Một Hà Nội tiết kiệm và chống lãng phí

17/08/2016 21:17 GMT+7

Thủ đô Hà Nội những ngày qua đã phát đi những tín hiệu rất đáng mừng trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Đây cũng là điều người dân thủ đô và cả nước mong đợi và ủng hộ.

Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội".
Tôi nghĩ thông điệp ngắn gọn ấy đã phần nào làm ấm lòng người dân hiện nay.
Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, trong những ngày qua cũng phát đi những tín hiệu đúng theo hướng mà Thủ tướng đã bày tỏ.
Trước đó, khoảng giữa tháng tư, Uỷ ban Nhân dân thành phố (UBNDTP) đã ra một văn bản nêu rõ, các dự án lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn, bao gồm các dự án độc lập hoặc hạng mục chiếu sáng công cộng nằm trong dự án xây dựng, cải tạo đường giao thông, khu đô thị được duyệt năm 2015 và 2016, chưa triển khai thi công: Yêu cầu các sở, các ban quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư phải rà soát lại, nếu trong thiết kế vẫn sử dụng nguồn sáng truyền thống (đèn sợi đốt, halogen, SON, MAIH, compact huỳnh quang…) thì phải chuyển sang sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED.
Tới đây, Hà Nội sẽ chỉ giữ lại một số vườn hoa ở hồ Gươm và một vài nơi quan trọng - Ảnh: Thúy Hằng
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi trình bày tại một cuộc họp có nhắc đến chuyện này. Ông Chung nói, việc dùng bóng điện cũ chiếu sáng hè đường rất tốn điện, không những ảnh hưởng đến ngân sách mà còn làm lãng phí điện năng trong khi khâu sản xuất vẫn chưa đủ dùng. Nếu thay thế đèn LED, Hà Nội sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số khá lớn và rất có ý nghĩa khi kinh tế Thủ đô cũng như cả nước đang gặp khó khăn.
Hôm 15.8, cũng chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm đã cho biết: “Tôi chỉ nêu một điều có lẽ khiến nhiều người giật mình, đó là chỉ 24 km ở đdại lộ Thăng Long nhưng một năm riêng tiền cắt cỏ và một ít trúc đào, một ít hoa dâm bụt là 53 tỷ đồng, thì không thể chấp nhận được”...
Ông Chung thông báo thêm, thời gian tới, thành phố sẽ biến 98 ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Cụ thể, Hà Nội sẽ trồng khoảng 45.000 cây xanh trên đại lộ này, trước mắt là trồng khoảng 20.000 cây cọ dầu theo 4 luống. Toàn bộ cây xanh được trồng trên Đại lộ Thăng Long được doanh nghiệp tặng.
Ông bật mí một thông tin khá thú vị: “Công ty cây xanh và một số công ty khác trồng miệt mài từ đầu năm đến nay chưa hết 40 tỷ đồng. Cây xanh thì tồn tại được cả trăm năm, còn trồng cây hoa, việc cắt tỉa rất lãng phí. Ở các nước người ta trồng cây tự nhiên để tạo cảnh quan chứ không làm tốn kém như mình”....
Ông Nguyễn Đức Chung cũng đưa ra một thông tin mới rất được cử tri hoan nghênh, đó là thành phố đã quyết định dừng lại toàn bộ việc cắt tỉa và trồng cây hoa cảnh tại các vườn hoa trên địa bàn (chỉ để lại một số vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số điểm quan trọng). Theo tính toán của các cơ quan chức năng, quyết định mạnh mẽ này giúp thành phố tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm.
Đây là những thông tin được người dân rất hoan nghênh và cũng đáng để các địa phương suy nghĩ trong việc giải quyết các vấn đề tương tự.
Tôi hy vọng rồi đây, để thực hiện đúng tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong buổi tuyên thệ nhậm chức, sẽ có rất nhiều công việc cần làm ngay với thành phố này. Và nếu lãnh đạo các địa phương cũng khẩn trương nhập cuộc như Hà Nội, một thành phố lâu nay được xem là có sức ỳ khá nặng, thì chúng ta sẽ bớt được những khoản chi khổng lồ vô lý. Hy vọng, số tiền các địa phương tiết kiệm được có thể phần nào giải quyết được mối nguy bội chi ngân sách hiện nay ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.