Lăng kính bạn đọc:

Mong sớm có quy định về mua bán điện trực tiếp không giới hạn

M.Giao
M.Giao
19/05/2024 06:03 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ việc cần có thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn giữa người mua và người bán, và mong rằng điều này sớm trở thành hiện thực.

Như Thanh Niên đã thông tin, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải…

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Theo EVN, có thể tạo thị trường mua bán điện mặt trời trực tiếp không giới hạn người bán và người mua

Gia Hân

Ủng hộ quan điểm này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc tách bạch công tác quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, truyền tải, phân phối điện... "Nhà nước chỉ nắm giữ, đầu tư những lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn lại các doanh nghiệp (DN) được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt DN nhà nước hay tư nhân", Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu mua bán điện trực tiếp sử dụng lưới điện quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.

Cho mua bán điện mặt trời (ĐMT) không giới hạn là quan điểm mới trong quá trình xây dựng dự thảo về cơ chế DPPA. Chuyên gia năng lượng, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế VN, hoan nghênh tư duy mới trong làm chính sách về ĐMT của Bộ Công thương và EVN. Thực tế, các chuyên gia, DN, người dân góp ý rất nhiều liên quan việc mua bán ĐMT trực tiếp và các nhà làm chính sách đã có sự thay đổi quan điểm và cầu thị rất đáng ghi nhận. Trong thực tế, việc mua bán ĐMT đã có từ năm 2017 qua hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư ĐMT và EVN. Người dân và DN chỉ mua điện qua EVN. Nay cũng theo cách làm đó nhưng là mua bán trực tiếp giữa nhà làm ĐMT với người dân, DN.

Có thêm nguồn cung điện, rất cần thiết !

"Đọc bài viết Sẽ có thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn (đăng trên Thanh Niên ngày 16.5.2024) mà thấy phấn khởi quá. Như vậy là không còn phải lo chuyện không có người mua ĐMT, hoặc phải bán ĐMT với giá 0 đồng rồi! Rất mong điều này sớm trở thành hiện thực, để những người dân đầu tư ĐMT không còn phải lo lắng nhiều nữa", bạn đọc (BĐ) Tiến Minh bày tỏ.

Cùng quan điểm, BĐ Mtrangg7773 cho rằng: "Đây là bước ngoặt quan trọng, cần thiết nhất. Còn việc trong quá trình tổ chức thực hiện sao cho mang lại hiệu quả cao, sẽ còn nhiều khó khăn vướng mắc... Những điều này sẽ được giải quyết trong quá trình tổ chức thực hiện". BĐ Nguyễn Mạnh cũng cho biết: "Nếu mà tự sản, tự tiêu thì không ai đi bỏ ra mấy trăm triệu đồng đầu tư trên mái nhà để hằng tháng được giảm mấy trăm ngàn tiền điện. Chỉ có nhà nào thừa tiền, làm cho vui mắt thì OK!".

"Trong bối cảnh nguồn cung điện đang khó khăn, việc tạo thêm nguồn ĐMT cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu là hết sức cần thiết và rất cần được tạo điều kiện để hai bên mua - bán điện gặp nhau. Hơn nữa, việc mua bán điện không thông qua EVN, theo EVN, sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải; đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các DN tư nhân ngoài ngành điện... Như vậy, theo tôi, việc mua bán điện trực tiếp không giới hạn giữa người mua và người bán có lợi cho nhiều bên, nhiều người", BĐ Hoang Long Le nhận định.

Cần làm ngay và luôn

Theo Bộ Công thương, việc xây dựng và ban hành cơ chế DPPA sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; thu hút đầu tư và phát triển bền vững năng lượng tái tạo; hướng đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại VN. Nếu được ban hành, nghị định sẽ có hiệu lực ngay lập tức, không chờ thông tư hướng dẫn.

Nhiều BĐ đồng tình với việc cần sớm có nghị định quy định cơ chế DPPA, và có hiệu lực ngay, trong tình hình nguồn cung điện đang có khó khăn. BĐ Boi Toan viết: "Các bên tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải… Như thế là đã rõ, EVN sẽ không có gì phải ngại".

Cùng ý kiến, BĐ Khắc Hiếu Nguyễn cũng cho rằng: "Hệ thống chỉ khó vận hành đối với công suất lớn. ĐMT mái nhà người dân lắp đặt, dùng không hết thì tải sang nhà kế bên dùng, đỡ phải tổn thất điện năng từ xa đến. Hệ thống điện sẽ bớt quá tải trong việc truyền tải nếu cho phép ĐMT mái nhà công suất nhỏ được lắp đặt. Việc mua bán điện này, đôi bên đều có lợi".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn. BĐ Nam Phong thắc mắc: "Khi phát sinh mua bán bạn phải có giấy phép kinh doanh và một số giấy phép khác. Vậy sẽ làm như thế nào? Còn nếu hòa lưới điện thì sẽ được miễn nhiều thủ tục".

Trong khi đó, BĐ Henry Le kể: "Ở Hawaii (Mỹ), người dân gắn ĐMT sẽ có đồng hồ 2 chiều. Họ được phát lên lưới điện quốc gia ban ngày và buổi tối họ được mua lại. Trường hợp họ phát nhiều hơn mua thì vẫn không được tính, coi như cho không. Ngoài ra, người dân còn phải đóng một khoản phí nhỏ dịch vụ cho sở điện lực. Nên người dân phải tính gắn tấm pin năng lượng vừa đủ xài thôi".

Ủng hộ quan điểm này nhé! Nên giảm nhiệt điện và tăng ĐMT là OK!

Trung Thanh

Cả thế giới người ta phát triển ĐMT ầm ầm, sao mình lại ngại? Phải có giải pháp khắc phục chứ. Chẳng lẽ đốt than, đốt dầu để tạo điện hoài?

Khoi Nguyen Tuan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.