Một lon không khí giá bao nhiêu?

15/01/2016 09:00 GMT+7

99 cents, 32 USD hay 5 nhân dân tệ, cuối cùng thì một lon không khí được bán giá bao nhiêu? Tôi cho rằng, giá của lon không khí rất có thể là cả tương lai của chúng ta.

99 cents, 32 USD hay 5 nhân dân tệ, cuối cùng thì một lon không khí được bán giá bao nhiêu? Tôi cho rằng, giá của lon không khí rất có thể là cả tương lai của chúng ta.

Kể từ khi thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) báo động đỏ về ô nhiễm không khí, doanh số bán các chai khí sạch của công ty Vitality Air tăng vọt - Ảnh của Vitality AirKể từ khi thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) báo động đỏ về ô nhiễm không khí, doanh số bán các chai khí sạch của công ty Vitality Air tăng vọt - Ảnh của Vitality Air
Trong bộ phim hài viễn tưởng Spaceballs năm 1987, tiếng bật lon "perri-air" của nhân vật Scroob luôn là điều thú vị mà ám ảnh đối với tất cả người xem. Scroob đã trở nên say mê những lon không khí như vậy sau khi chính ông ta đã phung phí hết nguồn khí sạch trên hành tinh của mình. Đến khi nào thì thế giới sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty sản xuất khí sạch, và tất cả chúng ta sẽ không thể sống nếu thiếu những lon khí được đóng công nghiệp? Bộ phim hoạt hình The Lorax (2012) cũng đã đưa ra câu hỏi ấy và dường như câu trả lời có lẽ đã không còn ở quá xa.
32 đôla Mỹ cho một chai không khí 7,7 lít với 150 nhịp thở. Câu chuyện tưởng như đùa đó giờ đã là thật, của công ty Vitality Air có trụ sở tại Alberta, Canada. Troy Paquette, người sáng lập công ty này đã từng thử rao bán một túi khí với giá 99 cents trên eBay và nhận được những phản hồi tích cực, trước khi ông quyết định mở rộng sản xuất với quy mô lớn, đóng lại các lon không khí sạch từ vùng sông núi Alberta để bán và xuất khẩu.
Kinh doanh không khí, thứ sản phẩm hiện hữu nhất của tự nhiên, có vẻ cũng không phải quá mới mẻ. Năm 2013, bằng việc đóng chai và vận chuyển không khí từ những vùng ít ô nhiễm hơn, một doanh nhân người Trung Quốc tên Chen Guangbiao cũng đã bán được 10 triệu lon không khí với giá 5 nhân dân tệ mỗi lon. Ngành du lịch quốc đảo Iceland từng thành công khi sản xuất và giới thiệu sản phẩm "Icelandic mountain air" như một sản phẩm quà tặng để du khách mua về.
Giống như thế kỷ 18, rất nhiều người từng ngạc nhiên và tỏ ra cười cợt khi lần đầu tiên những chai nước sạch được công ty Jackson’s ở Boston (Mỹ) đóng lại và đem bán. Đến giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 hôm nay, nhiều người trong chúng ta rất có thể vẫn còn cho rằng những sản phẩm lon không khí kia là điều gì đó xa xôi và hoang đường.
Người Nhật cũng đã bán được những chai khí trong lành lấy ở vùng núi Phú Sĩ cho những vị khách du lịch ngoại quốc khi đến thăm nơi đó. Hoặc như mới đây, trên mạng xã hội Weibo, một nhà hàng ở tỉnh Giang Tô gây tranh cãi khi quyết định thu thêm 1 nhân dân tệ mỗi thực khách, lý do là họ đã phải trang bị thêm máy lọc không khí cho không gian thưởng thức đồ ăn của thực khách.
Trả lời giới truyền thông, ông Troy Paquette cho biết, không chỉ ở Trung Quốc, những người bạn mình ở Ấn Độ, Iran hay Afghanistan than thở rằng, không khí sạch giờ đây như là một điều quý giá và xa xỉ. Ở một vài thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới, người ta đang mua những bình không khí mà ông xuất khẩu sang để biếu, làm quà tặng, hay đơn giản chỉ là để đảm bảo rằng họ nạp vào cơ thể mình những gì là tự nhiên nhất.
Gần đây, trong vụ gian lận về xả khí thải của hãng Volkswagen, có hàng chục triệu xe đã bị thu hồi trên toàn thế giới. Thay vì đầu tư công nghệ để giảm thiểu thải khí ra môi trường, hãng này đã cho người thiết kế phần mềm riêng nhằm mục đích điều chỉnh số liệu đo đạc để đánh lừa cơ quan kiểm tra. Chính tâm lý kinh doanh đề cao lợi nhuận đã khiến hãng sản xuất xe hơi lớn nhất nhì thế giới này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, cổ phiếu, doanh thu sụt giảm và người tiêu dùng xa lánh.
Nói đến ô nhiễm không khí, Trung Quốc vẫn được cả thế giới biết đến với thuật ngữ “cơn ho Bắc Kinh”. Một người bạn tôi từ nước ngoài đến Việt Nam lần đầu cũng phải sững sờ thảng thốt khi nhìn thấy những cột khói cao nghi ngút thoát ra từ những nhà máy sản xuất ở ngoại ô Hà Nội. Còn mấy năm gần đây, cứ dịp cuối hè, thời tiết các đô thị lớn miền bắc lại có một đợt "sương mù” nhân tạo rất đặc trưng, nguyên do là bởi những người nông dân đốt chất thải nông nghiệp sau vụ mỗi thu hoạch.
Ô nhiễm không khí nặng ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) - Ảnh: AFP

Không phải ngẫu nhiên mà thị trường không khí đóng chai của công ty Vitality Air lại rất mạnh ở những đất nước đang phát triển. Sự ô nhiễm không khí của các quốc gia này đang ở mức báo động khi lề thói sinh hoạt của dân cư tỏ ra rất vô tư, còn hạng mục đầu tư dành cho xử lý chất và khí thải của đa số doanh nghiệp sản xuất lớn nhỏ lại luôn được đặt ở dòng cuối cùng. Trong khi đó, điểm yếu của những xã hội đang phát triển luôn là khả năng theo kịp về giám sát, mức độ đầu tư cho môi trường, so với tốc độ phát triển quá nhanh về sản xuất và dân số.
Lại nhớ, giống như thế kỷ 18, rất nhiều người từng ngạc nhiên và tỏ ra cười cợt khi lần đầu tiên những chai nước sạch được công ty Jackson’s ở Boston (Mỹ) đóng lại và đem bán. Đến giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 hôm nay, nhiều người trong chúng ta rất có thể vẫn còn cho rằng những sản phẩm lon không khí kia là điều gì đó xa xôi và hoang đường. Nhưng rõ ràng là, con người chúng ta mỗi ngày đang đánh mất dần những quyền cơ bản tự nhiên nhất của mình, chính bởi sự vô tư và thiếu trách nhiệm trong từng hành động nhỏ mỗi ngày.
Vậy 99 cents, 32 đôla hay 5 nhân dân tệ, cuối cùng thì một lon không khí được bán giá bao nhiêu? Tôi cho rằng, giá của lon không khí rất có thể là cả tương lai của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.