|
Trước hết là vì chàng sở hữu một vóc dáng cao ráo, một phong độ hào hoa tài tử, nhưng rắn rỏi chất nam nhi. Như một người mẫu từ điệu đi dáng đứng đến cách ăn mặc. Bốn mùa đều sơ mi trắng, cà vạt đen, com lê đóng bộ. Nhìn chàng, mọi người nghĩ, cứ như chàng từ quốc ngoại mới xuống máy bay hôm qua vậy.
Chàng có một gương mặt rất ưa nhìn với cặp mày rậm, đôi mắt sáng, cái miệng tươi. Chàng là một thanh niên đẹp, đẹp từ dáng vóc cho đến từng ngón tay. Ôi, những ngón tay trắng muốt thon búp măng, nhìn chúng, ta tưởng tượng đó là những ngón tay của thiếu nữ hoặc của các nghệ sĩ vĩ cầm! Tay chàng đúng là tay nghệ sĩ thật. Vì chàng biết chơi violon, không quá điêu luyện, nhưng đã thoát tiếng tơ, có khả năng diễn tả được nỗi lòng.
Như vậy là hai trong một, không, phải là ba bốn trong một mới đúng. Vì chàng không chỉ là người chơi violon, mà còn dịch sách và sáng tác tiểu thuyết. Chà! Nhìn chàng, người kém cỏi không thể không ghen tị. Sao ông trời cho chàng nhiều thế! Ấy là chưa kể, cái tài năng lớn của chàng thể hiện ở nghề nghiệp của chàng, chàng thông tường, am hiểu thấu đáo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, toàn những ngôn ngữ lớn. Mà thông thuộc đến mức có thể chửi nhau tay đôi với mấy con mẹ hàng tôm hàng cá bên xứ ấy được. Chàng đã du học ở Anh và Nga.
Con người toàn năng này lại luôn biết chăm chút để làm cho cái vốn nội lực cố định của mình ngày càng phong phú hơn. Chàng chăm chỉ đọc sách và học hành lắm. Chàng nói chàng có kế hoạch hai năm nữa sẽ lấy bằng thạc sĩ môn Anh văn và năm năm nữa chàng sẽ trở thành tiến sĩ một ngành thuộc khoa học nhân văn nào đó. Thành ra, ngoài giờ làm việc là phiên dịch khi có khách nước ngoài đến tổng công ty, thì chàng hoặc ngồi ôm mấy cuốn từ điển, hoặc xách cái cặp da cá sấu đỏ hồng, vật bất ly thân, đi thư viện. Ngày nghỉ, với một cặp bánh mì nhân patê giá bình dân bảy ngàn đồng, chỉ bảy ngàn thôi, vì tính chàng vốn cần kiệm như người xứ quê, là chàng ngồi miết ở thư viện từ tám giờ sáng cho đến mười giờ đêm. Mười giờ đêm về phòng là giờ chàng mở hộp đàn và bắt cây đàn rền rĩ với các bản nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn.
- Ơ, cái anh chàng mô rú mô ri mô nỏ chộ này hết sách vở lại đàn địch định ở độc thân suốt đời chắc?
Một hôm, ông Dung, kỹ thuật viên trung cấp, một ông già có khuôn mặt khổ ải, cằn cỗi, mang dáng bộ cũ kỹ và cổ giả vì cái lưng gù, một bên chân thọt, ở cùng buồng với tôi và Lâm bỗng tỏ ra quan tâm tới chàng. Có lẽ là ông muốn nói tới cái quê hương bản quán miền Trung của Lâm nên khi Lâm vừa buông đàn giải lao, chưa kịp nói, ông đã lại thêm:
- Hay là cậu chàng định về quê xứ bọ kiếm vợ? Nghe đồn gái miền Trung, chẳng hạn như gái Đô Lương, vừa đẹp vừa giỏi giang lắm, có đúng không?
Chưa trả lời ông Dung vội, Lâm nhẹ nhàng chậm rãi đặt cây đàn vào hộp, đóng hộp lại, rồi xếch hai ống quần, ngồi xuống trước ông già:
- Bác hẳn đã có lần về miền Trung quê tôi nên mới dám nói con gái quê tôi vậy?
