Một huyện có 4 HS từng vào chung kết Olympia: Tự học là yếu tố quan trọng

19/09/2020 07:04 GMT+7

Ngày mai (20.9) Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị, tham dự chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020, đưa cầu truyền hình về tỉnh lần thứ tư, trong 6 năm gần đây.

Điều gì đã làm nên thành công này đối với 4 học sinh (HS) của một huyện nghèo Quảng Trị?
Trước Văn Ngọc Tuấn Kiệt có 3 HS cùng huyện Hải Lăng, đó là: Văn Viết Đức (23 tuổi), ở xã Hải Phú, là học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị (nhà vô địch của Đường lên đỉnh Olympia năm 2015); Phan Đăng Nhật Minh (20 tuổi), quê thị trấn Diên Sanh, là HS Trường THPT Hải Lăng (nhà vô địch của Đường lên đỉnh Olympia năm 2017); Lê Thanh Tân Nhật (19 tuổi), quê xã Hải Quy, là HS Trường THPT thị xã Quảng Trị (á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2018).

Đam mê nhiều môn học

Tìm hiểu quá trình học tập và rèn luyện của 4 HS này đều thấy một điểm chung là khả năng tự học của các em rất cao.
Văn Viết Đức cho biết bố làm kiểm lâm ở H.Đăkrông, còn mẹ là giáo viên tiểu học huyện Triệu Phong. Trong quá trình học ở trường, Đức cố gắng học đều các môn. Môn toán là thế mạnh nhưng môn sử và địa cũng thích thú, bởi vì những môn này cho em hiểu lịch sử, tài nguyên, truyền thống của đất nước. Suốt 12 năm, Đức đều là HS xuất sắc, năm lớp 11 và 12 đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán năm. Hiện nay Đức là sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc). Đức mong muốn sau tốt nghiệp trở về Việt Nam nhằm "giúp các bác nông dân sáng chế gì đó để bớt đi cực nhọc".
Phan Đăng Nhật Minh có bố là kỹ sư điện, mẹ là giáo viên tiểu học. Từ nhỏ em đã bộc lộ tố chất “thần đồng” khi biết đọc, làm phép toán đơn giản từ 18 tháng tuổi. Năm lớp 9, Nhật Minh đã tự học xong chương trình lớp 11, em không học thêm, mà chủ yếu tự học qua sách báo và internet. Nhật Minh được mọi người đặt cho biệt danh “cậu bé Google” bởi khả năng suy luận, tính toán nhanh và vốn kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực. Nhật Minh hiện cũng là sinh viên ĐH Kỹ thuật Swinburne, dự định hoàn thành cử nhân tại đây, rồi học thạc sĩ và tiến sĩ tại Úc hoặc một quốc gia khác.
Một huyện có 4 học sinh từng vào chung kết Olympia: Tự học là yếu tố quan trọng1

Văn Viết Đức và Phan Đăng Nhật Minh

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Còn Lê Thanh Tân Nhật có bố làm nghề thợ mộc, mẹ làm nông. Ngoài 12 năm liên tục là HS giỏi, Tân Nhật có bảng thành tích khá ấn tượng: ở tiểu học, đoạt giải toán qua mạng internet cấp tỉnh, lên cấp THCS đoạt giải ba môn hóa cấp huyện. Năm 2017, Tân Nhật đoạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi “Tự hào Việt Nam” và lọt vào tốp 30 thí sinh xuất sắc của toàn quốc, giải nhất cuộc thi “Chinh phục” của tỉnh.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt có bố mẹ đều làm nông nghiệp. Em là người cùng làng với Văn Viết Đức. 11 năm đi học, Kiệt đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học giỏi toán nhưng vẫn ham mê lịch sử, thích tự tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một vùng quê có truyền thống giáo dục

Hải Lăng là một huyện ở phía Nam Quảng Trị, là địa phương thuần nông. Địa hình của huyện thấp, lại nằm giữa 2 con sông (Thạch Hãn ở phía bắc và Ô Lâu ở phía nam) nên thường xuyên xảy ra lũ lụt, mất mùa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhưng người dân nơi đây có tinh thần vượt khó và hiếu học.
Hải Lăng là địa phương có chất lượng giáo dục cao của tỉnh Quảng Trị. Về chất lượng học sinh giỏi, Hải Lăng là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Trong 14 kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, từ năm học 2006 - 2007 đến 2019 - 2020, có 11 lần đội tuyển Hải Lăng đoạt giải nhất toàn đoàn, 3 lần đoạt giải nhì toàn đoàn. Đặc biệt, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019 - 2020, đội tuyển học sinh giỏi của huyện đoạt 98 giải/120 HS dự thi.
Một điểm chung của 4 HS này nữa, đó là được học tập trong những ngôi trường THPT chất lượng cao. 3 trong 4 nhà leo núi đều học ở Trường THPT thị xã Quảng Trị, một trường THPT có bề dày truyền thống với hàng trăm HS đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trường THPT Hải Lăng là trường THPT chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị, nơi đây cũng có nhiều HS đạt giải quốc gia và cấp tỉnh. Chính tình yêu thương, dạy dỗ và tâm huyết của thầy cô và truyền thống của nhà trường đã tạo nên thành tích của bao thế hệ học trò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.