Bối cảnh này khiến những quan điểm, giá trị trong giáo dục phải được nhìn nhận vượt khỏi lối mòn, thoát cách nghĩ kiểu truyền thống.
Lời yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM với giáo viên tại địa phương này rằng không nên "kiểm tra miệng" đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" khiến học sinh (HS) căng thẳng là một minh chứng cho thấy những nhà quản lý đã hiểu rằng giáo dục ngày nay cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của thực tế.
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu bước vào năm học thứ tư với những thay đổi căn bản về cách đánh giá, kiểm tra HS. Theo đó, Bộ GD-ĐT cam kết việc kiểm tra, đánh giá sẽ tập trung vào năng lực của HS và sử dụng nhiều phương thức, công cụ khác nhau, thay vì chỉ sử dụng công cụ đã quá phổ biến là bài kiểm tra. Cam kết này của Bộ GD-ĐT đã "mở đường" cho giáo viên mạnh dạn đổi mới cách đánh giá HS với nhiều hình thức đa dạng mà vẫn đảm bảo đánh giá được năng lực người học nhưng không tạo căng thẳng.
Có thể vẫn còn ý kiến cho rằng nếu không kiểm tra theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" thì sẽ không tạo động lực để HS học tập. Việc học hay bất cứ công việc gì khác cũng cần phải có một chút áp lực để giúp phấn đấu, cố gắng đạt đến kết quả. Nếu thoải mái quá sẽ khiến HS dễ ỷ lại, không cố gắng học tập.
Với những thay đổi hiện nay trong từ công nghệ đến cuộc sống, tâm sinh lý của HS thì chưa hẳn những điều trước đây hoàn toàn đúng nay đã còn phù hợp.
Nếu trước kia phần lớn HS tiếp thu kiến thức chủ yếu qua người thầy, qua sách giáo khoa thì với thế giới bao la của công nghệ hiện nay HS không còn khó khăn trong việc nắm bắt tri thức. Đó là chưa kể những kiến thức hôm nay các thầy cô truyền đạt cho HS có khi sẽ thay đổi trong thời gian không xa nữa nên cách kiểm tra thuần túy thuộc lòng đã không còn thích hợp. Vấn đề quan trọng hơn là tạo cho HS một môi trường thoải mái, đầy niềm vui để tự tin học hỏi, trau dồi từ đó thu nhặt được kiến thức và biến nó thành của mình, biết vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đó mới chính là mục đích cần đạt được của giáo dục chứ không phải là tìm mọi cách gây áp lực để HS học rồi khi kết thúc bài kiểm tra sẽ quên hết những gì đã học.
Vì vậy, những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá từ các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng giúp HS vui để học hy vọng sẽ là động lực để các nơi khác cùng thực hiện, tạo đà để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không còn là khẩu hiệu dán trên tường mà sẽ được hiện thực hóa.
Một trong những nhiệm vụ mà TP.HCM đặt ra cho năm học này là xây dựng trường học hạnh phúc. Hạnh phúc trong nhà trường cần đến từ những điều bình thường như sân trường thêm khoảng xanh, phòng học đủ ánh sáng, HS được mang ba lô màu mình yêu thích đến trường… và quan trọng là được học trong niềm vui. Chỉ khi có niềm vui thì việc học không còn là nghĩa vụ mà trở thành niềm đam mê, từ đó HS mới có thể khám phá và sáng tạo.
Bình luận (0)