- Tớ năm nay gần sáu chục tuổi đầu rồi. Hồi mười tám đôi mươi là lính vận tải thủy. Kể từ Đà Nẵng ra đây, vùng nào có sông nước đều đã qua lại, nên cũng biết sơ sơ.
- Được rồi. Vậy xin hỏi con người từng trải, trước hết là chuyện cuộc sống cụ thể lương bổng ở thời hiện tại, sau nữa là chuyện yêu đương thời trai trẻ?
- Lương của tớ hiện thời là chín triệu rưỡi chẵn một tháng. Tạm đủ sống và cao so với anh em trẻ như cậu. Có lẽ vì được tính cả thời gian tớ thâm niên bên quân đội thời chống Mỹ.
- Chà!
Mới nghe ông Dung nói tới đấy, như bắt gặp điều cần thổ lộ, Lâm liền rên một tiếng và đập tay xuống bàn, đứng phắt dậy, chìa tay ra nắm tay ông già:
- Bác Dung! Bác sắp về hưu. Còn tôi mới ngoài ba mươi. Lương tôi hiện thời là hai triệu chín trăm ngàn đồng một tháng. Xin hẹn với bác, chỉ trong vòng mười năm nữa sẽ đuổi kịp lương bác. Đó mới là vấn đề đáng phấn đấu. Chứ còn...
Đột ngột dừng lời, chàng thông dịch viên nhìn ông già với vẻ vô cùng tự mãn, chắc là định nói tiếp, chứ còn chuyện yêu đương vợ con, cháu coi là chuyện đơn giản, chẳng có gì đáng phải lo ngại cả, thì ông Dung đã bật cười vỗ vai chàng:
- Lâm ơi, mặc dầu là tớ mệnh thủy, giản hạ thủy, nghĩa là nước ở hồ đầm, cùng với cuộc đời tớ gắn liền với sông nước, tiền bạc của tớ cũng không đến nỗi ngọ ngằn, nhưng tớ tin là với tính khí của mình, cậu chàng sẽ đuổi kịp và vượt tớ về lương bổng mà chẳng cần đến mười năm đâu. Còn nói về yêu đương, thì theo tớ, dẫu là của cậu hay của tớ thì trước sau cũng vẫn có điểm giống nhau thôi.
- Giống nhau! Cháu và bác tại sao lại giống nhau được nhỉ?
- Tất nhiên mình thì quê mùa đơn giản. Nhưng mà thôi Lâm à, điều quan trọng lúc này là trước đây tớ không ưa cậu, còn bây giờ ngược lại, tớ thấy cậu rất đáng yêu. Nếu tớ là con gái thì tớ mê cậu ngay!
Đang say sưa về mình, nghe không hết ý của ông già, Lâm mím môi, gật gật đầu, đầy vẻ tự tin: Để rồi xem. Và chàng lại cặp cây đàn vào vai. Mưa vẫn mưa bay...
***
Chao ôi, cứ nghĩ rằng, với thói tự thị chủ quan một cách thành thật như thế thì dẫu có là một chàng trai rất đáng yêu như ông già Dung nói, thế nào chàng cũng gặp trắc trở trong chuyện vợ con, nhưng tôi thật không ngờ, chàng sớm nhận được bài học đắt giá như thế.
Một đêm nọ, ngay sau buổi trò chuyện với ông Dung, Lâm từ đâu về, vừa bước vào phòng ngủ đã cất tiếng gọi tôi. Và quên nhãng cả việc kéo đàn thường lệ, và chẳng hề biết giấu giếm, chàng chìa một bên má cho tôi xem. Trời, kẻ nào đã để lại dấu vết cái tát hằn mấy vệt ngón tay trên má chàng vậy?
- Anh Khang, anh có biết cô Cúc kế toán văn phòng không?
