Tiến học tiếp, và chính Chương mang toàn bộ hồ sơ của Tiến xuống Đà Nẵng nộp để xét tuyển vào Trường CĐ Công nghệ. Đậu vào trường CĐ dù số điểm xét học bạ dư đậu vào bậc ĐH, Tiến "tiết lộ" lý do là muốn học trong quãng thời gian ít hơn vì sợ không gánh nổi chi phí.
Ngoài số tiền làm thêm từ kỳ nghỉ hè và vài trăm ngàn đồng do bạn bè dúi cho, Tiến và Chương lần dò xuống Đà Nẵng với hy vọng tìm được việc làm thêm để trang trải học phí. “Ngày tụi em xuống Đà Nẵng, ba em có cho bao gạo và tiền thuê nhà, nói là thời gian đầu sẽ lo cho Tiến ăn ở cùng em. Nhưng về lâu dài phải đi làm thêm kiếm tiền vì gia cảnh nhà em cũng không khá giả”, Chương kể.
“Em không muốn bạn ấy bỏ học, tương lai mịt mù, vì bạn ấy là người rất nỗ lực trong học tập. Em mong mọi người giúp đỡ bạn ấy”, Chương mong mỏi.
Cộng tác viên của Báo Thanh Niên tại H.Krông Ana (Đắk Lắk) đã xác minh hoàn cảnh của mẹ con Tiến vô cùng khó khăn. Căn nhà 2 mẹ con nói là nhà mới xây, nhưng trống hoác và tuềnh toàng. Chị Cúc khi nhắc về con chỉ biết khóc...
tin liên quan
Cô học trò nhỏ phải nghỉ học vì bệnh hiểm nghèo và ước mơ làm bác sĩ'Trâm ham học lắm. Từ khi vợ chồng tôi quyết định cho con nghỉ học, nó khóc, nhưng đành phải chịu', anh Võ Phước Hậu – cha em Võ Ngọc Thùy Trâm (lớp 8/3 Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, huyện Nhà Bè, TP.HCM) nói.
Thầy Lê Văn Tú, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 năm học 2016 - 2017 tại Trường THPT Hùng Vương (TT.Buôn Trấp), chia sẻ: "Cả Chương và Tiến đều là trò giỏi, ngoan của lớp. Riêng hoàn cảnh của Tiến thì đặc biệt khó khăn, để đi học thì thực sự hoàn toàn không có điều kiện, bản thân em phải tự nỗ lực. Hy vọng Tiến nhận được sự giúp đỡ, để ước mơ tiếp tục đi học của em không bị gián đoạn".
Bình luận (0)