Lăng kính bạn đọc:

Mong sớm làm rõ thông tin giá sách giáo khoa cao gây bức xúc dư luận

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
03/07/2023 06:27 GMT+7

Nhiều bạn đọc rất ủng hộ việc Bộ Công an mở rộng điều tra, làm rõ thông tin giá sách giáo khoa cao gây bức xúc dư luận, và mong sớm có thông tin đến người dân cả nước.


Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 30.6, tại cuộc họp báo để thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03), Bộ Công an, cho biết nhiều năm qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều và bức xúc liên quan đến việc sách giáo khoa (SGK) giả, phát hành sách và giá sách. Bộ Công an đã chủ động giao C03 vào cuộc điều tra, xử lý.

Mong sớm làm rõ thông tin giá sách giáo khoa cao gây bức xúc dư luận  - Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc mong muốn sách giáo khoa không phải là gánh nặng cho phụ huynh, nhất là ở những nơi khó khăn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo thiếu tướng Thành, ngoài việc xử lý việc in SGK lậu, C03 đã điều tra về giá thành và các lợi ích nhóm như vi phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục VN (NXB GDVN).

Thiếu tướng Thành cho biết tháng 2 vừa qua, C03 đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại NXB GDVN. Đồng thời khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc NXB GDVN, về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo thiếu tướng Thành, sau khi khởi tố vụ án, Bộ Công an nhận được kết luận thanh tra của Chính phủ. Việc đấu tranh và xử lý sai phạm có tổ chức xảy ra tại NXB GDVN, Bộ Công an đã chủ động từ trước.

"Chúng tôi đã khởi tố sai phạm liên quan khâu phát hành cũng như giá thành, đồng thời đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ sai phạm, trong đó tập trung chính là làm rõ phản ánh của dư luận về giá SGK hiện nay cao so với khả năng chi trả của người dân, sau đó sẽ có câu trả lời", thiếu tướng Thành nói.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết quả thanh tra về SGK. Theo TTCP, từ năm 2014 - 8.2019, 73/193 cuốn SGK học sinh (HS) có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán được tổng hơn 303 triệu bản. Bước đầu xác định, 65% SGK có các trang sách HS có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình HS và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng…

Lãng phí 2.374 tỉ đồng, không thể chấp nhận được!

Có thể nói, SGK có liên quan đến mọi nhà, nên rất nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ việc Bộ Công an mở rộng điều tra, làm rõ thông tin giá SGK cao gây bức xúc dư luận. BĐ Vantran.trv bày tỏ: "Ủng hộ điều tra việc này! Người dân đã phản ánh và bức xúc với giá SGK cao từ rất lâu rồi. Kể cả việc không thể tái sử dụng SGK mà chỉ dùng 1 lần, gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng…".

Đồng ý kiến, BĐ Viết Hưng Nguyễn than: "Ngày xưa một bộ SGK hai anh em có thể dùng chung. Còn bây giờ anh dùng xong thì bỏ, đến khi nào em đi học thì lại phải mua một bộ mới. Quá tốn kém!".

"Năm nào cũng vậy, cứ họp phụ huynh cuối năm là thầy cô đề nghị thu luôn tiền mua bộ SGK năm học mới cho các cháu. Có kẹt tiền gì thì cũng phải chuẩn bị sẵn để đóng, cho yên tâm, nếu không thì phải tự đi mua SGK. Mà tự đi mua thì ra nhà sách thấy rối cả lên, chẳng nhớ bộ nào, thêm bớt cuốn nào… Rồi hè con nghỉ thì mình phải tăng tốc "chạy", từ tiền quần áo, giày dép, học phí, đến tiền học thêm, quỹ lớp, quỹ trường… đủ thứ phải lo cho năm học mới. Xin đừng để SGK trở thành gánh nặng cho người nghèo, vì giá cao. Xin đừng lãng phí SGK, học xong thì người khác không sử dụng được. Đọc thấy con số lãng phí "tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng" mà đau lòng, không thể chấp nhận được", BĐ Anh Kiet chia sẻ.

Cùng chia sẻ, BĐ Trâm cho biết thêm: "Phụ huynh lại gồng mình lên gánh vác rồi, buồn ghê... Nhà 2 con đi học, mà thu nhập không nhiều, không biết làm thế nào luôn?".

Để sách giáo khoa đến với mọi nhà

Để đưa SGK đến với mọi HS, BĐ Ly Nguyen cho rằng: "Cần nghiêm túc xem xét lại giá SGK, phải làm sao để giá SGK không phải là gánh nặng cho gia đình có người đi học… Bên cạnh đó, ở những nơi thích hợp, nên tổ chức việc cho HS mượn SGK, hoặc phát hành SGK điện tử… để SGK đến được với mọi HS, mọi nhà". BĐ Ngoc Giau Lam cho rằng: "Cần làm SGK điện tử ngay hôm nay. Và niên khóa vào tháng 9 tới cho sử dụng SGK điện tử… Chỉ có tốn kém 1 lần duy nhất thôi. Như vậy mới là tiết kiệm". Tuy nhiên, BĐ Quốc Đạt lại không đồng tình, cho rằng: "Chi phí để mua laptop hoặc máy tính bảng (để đọc sách điện tử) cho mỗi HS sẽ là bao nhiêu, sao không tính đến? Xin thưa là một máy tính bảng mới loại thường cũng 4 triệu đồng, bằng 15 lần giá tiền một bộ SGK, các gia đình khó khăn có kham nổi không?".

Trong khi đó, BĐ Phúc-Hoài Phương nhắc đến chuyện lãng phí từ những bộ dụng cụ thực hành: "Chúng ta cứ nói về SGK mà lại bỏ quên bộ dụng cụ thực hành, giá một bộ là trên dưới 200.000 đồng nhưng một năm chỉ dùng vài lần rồi xếp xó. Giá rất chát và không hữu dụng, rất lãng phí nếu tính cho cả nước, nhiều cấp bậc lớp học. Đề nghị thanh tra cả giá và tính thực dụng của các bộ dụng cụ thực hành này".

* Giá SGK cao quá chỉ tội cho phụ huynh nghèo như chúng tôi.

Đỗ Ngọc Minh

* Ngoài SGK thì phải mua các sách bài tập, tham khảo. Ủng hộ Bộ Công an điều tra mở rộng cho rõ ràng luôn.

Anh Đoan

* Nên chuẩn hóa kích thước sách vở. Hiện tại cuốn to, cuốn nhỏ, muốn bọc cũng phải mua bao nhiêu loại bìa nhưng mỗi loại bìa chỉ dùng cho 1 - 2 quyển, tốn kém quá. Khi cần sắp xếp lên giá hoặc vào cặp thì không gọn gàng, ngăn nắp được. Như vậy lãng phí cả thời gian và không gian để sắp xếp.

Xuan Huu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.