Lâm nói và không đợi tôi đáp, đã làu bàu:
- Anh xem, tôi mặt mũi thế này. Vóc dáng thế này. Trình độ tôi thế này. Cô ấy so với cô Hương căng tin, cô Sâm văn thư, cô Hà tạp vụ thì đã hơn gì. Còn với tôi, nếu không nói là tôi hạ mình xuống thì ít ra tôi cũng tương xứng với cô ấy chứ!
Tôi chống tay ngồi dậy:
- Đầu đuôi câu chuyện thế nào?
- Nó là thế này! Chiều tối nay tôi đem hai tấm vé nghe giao hưởng ở Nhà hát Lớn đến gặp cô ấy. “Cúc à, anh muốn mời em!”. Tôi nói rất trịnh trọng. Và nhìn vào mặt cô, thấy cô có vẻ cảm động, tôi liền nắm tay cô, kéo cô vào lòng mình. Thế là cô ấy vằng người ra và vung tay...
Bật lên một tiếng cười cụt ngủn, ông Dung đang nằm vùng ngay dậy, chui ra khỏi màn. Rồi vừa gù gù lưng tôm và thập thễnh đi lại, ông vừa mổ ngón tay về phía Lâm, dằn từng tiếng:
- Quả này con Cúc nó chơi đẹp. Nó cho cậu một bài học đấy. Hãy bớt chủ quan đi, chú em!
Chẳng thèm để ý đến sự cảnh báo của ông già, mặt hầm hầm đầy khí giận, Lâm quay ngang quay ngửa, rồi giáng một quả đấm xuống mặt bàn:
- Bác Dung. Tôi nói thật. Đàn bà tóc dài trí óc ngắn làm sao hiểu được giá trị của tôi.
Đàn bà tóc dài óc ngắn làm sao hiểu được giá trị của Lâm! Đâu phải Lâm chỉ biểu thị thói tự cao tự đại và sự miệt thị với giới đàn bà. Chúng tôi đều hiểu vậy. Tuy vậy, sau lần tỏ tình thất bại với cô Cúc, Lâm, chàng trai tri thức tài hoa hơn người, bắt đầu sống trong trạng thái khác thường. Chàng, vẫn vóc dáng, diện mạo cao sang, thanh nhã ấy, vẫn nền nếp cẩn trọng quý phái trong cách ăn mặc ấy, nhưng bây giờ mặt chàng ngoài cái vẻ vênh vênh kiêu ngạo, lại thêm sự lạnh lùng khinh thị, đặc biệt là trước mặt các cô gái, từ cô Cúc kế toán tới cô Sâm văn thư, cô Hà tạp vụ, cô Hương căng tin...
“Hừ! Cậu chàng này kém tôi hai giáp. Mệnh là Thành đầu thổ. Thành đầu thổ nghĩa là đất đắp đầu thành. Đầu thành là nơi đón hòn tên mũi đạn nên người có mệnh này thường tự tin thái quá, cao ngạo và không biết sợ sệt là gì”. Một lần, sau khi xảy ra chuyện Lâm bị cô Cúc chối bỏ, ông Dung nói với tôi về chàng như vậy. Và ông định lấy sự chân tình để góp ý với chàng. Tiếc thay, ông vừa ngỏ lời với chàng, rằng thì là đã có gan vào trận thì miệng hùm chớ sợ, vây rồng chớ ghê. Rằng thì là con gái nó vốn ỡm ờ, thích mê tơi lại làm ra bộ ngủng ngoẳng. Vậy nên hãy kiên trì, kiên trì... thì chàng đã gạt phắt đi, và cho rằng, chàng là một giá trị người đời còn lâu mới nhìn thấy. Rằng bây giờ mục tiêu số một của chàng là phấn đấu học hành, chịu đựng kham khổ để tinh thông nghề nghiệp, để có bậc lương cao nhất cơ quan, nghĩa là bằng ông, vượt ông, chứ không phải là cái gì khác. Còn những lời khuyên của ông thì rõ ràng là cũ kỹ lỗi thời và còn thêm gàn quải nữa. Ông là cái đã qua đi. Là người còn sót lại của một thời đoạn đã mãn cuộc. Làm sao ông có thể can dự vào cuộc sống hôm nay được. Tình yêu thời hiện đại dính dáng gì đến chuyện mệnh số vớ vẩn rị mọ như chính con người ông. Ông và chàng không có gì là đồng dạng là giống nhau cả!
