Trong một số trường hợp, móng tay sẽ xuất hiện các vết hằn. Tùy thuộc vào tình trạng của vết hằn trên móng mà người mắc có thể phải đến bác sĩ kiểm tra ngay, theo Reader’s Digest.
1. Vết hằn dọc
Vết hằn chạy dọc từ chân móng đến đầu móng xảy ra khá phổ biến, xuất hiện trên khoảng 20% người trưởng thành. Trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là dấu hiệu của sự lão hóa, các chuyên gia cho biết.
Móng tay được cấu tạo chủ yếu từ loại protein có tên là keratin. Keratin cũng cấu thành tóc và lớp ngoài của da. Khi chúng ta già đi thì da, tóc sẽ khô hơn và móng cũng bắt đầu xuất hiện các vết hằn dọc.
Tuy nhiên, nếu các vết hằn dọc này kèm theo các triệu chứng như móng bị bong tróc thành từng lớp, thay đổi màu sắc thì cần phải tìm đến bác sĩ kiểm tra. Trong một số trường hợp, những biểu hiện trên là triệu chứng của thiếu máu, viêm khớp dạng thấp hoặc vấn đề về tim mạch.
Ngoài ra, một vết hằn duy nhất chạy dọc ở giữa móng có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số dưỡng chất như protein hay a xít folic, theo Reader’s Digest.
|
2. Vết hằn ngang
Các vết hằn chạy ngang từ bên này qua bên kia của móng hiếm hơn vết hằn dọc. Đó có thể là dấu tích của vết thương cũ hoặc dấu hiệu cảnh báo bệnh.
Người mắc có thể đang bị bệnh ngoài da như chàm, vẩy nến hoặc viêm quanh móng. Khi đó, chúng ta cần kiểm tra da và đầu ngón tay xem có bị nổi mẩn đỏ không. Bác sĩ da liễu có thể điều trị các bệnh ngoài da này bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Tuy nhiên, vết hằn ngang cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tuyến giáp đang hoạt động quá mức hoặc đang suy yếu. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến các hoóc môn điều tiết sự phát triển của móng, da và tóc. Hệ quả là gây ra các vết hằn trên móng.
Nếu cùng lúc các móng trên cả 10 ngón tay và 10 ngón chân cùng xuất hiện các vết hằn ngang thì người mắc có nguy cơ đang viêm phổi, quai bị, giang mai, thậm chí là một số vấn đề về gan, thận, theo Reader’s Digest.
Bình luận (0)