Gặp 10 dấu hiệu này, nên đi khám thận ngay!

Thiên Lan
Thiên Lan
27/08/2020 00:12 GMT+7

Suy thận hiện đang có chiều hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây.

Đa số người bệnh thận nghĩ mình hoàn toàn khỏe mạnh, cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, mới nhận biết. Lúc đó, thận đã suy, phải chạy thận, thì ngỡ ngàng không biết mình bệnh từ lúc nào.
Sau đây, trang Bright Side mách bạn cách nhận biết mình chớm mắc bệnh thận, để giúp bạn phát hiện và chữa trị kịp thời, trước khi quá muộn.
Hãy chú ý bạn nhé! Nếu bạn có các dấu hiệu nào trong số này, hãy đi khám thận ngay.

1. Thay đổi khi tiểu tiện

Mỗi ngày, thận lọc khoảng 120 đến 150 lít máu để tạo ra khoảng 1 đến 2 lít nước tiểu.
Theo Bright Side, cần chú ý những thay đổi về tần suất, mùi, màu sắc và sự xuất hiện của nước tiểu, như:
• Đi tiểu nhiều lần
Đặc biệt là vào ban đêm. Đi từ 4 - 10 lần một ngày là bình thường, hơn mức này là nhiều.
• Tiểu ra máu
Khi thận không lọc được nữa, các tế bào máu có thể bắt đầu bị đào thải ra nước tiểu.
• Nước tiểu có bọt
Nước tiểu có bọt cho thấy có protein đào thải qua nước tiểu.

2. Tăng huyết áp

Huyết áp cao khiến các mạch máu bị hỏng, các bộ phận lọc máu của thận sẽ không nhận đủ ô xy và chất dinh dưỡng, gây suy thận. Cần kiểm soát huyết áp cao để tránh suy thận.

3. Bọng mắt

Dấu hiệu đầu tiên chỉ ra thận không còn lọc tốt là bọng mắt quanh vùng mắt. Bọng mắt là do thận đang rò rỉ lượng lớn protein vào nước tiểu thay vì giữ lại và phân phối khắp cơ thể, theo Bright Side.
Nếu mắt thường xuyên bị sưng, đặc biệt là vào buổi sáng, hãy lưu ý. Điều này có liên quan đến bệnh thận và tim.

4. Đau lưng

Suy thận có thể dẫn đến đau lưng, do bệnh thận đa nang gây ra. Có thể đau ở vùng sâu bên dưới xương sườn hoặc ở phía trước háng hoặc hông.
Đau lưng do suy thận kèm theo cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, sốt cao và đi tiểu thường xuyên.

5. Phù chân, tay

Thận không hoạt động bình thường sẽ không loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến việc giữ muối gây phù chân, tay. Bệnh tim, gan hoặc tĩnh mạch chân cũng gây phù chân.

6. Khó thở

Có hai nguyên nhân bệnh thận gây khó thở. Đầu tiên, chất lỏng thừa trong cơ thể di chuyển vào phổi khi thận hoạt động không bình thường. Thứ hai, thiếu máu làm cơ thể thiếu ô xy và dẫn đến khó thở, theo Bright Side.
Có nhiều lý do gây khó thở từ suy thận đến hen suyễn và ung thư phổi hoặc suy tim.

7. Hơi thở hôi và vị kim loại

Khi chất thải tích tụ trong máu, nó sẽ làm thay đổi mùi vị thức ăn và để lại vị kim loại trong miệng. Hôi miệng là một dấu hiệu có quá nhiều chất độc và ô nhiễm trong máu.

8. Da khô và ngứa

Có đến một nửa số người bị bệnh thận tiến triển và hầu hết tất cả những người bị suy thận đang chạy thận bị ngứa. Chức năng thận càng suy giảm thì ngứa càng nhiều.

9. Nhức đầu, mệt mỏi và suy nhược

Thận khỏe mạnh tạo ra hoóc môn erythropoietin - giúp thúc đẩy tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu - mang ô xy đi khắp cơ thể. Khi thận không hoạt động bình thường, chúng sẽ tạo ra ít hoóc môn này hơn. Sự suy giảm các tế bào hồng cầu dẫn đến sự mệt mỏi nhanh chóng của cơ và não.
Thiếu máu thường xảy ra khi chỉ còn 20 - 50% chức năng thận.

10. Khó ngủ

Khi thận không hoạt động bình thường, mức độ độc tố trong cơ thể tăng lên khiến khó chìm vào giấc ngủ. Đó là lý do tại sao suy giảm chức năng thận dẫn đến ngủ ít hơn, theo Bright Side.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.