Gạt bỏ ra ngoài tai hết thảy mọi lời góp ý mách bảo, Lâm lặp đi lặp lại nếp sống và thái độ của mình. Thứ bảy, chủ nhật từ tám giờ sáng, chàng đã đắm mình vào khu rừng sách vở trong thư viện và cùng với cái bánh mì bảy ngàn bạc bọ, chàng ngốn vào mình kiến thức hay ho của loài người. Rồi tiếp đó đến mười giờ đêm, khi thư viện đóng cửa, chàng mới xách cái cặp da cá sấu đỏ hồng đi về, để lại bắt đầu mê mải với cây violon, cùng những bản nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn và nhạc cổ điển phương Tây.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao.
Ôi, âm nhạc, chỉ có âm nhạc qua cây đàn nhỏ bé kỳ diệu này mới nói được tâm hồn rạo rực niềm kiêu hãnh của chàng lúc này.
Nhưng, hôm nay thì hình như khác với thường lệ. Lâm ôm cái cặp da cá sấu về tới nhà, mở ra thì ngồi thừ, quên cả việc mở hộp đàn.
- Anh Khang này. Anh có...
- Có chuyện gì vậy?
Tôi nhổm dậy, nhìn má chàng. Không, má chàng chỉ ửng hồng niềm vui hân hoan. Chàng banh miệng chiếc cặp da cá sấu, và quay lại nhìn tôi:
- Anh Khang, anh có đặt vào cặp tôi hai hộp vitamin tổng hợp này không?
Tôi nhìn vào lòng chiếc cặp, lắc đầu. Lâm ngơ ngác:
- Lạ nhỉ! Thế thì ai đặt vào cho tôi thế không biết! Hay là cụ Dung, con người cổ xưa chơi khăm tôi?
- Cụ Dung về quê rồi. Nghĩ xem, hôm nay cậu để cái cặp ở những đâu?
- Để ở những đâu nhỉ? À, trước khi đi thư viện, tôi có tạt qua ngồi chơi một lúc ở căng tin cô Hương...
Lâm nhăn nhăn trán, rồi vỗ bộp một cái vào chiếc cặp da, như có ý đã ngờ ngợ đoán ra rồi.
Lâm đã đoán ra người nào cho anh hai hộp vitamin tổng hợp? Có lẽ là chưa! Vì mấy hôm sau nữa chàng lại một lần banh miệng cặp gạn hỏi tôi có phải là chủ nhân của hai thanh sô cô la Nga và một hộp cà phê Trung Nguyên? Và khoảng một tuần sau, chàng lại như tra hỏi tôi cùng ông Dung, xem chúng tôi có phải là thủ phạm đầu têu trò đùa dai này không? Trong cặp của chàng lần này có nửa tá khăn mùi soa kẻ sọc của Tiệp!
Lâm đã lần lần biến đổi thành người khác từ dịp này. Có vẻ như chàng thấy cái bộ mặt kênh kiệu, vênh vác lạnh lẽo của mình không còn hợp thời nữa.
***
Đêm ấy có lẽ là khuya lắm rồi, Lâm mới về đến nhà. Cởi bỏ bộ quần áo ướt rượt, chàng khua chúng tôi dậy. Và như một kẻ đã lột xác hoàn toàn, sôi nổi chàng nói:
- Tôi sẽ kể chuyện của tôi cho anh Khang và bác Dung nghe sau. Còn bây giờ xin hỏi bác Dung cái câu hỏi đã có lần tôi hỏi bác: Thời trai trẻ, bác đã yêu như thế nào?
Ông Dung ngồi dậy, tìm ống điếu, rít một hơi thuốc lào, phả khói rồi xua xua tay:
- Thì tôi đã nói rồi. Quê mùa, đơn giản thôi. Tất nhiên, cũng như mọi đôi lứa, ái tình khởi đầu luôn luôn là cái duyên kỳ ngộ bí ẩn, không bày biện lồ lộ ra thanh thiên đâu. Nó cũng giống như những tặng phẩm của một bàn tay bí mật nào đó đã đặt vào trong chiếc cặp da cá sấu của cậu vậy.
