Có lần tôi được mời đến dự một buổi phục dựng lễ cúng của người Ê Đê. Thú thực, sống ở Buôn Ma Thuột đã lâu, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi có dịp được theo dõi trọn vẹn một nghi lễ của người Ê Đê. Có lẽ cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều ít nhiều tập tục văn hóa cổ truyền của họ.
>> 'Huyền thoại' sá sùng - vị ngon đã mất của phở Việt
>> Kỳ bí thòi lòi - quái ngư vùng nước lợ
|
Đó là một lễ cúng bến nước với đầy đủ các nghi lễ: cúng Giàng, cúng sức khỏe chủ bến nước, cúng bến nước, cúng cầu mưa. Vật tế của mỗi lễ cúng là một con heo luộc hoặc một con gà luộc. Sau mỗi nghi lễ, những người có mặt lại quây quần uống rượu cần và ăn đồ lễ. Lần đầu nhìn con heo luộc nguyên con còn chưa chín hẳn, không ít người sẽ có phần bỡ ngỡ.
Đến lễ cúng cuối cùng, vật tế là một con gà sống. Ngay trước khi bắt đầu, thầy cúng chặt đứt cổ gà, dùng đầu gà còn tươi nguyên để tế lễ. Sau phần lễ là đến phần tiệc. Tiệc do chính người dân trong buôn tự tay nấu để đãi khách và bà con. Vị trưởng buôn cho biết: “Phong tục của người Ê Đê luôn coi trọng tính cộng đồng. Trong buôn có lễ hội, ma chay thì tất cả già trẻ, gái trai cùng tham gia. Từ khâu chặt môn, chặt chuối, mổ heo, mổ bò đến nấu nướng... rồi tất cả mọi người cùng ăn uống, nhảy múa trong tiếng cồng, chiêng.
Do nấu cho nhiều người ăn nên bếp được dựng dã chiến ngoài trời. Có tới 5, 6 ông đầu rau được làm tạm bằng những viên gạch. Tôi ngửi thấy mùi lá chuối cháy quyện với mùi thức ăn. Một chị đang nhanh tay lấy những gói lá chuối từ lò than ra, tay chị tháo lạt buộc, qua những lớp lá chuối cháy xém, những lớp lá bên trong vẫn còn xanh, mướt “mồ hôi”. Chị có biết, đây là món thịt heo gói lá chuối. Phần thịt bên trong gồm sườn non và thịt băm nhuyễn được ướp củ nén, ớt, tiêu, gia vị... rồi trộn cùng huyết tươi cho kết lại thành khối. Món ăn được bọc bằng nhiều lớp lá chuối rừng, túm miệng rồi nướng trên than hồng. Nhờ vậy, sau khi nướng, món ăn vẫn giữ được mùi thơm của thịt và các loại gia vị, lại được quyện với mùi thơm của lá chuối rừng.
|
Ngay bên cạnh, một a mí đang múc món hầm để dọn lên bàn mời khách. Món này là cà đắng hầm thập cẩm. Tôi mạnh dạn xin mí cho thử một miếng. Mùi vị thật khó tả. Tôi thấy có mùi thơm của cà đắng, của thịt, của khoai gieo, và nhiều mùi khác không định hình được. Cho vào miệng, thấy thoảng vị đắng dịu của cà, vị béo ngậy của thịt được hầm nhừ, vị cay nhẹ của ớt, vị ngọt đậm của tất cả các loại nguyên liệu và gia vị. Hỏi ra mới biết, điều khác biệt của món ăn này là được cho thêm cà đắng khô vào hầm. Bởi thế tôi mới liên tưởng đến mùi khoai gieo xứ Nghệ. Thịt dùng để hầm là heo được thả tự nhiên trong buôn nên thịt săn, tỉ lệ nạc mỡ cân bằng, mùi thơm. Ngoài ra, nồi hầm còn có nguyên liệu khác là phần thân chuối rừng non và mít non. Người nấu đã hầm khéo léo đến độ thịt, cà, thân chuối, mít đều mềm nhưng vẫn giữ được hình dạng và vị đặc trưng. Quả thật rất ngon. Món này ăn cùng cơm nóng nữa thì ngon đến tận miếng cháy cuối cùng.
Còn thêm một nồi nhỏ nữa vẫn còn đặt trên bếp than. Mùi sả tỏa thơm phức. Đấy là món vách bò hầm (có lẽ mọi người sợ tôi không hiểu nên tất cả đều được gọi tên bằng tiếng Kinh). Món ăn được nấu chủ yếu bằng gân và nạm bò, hầm cùng thật nhiều sả và ớt. Món ăn này không lạ, nhưng nhờ các nấu và nêm gia vị khéo léo nên cũng rất thơm ngon và có hương vị riêng rất khó tả.
Bàn tiệc được dọn lên, ngoài các món kể trên, mâm tiệc còn có thêm rau rừng luộc, cơm nóng và còn có nem, chả, bánh mì. Những món này có lẽ để phòng khi khách không quen ăn món lạ. Nhưng tất cả những người lần đầu được trải nghiệm tài nấu nướng của dân tộc bản địa đều chỉ chăm chăm chọn những món do chính tay gia chủ nấu. Phải nói, đó là một bữa ăn khó quên trong đời.
Đinh Nga (thực hiện)
Bình luận (0)