Như Thanh Niên đã đưa tin, do số F0 cách ly tại nhà, cách ly tập trung có xu hướng gia tăng, với trên 63.000 ca tính đến ngày 22.11 (cộng dồn), TP.HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ Y tế cấp 100.000 liều thuốc, nhưng Bộ chỉ cấp thêm được 5.000 liều. Điều này như “muối bỏ bể”, vì mỗi ngày TP.HCM có trên 1.000 F0 mới cách ly tại nhà. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang chờ Bộ Y tế cấp thêm. Mới đây, phản ánh đến Báo Thanh Niên, một số F0 trên địa bàn TP.HCM báo trạm y tế địa phương cho biết không có thuốc Molnupiravir để cấp.
Thuốc Molnupiravir cho F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM |
DUY TÍNH |
Theo Bộ Y tế, để đảm bảo lâu dài, chủ động nguồn thuốc điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 nhẹ, điều trị sớm, giảm nguy cơ tăng nặng, bộ này đã cấp 78 đơn hàng nguyên liệu Molnupiravir cho 34 công ty, 55 đơn hàng nguyên liệu Favipiravir cho 26 công ty để phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất thuốc.
Về nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, theo Bộ Y tế, đã có 2 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng là NanoCovax của Công ty Nanogen và Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Trong đó, một ứng viên vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là NanoCovax và một ứng viên vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vắc xin Covivac. Dự kiến, quy mô sản xuất của IVAC khoảng 6 triệu liều/năm, Nanogen 20 - 30 triệu liều/năm, các đơn vị này có thể nâng công suất khi được đầu tư.
Về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán với nhà sản xuất của Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do Vingroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1/2022.
Đang rất cần thuốc
“Người quen của tôi là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, anh cho biết đã báo y tế địa phương nhưng không có thuốc Molnupiravir để cấp. Cả nhà lo lắng lắm. Rất mong Bộ Y tế tăng cường nhập khẩu thuốc, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh việc sản xuất thuốc trị Covid-19 ở VN, để mọi F0 đều có thuốc điều trị, để phòng chống dịch tốt nhất”, bạn đọc (BĐ) Hữu Tiến bày tỏ mong muốn.
Trước tình trạng khan hiếm thuốc điều trị Covid-19, BĐ Lân Kỳ đề nghị “cho bán thuốc Molnupiravir đại trà như các loại thuốc cảm cúm khác để người dân có thể mua được dễ dàng khi chẳng may bị nhiễm Covid-19, để bớt áp lực cho y tế công”. Đáp lại, BĐ Ngọc Thông cho rằng: “Tôi nghĩ không được đâu bạn, thuốc này phải theo chỉ định điều trị, có sự kiểm soát và không dùng để điều trị dự phòng... Rất mong là có thuốc để nhiều người được tiếp cận khi có bệnh”.
Bộ Y tế nên giải quyết các thủ tục nhanh nhất có thể, để thuốc được sản xuất trong nước hay nhập khẩu thuốc nhanh nhất, để giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là ở TP.HCM.
Huy
Làm sao để khoảng đầu quý 1/2022 có thể sản xuất các loại vắc xin của VN nghiên cứu, vắc xin được sản xuất theo giấy phép nước ngoài (chuyển giao công nghệ) và thuốc điều trị Favipiravir, Molnupiravir... ngay tại trong nước mới chủ động đáp ứng đủ được.
Nguyen Hung
Bao giờ có thuốc điều trị, có vắc xin Covid-19 của VN?
Rất nhiều BĐ đã nêu câu hỏi như trên, và mong muốn sớm có thuốc, vắc xin Covid-19 của VN. BĐ Hiền viết: “Hồi tháng 8, tháng 9.2021 có rất nhiều thông tin về vắc xin NanoCovax của VN, ai nghe cũng mừng lắm, cứ nghĩ tháng 10, tháng 11 năm nay là có rồi. Vậy mà đến giờ, cuối tháng 11, vẫn chưa thấy, cũng không nghe tiếp thông tin gì. Không biết có trục trặc gì không? Bao giờ thì có vắc xin Covid-19 của VN? Gấp lắm rồi!”. BĐ N.P.Long cho rằng: “Từ kế hoạch đến thực tế chắc là còn xa vời lắm…”. Còn BĐ Nguyễn Hùng thì thắc mắc: “Vắc xin, thuốc Molnupiravir chính thức bao giờ trong nước sản xuất được để dân được dùng đại trà?”.
Nóng lòng không kém, BĐ Anh Kiệt bày tỏ: “Việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19, cũng như vắc xin Covid-19 trong nước có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn làm tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho mọi người trong việc đẩy lùi dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh; giúp VN chủ động hơn nữa trong việc mở cửa, khôi phục kinh tế... Mong Bộ Y tế, các doanh nghiệp, các nhà khoa học... chung tay đẩy nhanh việc sản xuất thuốc, vắc xin”.
Bình luận (0)