Nếu trước đây, tư duy không quản được thì cấm bị lên án rất nhiều thì câu chuyện cấm xe điện trong trường hợp nói trên còn nguy hiểm hơn, đó là tư duy không hiểu cũng cấm luôn, bất chấp đó là xu hướng của thế giới, bất chấp các cơ sở khoa học. Những hành động cấm kiểu này đôi khi chỉ theo thói quen, nhưng hệ quả của nó có thể rất lớn.
Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên về cơ hội của VN trong giai đoạn dân số vàng hiện nay, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, chia sẻ không phải tự nhiên mà một thời đại mới ra đời được mà thực tế phải trải qua vô cùng khó khăn. Bởi mỗi cá nhân cụ thể cho đến cả lực lượng doanh nghiệp đều dễ bị xua đuổi, thậm chí hủy hoại bằng chính thái độ của chính mỗi chúng ta... "Chúng ta phải rút kinh nghiệm rất nhiều về hành xử xã hội nếu muốn tận dụng được cơ hội dân số vàng trong xu thế thời đại ngày nay", ông Thiên nhấn mạnh.
Vì sao lại là "thời đại ngày nay"?.
Có 2 lý do chính. Thứ nhất, thời đại ngày nay là thời đại của sáng tạo, của công nghệ nên sự vận động, thay đổi với cường độ cao diễn ra liên tục. Có rất nhiều lĩnh vực chúng ta mới đang trong quá trình thử nghiệm nhưng đó là xu hướng của thế giới. Đơn cử như xe điện là ưu tiên chiến lược mang tính toàn cầu trong bối cảnh nguồn năng lượng từ tài nguyên hóa thạch trên trái đất đang vơi dần, cộng thêm vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Thế nên Chính phủ các nước đều có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển xe điện và VN cũng không ngoại lệ. Nếu cứ không hiểu mà cấm thì VN chắc chắn sẽ tụt hậu.
Thứ hai, thời đại ngày nay là thời đại thông tin, một hành vi không đúng, một quy định vội vã, một thái độ hành xử thiếu chuẩn mực... sẽ lan truyền rất nhanh, rất rộng, không chỉ ở trong nước mà vượt ra ngoài biên giới. Hành xử đó gắn trong bối cảnh đặc biệt thì tác động càng ghê gớm. Ví dụ cấm sạc điện, gửi xe điện trong hầm chung cư ngay sau khi xảy ra cháy ở Hà Nội vừa rồi thì hàm ý đổ lỗi cho xe điện là rất rõ ràng, bất chấp cơ quan chức năng chưa có kết luận về việc này. Và hệ quả hoàn toàn có thể xảy ra là tình trạng tẩy chay xe điện trong khi bản thân loại phương tiện này không có lỗi.
Đặt trường hợp làn sóng tẩy chay diễn ra là thật thì không chỉ các công ty sản xuất xe điện bị ảnh hưởng mà còn tạo ra hình ảnh một VN đi ngược với xu hướng thời đại trong mắt bạn bè, đối tác toàn cầu. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, ảnh hưởng đến cam kết đưa phát thải ròng về 0% vào 2050 tại COP26... Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những hậu quả nghiêm trọng đó?
Công nghệ xe điện, pin sạc... an toàn thế nào, tỷ lệ cháy nổ so với xe xăng ra sao đều có cơ sở khoa học chứng minh, các chuyên gia phân tích cũng nhiều rồi sau hành vi cấm sạc, gửi xe điện ở một số nơi, thiết nghĩ không cần nhắc lại ở đây. Cái cần rút kinh nghiệm chính là thái độ hành xử, nhất là với những người có trách nhiệm. Cấm thì dễ nhưng hành động vội vàng, cảm tính có thể giết chết xu hướng phát triển mới, không chỉ một hay vài doanh nghiệp.
Không quản, không hiểu thì cấm là tư duy cần được loại bỏ thì kinh tế mới tăng tốc phát triển.
Bình luận (0)