Một công, đôi ba việc

25/10/2014 07:00 GMT+7

Sáng kiến của Trung Quốc được 20 quốc gia khác ủng hộ và họ đã cùng nhau ký ghi nhớ về thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).

>> Khởi động ngân hàng mới của châu Á

Trước sự kiện này, trên thế giới nói chung và cho châu Á nói riêng đã có một số thể chế tài chính và ngân hàng quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

 

Biếm hoạ Ngân hàng AIIB từ sáng kiến của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với những IMF, WB - Nguồn: NotQuant

Sự ra đời của AIIB vì thế có nguyên cớ ở thái độ không hài lòng của nhiều nước châu Á về chính sách và hiệu quả hoạt động của các thể chế tài chính quốc tế tồn tại lâu nay. Chẳng hạn như thủ tục tiếp cận nguồn tài chính của IMF, WB hay ADB rất rườm rà, các đối tác bị áp đặt điều kiện chính trị...  Cũng chính vì thế mà thành lập AIIB chẳng khác gì bỏ một công mà được đôi ba việc.

Ngân hàng này sẽ vừa bổ sung lại vừa cạnh tranh với những thể chế nói trên. Hợp tác là rất cần thiết đối với AIIB vì sẽ mang lại hiệu ứng cộng hưởng và vì một mình AIIB cũng chẳng thể thực hiện được thành công những dự định lớn lao chung cũng như riêng của từng thành viên.

Tuy nhiên, ganh đua cũng quan trọng không kém. AIIB sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của IMF, WB và ADB, sẽ giúp các thành viên có thêm lựa chọn nguồn vốn đầu tư mới, giảm bớt lệ thuộc và như thế sẽ tác động trực tiếp vào vai trò, vị thế và ảnh hưởng của IMF, WB và ADB ở châu Á.

Ngân hàng mới sẽ buộc các “ông lớn” này thúc đẩy quá trình cải cách đã được khởi động nhưng rất trì trệ. Đương nhiên là thành viên khởi xướng cũng được lợi không ít từ AIIB.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.