- Thế nhưng... cái kết thúc cuối cùng là thế nào? Và ai là kẻ quyết định?
- Nó là do cái duyên trời cho. Nó là cái mệnh con người, tính khí phong cốt con người tạo nên. Quê tớ là vùng cửa sông. Cả đời tớ là sống cùng sông nước. Nhà cô ấy ở bên kia con sông. Tớ ở bên này. Hằng ngày, tớ dong trâu sang bãi soi giữa dòng, vừa thả trâu vừa chơi diều. Mùa nước cạn, cô ấy cũng lội bộ ra đây làm cỏ ngô, cỏ đậu. Bất ngờ hôm ấy tớ đang ở nhà thì trời đổ mưa sầm sập và nước sông đổ về ngập ngụa cả bãi soi. Lúc ấy, không hiểu tớ nghĩ thế nào mà lại trèo lên con thuyền, và đang chơi vơi giữa dòng thì nghe thấy tiếng cô ấy gọi: Anh ơi, anh ơi... cứu em với...
Nhìn Lâm như dò ý tứ của chàng, tôi rụt rè nói rằng, cơn mưa đưa ông Dung đến với người yêu của ông là cơn mưa lành; nghĩa rằng là cuộc tình này có sự xếp sắp và tham dự của ông trời. Và tôi bỗng nhận ra Lâm như kẻ đang trong mộng mị bỗng như choàng tỉnh.
Chàng ôm hai má, run rẩy nói không ra hơi nhưng vẫn không giấu được thói quen tự đắc:
- Thế thì rõ rồi. Thế thì đúng rồi!
Ôi, cái cuộc đời như ngẫu nhiên như sắp đặt, vừa trần trụi vừa hết sức lãng mạn này! Thì ra tối nay, nhìn trời mưa sụt sùi, lòng dạ chợt vô cùng bâng khuâng, chẳng biết làm gì, Lâm, chàng trí thức đa tài, liền đi tới Nhà hát Lớn để mua một chiếc vé vào nghe nhạc giao hưởng. Và chàng đâu ngờ rằng, có một người con gái cũng đang có tâm trạng như chàng, tự giải thoát mình ra khỏi nỗi buồn của cơn mưa, cũng đã đến đây. Người đó là cô Hương làm việc ở căng tin tổng công ty. Nhìn thấy nhau, hai người liền đổ sập vào nhau và thế là mọi việc đã rõ ràng, cơn mưa lành trời cho đã đưa họ đến với nhau. Bởi vì từ rất lâu rồi, Hương đã thầm cảm mến chàng, quý trọng ý chí và nghị lực của chàng, qua những tặng phẩm cô bí mật gửi cho chàng. Còn chàng thì cũng vậy. Chàng đã vô cùng cảm phục và yêu quý cô khi biết cô đã tốt nghiệp đại học sư phạm, chưa có việc làm, đã tình nguyện vào phục vụ ở đây để lấy tiền nuôi bốn em ăn học; cô là một phụ nữ đa cảm và xinh đẹp.
Còn bây giờ thì không kìm được thói ngạo mạn đã trở thành cố hữu, Lâm bước tới, nghiêng nghiêng cái khuôn mặt đầy vẻ tự đắc của mình:
- Bác Dung này, bác có hình dung ra được không? Cứ như là tôi và Hương đã hẹn hò nhau từ kiếp trước. Sau khi ôm hôn nhau, chúng tôi ra khỏi rạp, rồi khoát tay nhau đi miên man trong mưa rơi. Đi trong mưa rơi tầm tã. Nói thật thế hệ bác, kể cả khi bác chèo thuyền ra bãi soi để cứu cô gái nọ, trong cảnh sông nước hữu tình liệu có được cái cảnh yêu đương lãng mạn ấy không? Chắc là không chứ gì!
Hổn hển tiếng nọ lấp tiếng kia vì xúc động, Lâm lập cập mở hộp đàn, lấy cây violon xinh xắn đặt lên vai, rồi lim dim mắt. Chỉ tiếc đàn của chàng vừa cất lên thì đã liền bặt tiếng như một tiếng đàn câm. Giọng ông Dung có một âm lượng và âm sắc thật lạ lùng. Nó chế ngự không gian.
- Cậu nói đúng - Ông Dung nói - Và tôi thật sự mừng cho cậu. Nói thật là cả thế hệ chúng tôi mừng cho thế hệ trẻ các cậu, cậu Lâm à. Tình yêu của các cô cậu lãng mạn và đẹp, chưa từng có ở thế hệ chúng tôi đâu.
- Bác cũng nhận ra như thế!
- Đúng là thế! - Ông Dung gật đầu, giọng thấp xuống một cung bậc, và do vậy đã trở nên khàn rè - Cái cảnh tôi dong thuyền ra bãi soi gặp cô ấy rồi nảy sinh xúc động là sau này tôi nghĩ ra thôi. Chuyện chúng tôi yêu nhau thật sự là về sau cơ. Quê tôi là vùng cửa sông. Năm 1970, giặc Mỹ thả thủy lôi. Tôi ở trong đội rà phá, để thông đường cho tàu ta đi vào Nam tiếp tế cho mặt trận. Mười tám tuổi tôi gia nhập bộ đội vận tải thủy. Chúng tôi ngồi trên ca nô phóng với tốc độ nhanh. Dưới đáy ca nô có gắn thiết bị kích thích thủy lôi nổ. Công việc sinh tử. Nên trước khi vào cuộc tôi được làm lễ truy điệu.
- Nghĩa là coi như đi vào chỗ chết!
- Đúng thế! Nghĩa là coi như cõi chết chắc chắn!
- Chà!
Âm sắc hạ xuống một cung bậc nữa, giọng ông Dung chỉ còn thoang thoảng và lập bập ngắt quãng bên tai tôi:
- Hôm ấy tôi rà phá được năm quả, thì ca nô bị dính thủy lôi, và tôi sau khi bị hất tung lên cao thì rơi xuống nước rồi chìm nghỉm. Cái chết nắm chắc rồi! Đúng như tiền định. Vậy mà lạ chưa, tôi lại mở mắt, và thấy mình ướt sũng nước, còn gằm sát mặt mình là gương mặt một người con gái mắt đầm đìa lệ. Anh, chân anh bị giập nát hết rồi. Nhưng anh đừng lo lắng gì. Em sẽ chung tình với anh, sẽ nuôi anh mãi mãi. Đó là tiếng nói đầu tiên tôi nghe thấy, tiếng nói của người con gái tôi đã gặp trong cơn mưa lũ năm trước. Thế đấy. Cứ như là trong chiêm bao. Nhưng thật tình là rất đơn giản, chẳng có gì là lãng mạn cả. Nhưng mà không sao đâu. Kìa! Cậu kéo đàn đi chứ.
Mưa vẫn mưa bay... Mặt đỏ dừ vì miễn cưỡng, chiếc vĩ cầm trong tay Lâm rì rì đưa đẩy trên mấy sợi dây đàn. Vậy là đã tồn tại một thời lửa đạn và một tình yêu có sắc màu bi tráng, lãng mạn một kiểu cách như thế. Lần đầu tiên chàng thấy mình rơi vào trạng thái bẽ bàng và ngượng ngập, nhưng rất may tiếng đàn đã thổ lộ một cách kín đáo tâm trạng ấy hộ chàng; thêm nữa cũng với nỗi ngượng ngập xấu hổ trong chàng lúc này còn là niềm ước ao và ngưỡng vọng, chúng khiến tiếng đàn của chàng lát sau đã trở lại ngọt ngào quyến rũ như mọi ngày...
M.V.K
>> Những ngày bolero - Truyện ngắn của Phạm Minh Châu
>> Giấc mơ - Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh
>> Hố tử thần, Facebook và những chuyện khác - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Món nợ - Truyện ngắn của Võ Thu Hương
>> Nỗi đau không của riêng ai - Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Bình luận (0)